Virus “hàng khủng” hồi sinh sau… 30.000 năm
Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đã hồi sinh một loại virus từng chết đi và bị chôn vùi 30.000 năm dưới những lớp băng vĩnh cửu ở Siberia.
Virus không hoạt động hơn 30.000 năm cho đến khi được hồi sinh ở phòng thí nghiệm Pháp
Đó là một thể sinh bệnh cổ được phát hiện bị vùi lấp sâu 30 m dưới mặt đất đóng băng. Các nhà khoa học cho rằng lần con virus lây nhiễm cho sinh vật khác gần nhất là cách đây khoảng 30.000 năm. Tuy nhiên, nó đã sống lại trong phòng thí nghiệm. Các xét nghiệm cho thấy Pithovirus sibericum tấn công a-míp, một dạng cơ thể đơn bào.
Tác giả nghiên cứu, GS Jean-Michel Claverie nói: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy một virus có thể truyền nhiễm sau khoảng thời gian dài như vậy”. Đồng nghiêp của ông, TS Chantal Abergel giải thích thêm: “Virus này đi vào tế bào, sinh sản và cuối cùng tiêu diệt tế bào. Chúng có thể giết a-míp chứ không thể nhiễm tế bào người”.
Nhóm nghiên cứu không loại trừ khả năng những sinh thể bệnh có khả năng gây tử vong khác, còn ẩn chứa dưới những lớp băng dày ở Siberia
Phát hiện này khiến GS Claverie cảnh báo những nguy cơ mới về virus trong trường hợp những lớp băng bên dưới Siberia bị phơi bày do một số nguyên nhân, trong đó có thiên tai, biến đổi khí hậu hoặc khai thác tài nguyên.
Theo Người lao động / BBC