Chính Quyền Trung Quốc Đang Nỗ Lực Kìm Hãm Tia Hy Vọng Cuối Cùng Của Người Dân
Nỗ lực kìm hãm quy trình kiến nghị lâu đời sẽ vấp phải các phản ứng xã hội, các nhà hoạt động nhận định.
Các cụ già đệ đơn kháng nghị để bày tỏ bất bình về khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế và việc cưỡng chế thu hồi đất đã bị cảnh sát Bắc Kinh bắt giam vào ngày 10 tháng Năm 2012. Một đạo luật mới nhằm giới hạn số người kiến nghị đã nhận được nhiều phản đối. (Mark Ralston/AFP/Getty Images)
Một bộ luật dự thảo được Đảng Cộng Sản Trung Quốc ban hành gần đây sẽ thắt chặt một trong những hy vọng cuối cùng cho người dân Trung Quốc cơ cực muốn kiến nghị, phản đối sự ngược đãi của chính quyền.
“Kiến Nghị” là một phương thức lâu đời của Trung Quốc đã được áp dụng và sửa đổi bởi chính quyền cộng sản: Nó có nghĩa là người dân bị ngược đãi bởi các viên chức nhà nước có thể tố cáo lên cấp chính quyền cao hơn. Hàng nghìn người kiến nghị đổ dồn về Bắc Kinh hàng năm trong một nỗ lực đòi công lý.
Giờ đây, một bản dự thảo luật mới sẽ nghiêm cấm các đơn kiến nghị “nhảy cóc” mà không thông qua chính quyền địa phương, đồng thời cũng cấm bất kỳ đơn kiến nghị nào liên quan đến các trường hợp vẫn đang được tòa thụ lý.
Lệnh cấm này được nhìn nhận như một đòn giáng mạnh vào những người dân thấp cổ bé họng đang tuyệt vọng tại Trung Quốc.
“Đạo luật mới này trên thực tế đã lấy đi hy vọng cuối cùng của những người dân đang đi tìm công lý,”Xu Shaolin-một nhà bình luận độc lập tại Bắc Kinh nhận đinh.
“Những người kiến nghị nên làm gì khi chính quyền địa phương không tiếp nhận đơn kiến nghị của họ? Họ nên làm gì khi tòa án từ chối tiếp nhận hồ sơ của họ? Họ có thể đến đâu để tìm kiếm sự phân xử công bằng cho những bất công của họ?” Xu đặt câu hỏi trên Sina Weibo (mạng xã hội giống Twitter ở Trung Quốc).
Luật Cấm Việc Kiến Nghị Theo Kiểu “Nhảy Cóc”
Việc kiến nghị “nhảy cóc” được áp dụng rộng rãi bởi những người dân Trung Quốc chịu bất công gây ra bởi những cán bộ thoái hóa đạo đức ở địa phương của họ. Họ sẽ tới Cục Tiếp Nhận Kiến Nghị Và Phản Hồi ở Bắc Kinh để trình lên đơn kiến nghị của mình.
Đạo luật mới khi được ban hành chính thức sẽ nghiêm cấm điều này, với lý do nhằm “giải quyết vấn đề ngay ở địa phương nơi phát sinh, tránh mâu thuẫn khi kiến nghị lên các cấp cao hơn, từ đó duy trì trật tự xã hội.”
Nhưng người dân đi đường vòng qua chính quyền địa phương đều có lý do chính đáng, Li Xiangyang, một luật sư ở Trung Quốc, phát biểu trong một buổi phỏng vấn với Đài Truyền Hình Tân Đường Nhân (NTDTV) có trụ sở tại New York.
“Bất cứ người kiến nghị nào đi đến Bắc Kinh để kiến nghị đều không hề đi vòng qua chính quyền địa phương ngay từ lúc đầu,” Li nói. “Họ đã kiến nghị lên chính quyền địa phương hàng năm trời, nhưng đều không thành.”
Toàn bộ hệ thống kiến nghị là một bức bình phong xã hội nhằm tránh mâu thuẫn công khai giữa người dân và chính quyền, mặc dù nó không hề giải quyết bất kỳ vấn đề nào cả.
Một chính sách luật đúng đắn, một bộ máy tư pháp độc lập, và một chính phủ công khai minh bạch sẽ có thể giải quyết triệt để nguyên nhân gốc rễ của những bất bình từ phía người dân, các chuyên gia nói.
“Trao trả lại trách nhiệm giải quyết vấn đề này cho bộ máy tư pháp… và thậm chí bãi bỏ hệ thống kiến nghị, là một lối thoát triệt để,” Yu Jianrong-giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Các Vấn Đề Xã Hội Trung Quốc thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc đề xuất.
Tuy nhiên, mọi người vẫn thường biết rằng, khi mà Đảng Cộng Sản vẫn còn khăng khăng độc quyền quyền lực chính trị trong tay, thì một cơ quan tư pháp thực sự độc lập vẫn sẽ là điều không thể.
Chặn Đứng Các Kiến Nghị Lên Tòa
Kiến nghị trong một số trường hợp là một cách để đi vòng qua tòa án, đây cũng là điều mà đạo luật mới nhắm vào hòng ngăn chặn.
“Có rất nhiều vụ kiện tụng biến thành các đơn kiến nghị vì cơ quan tư pháp không xử trí công bằng,” Li Xiangyang, một luật sư ở Trung Quốc, phát biểu. “Nếu không thì người dân đã không đi kiến nghị.”
Việc phong tỏa quyền được kiến nghị sẽ chỉ đơn giản làm gia tăng căng thẳng, Huang Qi-người đồng sáng lập Trung Tâm Nhân Quyền Tianwang nói.
“Hệ thống kiến nghị ở Trung Quốc Đại Lục được lập ra để cho mỗi người dân một ít hy vọng,” ông nói với Đài Á Châu Tự Do. “Mọi người đi từ chỗ ấp ủ một ít hy vọng này, đến chỗ thất vọng, rồi cuối cùng đi đến hoàn toàn tuyệt vọng.”
Ông nói thêm: “Nếu Bắc Kinh muốn phong tỏa tất cả các cách thức để người kiến nghị có thể nói lên sự bất bình của họ, tôi nghĩ rằng người dân sẽ có thể dùng các biện pháp mạnh mẽ hơn…Và khi đến điểm đó, toàn xã hội Trung Quốc lại sẽ chính là nạn nhân.”