Hàng loạt vụ sập cầu treo xảy ra gần đây khiến nhiều người chết, hàng trăm người bị thương đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người.
Sập cầu treo ở Lai Châu: Tang tóc chồng lên tang tóc
Vụ sập cầu treo ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu vào ngày 24/2 khiến 8 người chết và hơn 30 người khác bị đang khiến cả nước hoàng, đau xót.
Đau xót hơn, vụ sập cầu thảm khốc lại diễn ra trong ngày đưa tang Phó chủ tích HDND xã – người vừa mất vì TNGT trước đó.
Cây cầu nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm ở Lai Châu
Cụ thể, vào 24/2, trong lúc đoàn đưa đám ma ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu đang đi qua cầu treo Chu Va 6 thì cây cầu bất ngờ sập xuống làm 8 người chết, gần 40 bị thương, trong đó có 20 người bị thương nặng. Điều đáng nói là cây cầu treo dài 54m, cách mặt suối hơn 9m này mới được khánh thành hơn 1 năm.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, chính quyền địa phương và người dân đã nhanh chóng đưa những người bị thương lên Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Đường cấp cứu.
Ngoài ra, 25 bác sỹ giỏi đã được đưa đến Lai Châu để hỗ trợ công tác cứu chữa cho các nạn nhân trong vụ sập cầu treo.
Theo đại diện lãnh đạo huyện Tam Đường và tỉnh Lai Châu, cầu treo Chu Va 6 có chiều dài 54m, cao 9m được đưa vào sử dụng hơn một năm đã hết thời gian bảo hành.
Cầu treo ghi rõ trọng tải: 1,5 tấn (chỉ đảm bảo cho khoảng 20 người cùng lưu thông một lúc) nhưng khi xảy ra tai nạn có khoảng 50 người trên cầu.
Lực lượng chức năng và người dân di chuyển chiếc quan tài bị rơi xuống suối sau khi cầu treo bị sập
Cầu sập do đứt tăng đơ len (đoạn ốc neo) vì quá tải khiến nhiều người rơi xuống lòng suối cạn nhiều đá tảng lởm chởm…
Lãnh đạo huyện Tam Đường cho biết, trên hiện trường có thể thấy cầu đã bị đứt móc neo tăng đơ của dây cáp cầu. Nguyên nhân do số lượng người cùng một lúc di chuyển quá lớn, vượt quá tải trọng thiết kế.
Hiện các cơ quan chức năng và những đơn vị liên quan vẫn đang tích cực điều tra để tìm ra nguyên nhân cuối cùng của vụ sập cầu treo tang thương này.
Sập cầu treo tại Sơn La, 13 người bị thương
Vào ngày 11/6/2013, chiếc cầu treo tại xã Tường Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã bị sập, hất văng 20 người dân cùng với xe cộ và nông cụ xuống suối.
Chiếc cầu treo ở Sơn La bị sập hất văng 20 người dân xuống sông
Vụ sập cầu này khiến 13 người bị thương, trong đó 3 người bị thương nặng, 11 chiếc xe máy và 2 chiếc xe đạp bị hư hỏng hoàn toàn. Các lực lượng tại chỗ đã huy động phương tiện, máy móc tiến hành tháo dỡ gầm, sàn cầu, đưa các nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện.
Cầu treo Bùa Chung có chiều dài trên 83 m là cầu treo cũ lát bằng tre, đang được nâng cấp, thay ván lát cầu, dầm ngang, dầm dọc, cáp treo để phục vụ việc đi lại của nhân dân xã Tường Phù và các xã lân cận.
Tại hiện trường, mặt cầu bị đổ sập, lật nghiêng sang phải, đứt đầu dây tăng đơ bên phải, toàn bộ mặt cầu rơi xuống lòng suối.
Sập cầu treo bắc qua sông Krông Kmar
Vào ngày 26/9/2013, ông Nguyễn Hữu Sơn, trú tổ dân phố 6, thị trấn Krông Kmar, trên đường về nhà đi qua cầu thì đột nhiên chiếc cầu sập xuống sông khiến ông Sơn bị chấn thương nặng ở vùng mặt.
Một người dân đi qua cũng làm chiếc cầu treo bị… sập
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, ông Sơn cho biết cầu treo này đang trong quá trình thi công nhưng mặt cầu được lót ván để người dân qua lại mà không thấy ai ngăn cản.
Qua trao đổi, ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND H.Krông Bông cho rằng cầu này chưa hoàn thành, đơn vị thi công đã có nhắc nhở, ngăn cấm lưu thông nhưng người dân vẫn qua lại thường xuyên.
Bước đầu cơ quan chức năng xác định cầu bị sập do tuột dây cáp treo.
Sập cầu treo ở Lâm Đồng khi xe chở 1,5 tấn cà phê đi qua
Cầu treo Cái Bảng ở Lâm Đông bị sập
Cầu treo Cái Bảng (Lộc Thắng, Bảo Lâm, Lâm Đồng) cũng bất ngờ bị sập vào ngày 20/10/2010 khi một người đàn ông lái xe công nông chở khoảng 1,5 tấn cà phê qua cầu. Chiếc xe rớt xuống nước sâu hơn 10m nhưng hai người trên xe đã may mắn thoát chết.
Cầu treo Cái Bảng có chiều dài gần 100m, rộng 2,1m, tải trọng 2,5 tấn. Tại thời điểm bị đứt, cầu mới được đưa vào hoạt động gần một tháng.
Sập cầu treo ở Quảng Ngãi, hàng trăm hộ dân bị cô lập
Một vụ sập cầu treo khác vào ngày 17/11/2010 tại xã Sơn Thủy trên sông Re, Quảng Ngãi bị sập do đứt dây néo.
Vụ việc may mắn không có thương vong về người nhưng hơn 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số hai thôn Tà Bần và Tà Bi (xã Sơn Thủy) đã bị cách ly vì nước sông Re rất lớn, không thể sử dụng thuyền bè qua lại
Sau hàng loạt vụ sập cầu treo nghiêm trọng đã xảy, có thể thấy, đa số các công trình này chất lượng không đảm bảo. Đặc biệt, chính sự bất cẩn của các đơn vị thi công, quản lý các cây cầu treo trong việc cảnh báo về hiện trạng cầu cũng là nguyên nhân khiến nhiều người dân lưu thông qua cầu gặp nạn.
Được biết, sau vụ sập cầu treo khủng khiếp ở Lai Châu ngày 24/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký Công điện khẩn yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh, thành phố; tổ chức kiểm định chất lượng các công trình để có phương án khai thác phù hợp.
Theo Vtc