Làm thế nào để hứng một đứa trẻ rơi

03/08/11, 21:19 Cuộc sống

Mai Hoa đang làm chuyên viên cho một tổ chức phi chính phủ, phụ trách dự án phòng chống buôn người và hỗ trợ các phụ nữ trong nhóm nguy cơ cao tại một số tỉnh phía Bắc. Công việc tốt, mức lương cũng tạm đủ sống, nhưng Mai Hoa vẫn lên kế hoạch để… học đại học.

Mai Hoa cho biết, sắp tới sẽ thi vào khoa Tâm lý học hoặc Xã hội học của trường đại học KHXH&NV. Đã làm ở tổ chức phi chính phủ này vài năm, Mai Hoa vẫn chỉ là một “tay ngang” cầm tấm bằng kinh tế, chỉ được làm dự án thực tế đi các tỉnh nhưng không được tham gia các dự án nghiên cứu tại viện và tại nước ngoài. Về lâu dài khó có cơ sở để phát triển vị trí cá nhân. Tấm bằng đại học tương lai có thể giúp cô tự tin hơn và thành đạt hơn trong cơ quan này.

 

Nhiều sinh viên dở dang chuyện học hành để làm mẹ. Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Nhưng năm nay, Mai Hoa đã gần bốn mươi tuổi, và suốt mười chín năm qua, cô luôn ở trong tình trạng đang học một trường đại học nào đó. Và cô chỉ tốt nghiệp được hai trường rưỡi, bỏ học bốn trường đại học. Gọi là hai trường rưỡi, vì có một tấm bằng ngành xuất bản, cô đã… bỏ vào thời điểm làm luận văn tốt nghiệp. Đó là thời điểm Mai Hoa xin được vào vị trí công việc hiện tại, và phát hiện ra, tấm bằng trước đây mình tưởng sáng giá, nghề hot, dễ lương cao v.v. nay chẳng có ích gì. Thậm chí lương còn thua một “nhóc” mới tốt nghiệp trường kinh tế, chỉ cần học một khoá đào tạo ngắn hạn làm broker.

Tấm bằng đầu tiên là đại học ngoại ngữ tiếng Nga, tốt nghiệp năm 1996, không mang cho Mai Hoa bất kỳ một cơ hội xin việc nào. Có lẽ bị ám ảnh bởi điều đó, cô liên tục thi vào các trường kinh tế, luật, khoa tiếng Anh hệ tại chức v.v. và gồng mình lên bởi vừa làm thêm, vừa học hai trường đại học một lúc. Rồi vì kiếm sống, phải bỏ bớt một trường, rồi đứa con đầu tiên ra đời, bỏ học một khoá “thời thượng”, và đứa con thứ hai ra đời chỉ vài ngày sau khi mẹ hoàn tất kỳ thi học kỳ.

Hai đứa con luôn tin rằng mẹ chúng khác mẹ những bạn khác, rất chăm chỉ học hành, dạy chúng niềm tin vào tri thức. Còn tôi, tôi là bạn, tôi không biết đưa ra lời khuyên gì trước cơn khủng hoảng đại học Việt Nam đang tạo nên bi kịch cơn khủng hoảng bằng cấp của bạn tôi.

Anh Thanh đồng nghiệp của tôi là một ví dụ ngược lại. Anh trẻ hơn cô Mai Hoa, anh chưa từng tốt nghiệp bất kỳ trường đại học nào trong đời. Nói đúng hơn, trong tâm trí anh, anh không hề cần tới tấm bằng đại học. Thanh tuyên bố bỏ ngang năm thứ ba đại học để lên đường xuyên Việt viết văn, trên ôtô khách, trên tàu lửa, cả cuốc bộ nữa, cho thoả chí làm trai tuổi hai mươi. Được một thời gian thì bị bố mẹ tóm cổ về nhà, lập nên một “khế ước” giữa bố mẹ và thằng con lắm tài nhiều tật: tốt nghiệp đại học như là một cách báo hiếu, sau đó mới được quyền sống theo cách mình muốn.

Và anh Thanh quay lại trường, học nốt hai năm, lấy tấm bằng tốt nghiệp đại học cho… bố mẹ mình (chứ không phải cho chính mình). Anh tự coi mình là kẻ không cần tới tấm giấy thông hành vào đời gắn thương hiệu đại học, mà sẽ tự chinh phục cuộc đời bằng chính năng lực bản thân: viết báo, viết văn, vẽ tranh nghiệp dư, giữ chuyên mục trên kênh truyền hình mới mở, làm cộng tác viên ruột mảng văn hoá văn nghệ cho một tờ báo điện tử. Thậm chí còn làm ông bầu đỡ đầu cho một ca sĩ trẻ.

Sau một thời gian, anh đàng hoàng ký hợp đồng tuyển dụng thành phóng viên toà soạn đó. Trong khi bao nhiêu sinh viên các khoa báo chí đã trượt trong kỳ thi tuyển phóng viên. Anh luôn tự đắc rằng, ngay cả Bill Gates cũng bỏ học đại học kia mà.

Có lần bạn bè ngồi phân tích cho anh, nói, thực chất anh bỏ học thì nghĩa là anh chỉ học được kinh nghiệm thất bại của Bill Gates chứ đâu học nổi kinh nghiệm thành công của tỉ phú này? Nếu không, sao anh chưa tỉ phú?
Còn tấm bằng đại học anh cứ khăng khăng không cần, nhưng thực chất, nó đã là điều kiện để anh được tuyển dụng vào toà soạn chính thức, theo đúng quy định. Nếu không, hẳn giờ anh vẫn là một cộng tác viên lắm tài nhưng… nhiều tật.

Người trong cuộc vẫn khăng khăng anh thành đạt không nhờ tới tấm bằng đại học ấy. Tuy nhiên, bạn bè có hỏi là thế sau này anh có cho con cái học đại học không, anh vẫn nói: Tất nhiên!

Tôi ấp ủ riêng mình một dự án truyền thông giáo dục ra cộng đồng, nhất là với giới trẻ trước cánh cổng trường đại học, nên mùa thi đại học vừa rồi, đỉnh điểm của cơn sốt “đại học hoá mọi cánh cửa vào đời”, tôi lội ngược dòng giữa những thí sinh và bố mẹ thí sinh tràn lên thành phố thi đại học, để sang cao đẳng thực hành FPT tìm M. (em xin được giấu tên và thông tin cụ thể liên quan). M. là một trường hợp điển hình thực sự nếu những nhà quản lý giáo dục muốn nghiên cứu giải pháp chữa trị cơn sốt “đại học” ám ảnh mọi gia đình.

M. học khá giỏi đều các môn, đã học dự bị đại học và tốt nghiệp đại học ngành kinh tế tại một trường đại học của Úc. Nhưng sau năm năm học ở nước ngoài, trong tay cầm một tấm bằng kinh tế rất danh giá về Việt Nam, M. lại chọn cách… vào học tiếp cao đẳng thực hành FPT, là một trường mới mở được tròn một năm học, ngành học mới mẻ, tất cả mọi người đều nghĩ M. có vấn đề gì đó về quan điểm, hoặc năng lực. Nghe chuyện M. ai cũng bị sốc, và hỏi ngay, sao lại thế? Có người băn khoăn rằng, vậy chẳng lẽ cả tỉ đồng học phí du học cuối cùng đã mất trắng ư?

M. cho biết, xã hội đã khác so với thời điểm em lên đường du học. Em có tiếng Anh giỏi và bằng cấp kinh tế, nhưng em vẫn thất nghiệp. Đúng hơn là không tìm được việc phù hợp bởi “cao không tới, thấp không thông”.

Trong năm năm em mài ghế trên giảng đường đại học, tiêu gần một tỷ của gia đình, thì đã có gần năm vạn sinh viên như em cũng tốt nghiệp từ các trường danh giá của nước ngoài về Việt Nam. Họ cũng giỏi các thứ tiếng ngoại ngữ, bằng ngoại cũng được coi là “xịn” hơn bằng đại học nội địa. Giờ em phải cạnh tranh với năm vạn đối thủ ấy, mà phần lớn đều học về kinh tế, quản trị kinh doanh. Các ngân hàng trong thành phố chỉ mời vị trí nhân viên nho nhỏ bởi, vị trí sếp cũng nho nhỏ thì các anh chị du học về trước hoặc nhiều “con ông cháu cha” có quan hệ đã chiếm rồi. Em học theo mong mỏi của gia đình chứ bản thân không có năng khiếu hoặc say mê lắm với ngành kinh tế, nên việc đứng ra mở một công ty riêng là một lựa chọn xa vời, nhiều phần thất bại. Còn nếu chấp nhận một vị trí quèn trong một công ty nào đó thì, học trong nước là đủ, cần gì tới tấm bằng đại học danh giá nhưng tốn kém?

 

Các bạn trẻ nên cố gắng vượt qua thất bại đầu đời mang tên “trượt đại học” để bước tiếp vào tương lai. Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Bế tắc trong hoạch định tương lai, hoang mang về giá trị bằng cấp trong xã hội hiện đại khiến M. quyết tâm bứt ra khỏi cái bóng của gia đình, em tự quyết định đăng ký theo học cao đẳng thực hành FPT, ngành công nghệ thông tin. Ngành này mới là sở trường và say mê của M. Và sau hai năm nữa với tấm bằng cao đẳng thực hành, vừa học vừa có kinh nghiệm, lại được đảm bảo vững chắc về công việc tương lai, M. có thể kể lại câu chuyện kinh nghiệm của mình cho những người khác, một cách chân thành nhất.

Những năm du học không hề phí hoài, dù vẫn đang là “vốn để dành” của M. nhưng trước mắt, nó đã giúp M. sức mạnh để nhận ra, bản thân mình cần gì để đặt bản thân mình vào xã hội làm việc.

Làm thế nào để hứng một đứa trẻ đang rơi?

Vào những mùa thi đại học, khi em mười tám tuổi, trong cơn thất vọng thi trượt, buông tay khỏi cuộc đời từ trên cây cầu, hay từ bỏ cuộc sống trước thất bại đầu đời mang tên “trượt đại học”?

Làm sao cho em hiểu rằng, sống – sống tự tại lành mạnh và tích cực mới là quan trọng nhất, đại học không phải là tất cả tương lai. Nó chỉ là một trong những con đường, chứ nó không phải đích đến duy nhất của tuổi mười tám? Điểm số chỉ là của một kỳ thi, nó không phải tất cả giá trị của em. Trượt đại học không có gì ghê gớm, đỗ đại học cũng vẫn vô số thách thức, trường đời dài lắm, bỏ lỡ cánh cửa đại học không có nghĩa là cũng bỏ lỡ tương lai. Đời ta đâu phải hành trình sưu tầm bằng cấp, như Mai Hoa, nhưng càng không nên chà đạp bằng cấp, như câu chuyện số 2. Và bố mẹ và kỳ vọng của bố mẹ hoá ra mới chính là chướng ngại lớn nhất trên đường học hành vào đời của con như M.?

Vậy làm sao để bố mẹ hứng đỡ được sự rơi của em mà cả gia đình và xã hội đều không bị tổn thương? Hay đừng ép em leo cao lên các tầng thi cử? Hay cho em chọn lối em muốn đi, dù chỉ đi lối ngay dưới chân mình?

Trang Hạ

Theo báo SGTT

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

x