Những siêu SIM nào dễ thành… rác nhất?
Giới buôn SIM số đẹp đang đứng trước nguy cơ tán gia bại sản, khi những số điện thoại đẹp giá “khủng” gắn liền với đầu số như 0987654321 hay 0912345678 có nguy cơ mất giá cả tỷ đồng nếu phương án thêm số của Bộ Thông tin – Truyền thông được ban hành.
Giới chơi SIM gặp “đại hạn”
Khảo sát thị trường SIM số từ 2 tuần trở lại đây, hầu hết phản ứng của giới buôn SIM rất tiêu cực, khi mà toàn bộ các giao dịch mua bán chững lại và chỉ loanh quanh các giao dịch SIM số giá trị thấp.
Anh Thành Công, chủ một dịch vụ môi giới SIM số khá có tiếng cho biết: “Chẳng phải từ 2 tuần nay mà từ lúc có thông tin ‘vỉa hè’ rằng sẽ thêm số vào dải 10 số hiện hành là thị trường đã đóng băng rồi. Bây giờ hàng ngày dân buôn chúng tôi chỉ đi ‘đổ hàng’ SIM rác khuyến mại và D-com 3G để lấy thu bù chi nuôi quân thôi. Giao dịch số đẹp u ám lắm.”
Đây là thực tế đang diễn ra trước thông tin Bộ Thông tin – Truyền thông dự kiến thu hồi đầu số 01xx và kéo dài đầu số 09xx thành 11 số, khiến hàng triệu thuê bao SIM đẹp có khả năng thành SIM rác. Việc nâng số chưa thấy lợi ích nào về phía người dùng thì nhãn tiền có thể thấy những thiệt hại và nhà mạng sẽ thu đầy túi một cách phi lý khi có thêm cơ hội sản xuất các dải SIM rác bán ra.
Không hề được quy định theo văn bản nào, nhưng đã từ lâu các dải số tiến, lặp… đã được ngầm hiểu là một số đẹp và giá trị của các dãy SIM số sẽ càng cao khi quy luật lặp và tiến càng đều, láy nhiều, số đuôi đẹp.
Cách đây chừng 6 năm, con số 0912345678 nhà mạng VinaPhone từng được giới chơi SIM xôn xao vì độ đẹp lạ kỳ đến vô đối của nó khi tiến liên tục và giá trị được định ra tính tới thời điểm này ngót nghét cả tỷ đồng. Gần đây, số SIM 0987654321 của Viettel cũng được giới chơi SIM mua đi bán lại với giá xấp xỉ 700 triệu và có thể còn tăng. Vậy lấy ví dụ 2 con số này, nếu một ngày xấu trời phải thêm 1 số bất kỳ vào sau đầu 091/098 thì chẳng phải sẽ rơi giá theo chiều thẳng đứng?
Anh Tống Tuấn Anh, chủ cửa hàng SIM số có tiếng tại Hà Nội trên 10 năm nay đã đau xót nhận định: “Ôm SIM đẹp 10 năm đầu 10 số, tổng giá trị vài chục tỷ đồng nếu bây giờ thành hết 11 số thì tôi cầm chắc mất đứt 80% giá trị. Nhiều dân đầu cơ SIM đẹp cũng đang tình cảnh tương tự, nếu phương án thêm số được ban hành thì cũng chả khác gì ép chúng tôi vào chỗ chết.”
Còn tại trang Sieusim…, chủ sở hữu là anh Tuấn, một người thuộc giới buôn SIM có hạng tại Hà Nội, có thể dễ dàng bắt gặp những con số 11 số dải 01 với độ đẹp và độ đắt thuộc dạng… xưa nay hiếm. Cũng chung tình cảnh đang “nằm nín thở” và nghe ngóng, nếu Bộ Thông tin – Truyền thông rút lại dải số này thì đương nhiên những người như anh mất trắng, thậm chí là còn chẳng giữ được vốn.
Gần đây nhất là con số 0988888888 đang xôn xao dư luận khi giá bán ra hơn 1 tỷ, ông chủ là một nhà kinh doanh thì việc thêm đầu số mới với con số chưa xác định ắt hẳn sẽ phá vỡ quy luật lặp liên tục của siêu SIM này và chưa nói về giá trị tiền mặt, ngay cả các quan niệm về phong thủy cũng sẽ bị phá bỏ.
Thiệt hại ngang vỡ chợ bất động sản
Anh Trung Nguyễn, chủ kinh doanh một công ty địa ốc lâu năm cho biết: “2 năm rồi bất động sản đóng băng đã đủ điên đầu. Bây giờ bỗng dưng SIM thêm số, mấy ‘con’ SIM thất quý của tôi chắc vứt đi hết và chắc chắn mất cả trăm triệu.”
Theo anh Tống Tuấn Anh thì: “Tại sao không quản lý chặt ngay từ đầu mà lại để đến bây giờ khi thị trường SIM rác bát nháo, kho số không quay vòng được mới ban hành quy chế mới gây phiền phức?”.
Còn theo góc nhìn của một chuyên gia kinh tế thì thiệt hại nếu thêm đầu số mới sẽ lên tới vài trăm tỷ đồng cho các công đoạn truyền thông của nhà mạng, người dùng phải in ấn lại danh thiếp, gửi email thông báo cũng như thiệt hại do gián đoạn liên lạc. Ngoài ra còn những vấn đề mang tính quốc tế do sự thay đổi đầu số nội địa sẽ khiến các liên lạc đi nước ngoài hoặc từ các quốc gia khác đến Việt Nam sẽ gặp trở ngại, thiệt hại mang tính vô hình nhưng hậu quả thì chưa thể lường hết.
Cũng theo chuyên gia này, đừng nghĩ chỉ giới chơi SIM đẹp mới bị ảnh hưởng mà ngay cả những người dùng SIM xấu, SIM “lởm khởm” cũng sẽ gặp rắc rối do việc thêm đầu số đem lại. Giống đợt thêm số mạng cố định cách đây chừng 3 năm, cuối cùng người dùng vẫn sẽ phải tự mầy mò sửa danh bạ và không nhà mạng nào thêm số giống nhà mạng nào. Đó là còn chưa kể tới các chi phí in lại các tài liệu, bảng hiệu có số điện thoại, bộ nhận diện thương hiệu – truyền thông hay thậm chí là các email với địa chỉ thư là số di động.
Một điều nghịch lý là nếu như người tiêu dùng và giới buôn SIM chịu thiệt hại nặng nề một cách vô cớ thì nhà mạng lại đang là những đơn vị sẽ thụ hưởng lợi ích lớn nhất nếu được triển khai chính sách thêm đầu số. Cơ hội phát tán SIM rác tốt hơn do dải số được mở rộng và lúc này sẽ còn kéo theo những hệ lụy mới về quản lý thuê bao trả trước.
Chỉ nhà mạng hưởng lợi
Anh Vũ Trung, khách hàng mua nhiều SIM đẹp của mạng Viettel bức xúc: “Thời gian đầu tôi mua số của Viettel theo quỹ Tấm lòng Việt vì muốn góp phần giúp các hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra cũng mua thêm của một số nhân viên Viettel đấu nối ra dưới dạng số cam kết, số đẹp phân loại theo đúng giá quy định của nhà mạng này. Vậy giờ thêm đầu số thì ai sẽ đền bù thiệt hại cho tôi khi về nguyên tắc nội dung trên hợp đồng bị thay đổi?”
Ra đời sau 2 đại gia MobiFone và VinaPhone nhưng Viettel hiện là nhà mạng cung cấp nhiều đầu số nhất và đương nhiên đang có lượng SIM đẹp trên thị trường lớn nhất. Nhắc đến nhà mạng này, giới chơi SIM đều không lạ lẫm trước những cái tên ToanTK, TungLS với khả năng môi giới siêu SIM với những chiếc SIM giá trị ngất ngưởng. Vậy sau từng ấy năm kinh doanh, phải chăng việc nhà mạng này đang vận động hành lang tăng thêm đầu số là một hình thức “qua cầu rút ván” khi đã tận thu và tiếp tục kiếm lời nhờ các dải số mới và SIM số đẹp mới?
VinaPhone cũng là nhà mạng có hoàn cảnh tương tự khi đang liên tục tung ra các chương trình Chọn số từ năm 2010. Việc thêm đầu số cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các thuê bao của nhà mạng này đã và đang tham gia chương trình bởi việc bỏ tiền cam kết mua SIM đẹp và sau đó bị biến thành SIM xấu là điều sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia luật kinh tế của một văn phòng luật sư uy tín thì những tranh chấp về SIM số đẹp giữa tổ chức/người dùng cá nhân rất khó giải quyết bằng luật. Hầu hết SIM đẹp và các giá trị định nghĩa đều mang tính cảm tính, không có quy định rõ ràng về khung giá như các loại tài sản vật chất khác. Thêm đó, nếu đúng theo các tiền lệ trước đây trong việc thêm số di động hồi năm 2001 hay thêm số cho mạng điện thoại cố định năm 2008 thì hầu như không có đền bù nào từ phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, và mặc nhiên đây là quy định của Bộ Thông tin – Truyền thông thi hành như một chính sách của nhà nước.
Việc thay đổi số di động với tầm ảnh hưởng tới gần 100 triệu thuê bao thì việc dẫn đến những xung đột về quyền lợi là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu các nhà mạng vẫn cứ mải khai thác tài nguyên kho số vô tội vạ để tranh giành thuê bao nhưng phớt lờ việc tái sử dụng các số thuê bao thu hồi, dẫn tới lại cháy kho số rồi lại kêu cứu mà không quan tâm tới quyền lợi của người tiêu dùng thì hậu quả rất khó khắc phục.
Biết đâu vài năm nữa, mỗi người dân Việt Nam đều sẽ sở hữu tới hàng chục chiếc SIM di động để tận dụng khuyến mại, các nhà sản xuất ví lúc đó sẽ phải thiết kế thêm một ngăn riêng đựng SIM (giống như với tiền xu trước đây để tránh làm rơi), hoặc người dân phải đục lỗ xâu SIM lại thành chùm như chìa khóa. Lúc ấy, dù với kho số 1 tỉ thuê bao thì các nhà mạng cũng sẽ lại tranh nhau đốt hết, rồi lại xin kéo dài thêm đầu số nữa hay sao?
Vương Long Theo VNnet
Theo VTC