Những chàng trai Việt… ngàn đô
Năm 2010, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố mức lương của người lao động trong ngành dầu khí đứng thứ hai sau ngành hàng không với 12 – 13 triệu đồng/tháng (gấp 10 lần thu nhập trung bình của công nhân dệt may, thủy sản).
Sự đãi ngộ hấp dẫn
Ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petro Vietnam), mức lương cơ bản cho công nhân kỹ thuật 400 – 500 USD/tháng, kỹ sư 600 – 700 USD/tháng (chưa kể các loại trợ cấp ca 120 USD/tháng, trợ cấp giàn 25 USD/đêm và các loại phụ cấp khác). Ở các tập đoàn dầu khí quốc tế và các công ty liên doanh với nước ngoài mức khởi điểm khoảng 1.000 – 1.200 USD/tháng (chưa kể nhiều trợ cấp ưu đãi khác nếu làm việc tại nước ngoài).
Giàn khoan trung tâm
Kỹ sư làm trực tiếp liên quan tới khoan dầu, làm ở giàn thì công việc của họ là 15 ngày trên giàn và 15 ngày đất liền. Chỉ làm khoảng 15 ngày/tháng, nhưng lương cùng những khoản thưởng hàng tháng, quí, năm cộng với những ưu đãi như miễn thuế thu nhập cá nhân khi lao động trên giàn, mua cổ phiếu giá gốc… thu nhập bình quân của những kỹ sư dầu khí, đều không dưới con số 1.000 USD/tháng (những người có thu nhập 3.000 – 4.000 USD/tháng cũng không phải là hiếm).
Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ với người lao động trong ngành này cũng làm người ta phải “ghen tỵ”. Với đặc thù công việc, phương tiện di chuyển để đến nơi làm việc của họ là… máy bay, ra giàn có máy bay đưa đi và về có máy bay đón về. Những bữa ăn như tiệc buffet có rất nhiều sự lựa chọn từ món ăn Âu, Á đến các loại đồ uống. Mọi sinh hoạt trên giàn đều rất tiện nghi. Phòng họp, phòng ăn được bài trí gọn gàng. Nơi nghỉ ngơi, giải trí sạch sẽ, sang trọng trên các giàn đều có phòng sinh hoạt văn hóa, thiết bị thông tin liên lạc, các sân bóng chuyền, bóng bàn…
“Ngon” nhưng không dễ… “nuốt”
Mức thu nhập vào khủng, chế độ đãi ngộ cực đỉnh, có cơ hội đi nhiều nơi, được tiếp cận công nghệ mới, cơ hội đi tu nghiệp nước ngoài nên cư dân đất liền truyền tai nhau câu “giàu như dân dầu khí”. Những chàng trai “vàng” này là niềm mơ ước, ngưỡng mộ của nhiều người lao động khác, là động lực mục tiêu nghề nghiệp của nhiều học sinh sinh viên đang trong quá trình chọn nghề.
Hấp dẫn là vậy, dĩ nhiên việc phấn đấu để có một “chân” trong ngành này không phải là chuyện dễ dàng. Ngành dầu khí hiện đang thu hút giới trẻ và trở thành ngành nóng hiện nay. Những trường có khoa dầu khí đều là những trường đại học ở top trên như: Bách khoa, Mỏ – Địa chất, Khoa học tự nhiên… Điểm vào những khoa này là double top (đỉnh của đỉnh) với tỷ lệ chọi khủng và thường không nhận nguyện vọng 2. Như vậy, cơ hội để có thể trở thành sinh viên khoa dầu khí là khá chông gai.
Đầu vào rất “khó” nhưng ra trường lại có một cuộc chiến khác, cuộc chiến xin việc. Do đặc thù, rất nhiều bạn trẻ chọn ngành này để đi học ở nước ngoài. Bộ phận sinh viên “ngoại” chỉ xét về ngoại ngữ, kỹ năng làm việc có ưu thế vượt trội với các sinh viên “nội” khi tuyển dụng. Kỳ tuyển dụng khắc nghiệt với 3 vòng: test IQ và tiếng Anh, phỏng vấn chuyên môn bằng tiếng Anh, phỏng vấn với nhà thầu cũng bằng tiếng Anh. Rào cản này khiến không ít kỹ sư, cử nhân phải “rớt đài”. Thế mới biết, dầu khí “ngon” mà không dễ “nuốt”.
H.Giang
Theo nguoiduatin