Lão nông thất thu hàng trăm triệu đồng vì cho đàn vạc “ở nhờ”
Đã 7 năm trôi qua, khu vườn nhãn của ông Lê Văn Chìa (SN 1946, ngụ ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) có hàng ngàn con vạc về trú ngụ. Do bảo vệ đàn vạc, gia đình ông thất thu hàng trăm triệu đồng vì chẳng thu hoạch được nhãn.
Vạc trú ngụ trong vườn nhãn ông Chìa
Cơ duyên ông Chìa “kết thân” với đàn vạc là năm 2007. Khi đó khu vườn nhãn rộng hơn 1ha của ông có mấy chục con vạc kéo đến ở vào ban ngày, ban đêm lại bay đi kiếm ăn. Lúc đó ông không đành xua đuổi vạc vì nghĩ “đất lành chim đậu”.
Có lẽ thấy vườn nhãn yên tĩnh, không ai quấy phá nên số lượng đàn vạc kéo đến vườn ông ngày càng tăng, từ vài chục con ban đầu lên đến vài trăm con rồi cả ngàn con. Khi số lượng vạc quá nhiều, ông Chìa bắt đầu lo vườn nhãn của mình bị hư hại, không thể thu hoạch.
Hàng ngàn con vạc đêm bay đi kiếm ăn rồi lại quay về vườn nhãn vào buổi sáng
Ông Chìa kể: “Khi đó đàn vạc ngày nào cũng về đậu ở vườn nhãn nên khi nhãn ra bông rồi kết trái bị vạc làm hư hết. Mặt khác khu vực vạc đậu tôi cũng không dám xịt thuốc, chăm sóc nhãn vì sợ vạc bỏ đi”.
Vậy là ông bỏ luôn 6.000 m2 vườn nhãn phía trong để cho vạc trú ngụ, còn lại khoảng 8.000 m2 phía ngoài được ông chăm sóc để thu hoạch. Tuy nhiên, tới kỳ thu hoạch, nhà ông cùng phải làm theo hình thức cuốn chiếu hết liếp này đến liếp khác vì sợ kinh động tới vạc.
Khi số lượng đàn vạc nhiều lên cũng là lúc ông bỏ hết công ăn việc làm để lo bảo vệ vườn; vì kẻ trộm luôn rình rập vào vườn để săn bắn vạc. Thấy ông canh giữ gắt gao, kẻ trộm chuyển sang câu, bẫy vạc vào ban đêm. Vậy là ông lại thức cả đêm để canh giữ đàn vạc.
Vạc đậu khắp vườn nhãn của ông Chìa
Số lượng đàn vạc ngày càng tăng, ông gửi đơn khắp nơi để cầu cứu các cơ quan chức năng giúp đỡ, cùng ông bảo vệ loài chim này. Năm 2011, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Long đến khảo sát nhưng chẳng thể giúp được gì cho ông vì cho rằng khu vườn nhỏ khó bảo vệ, lượng thức ăn xung quanh không phong phú nên trước sau gì đàn vạc cũng bỏ đi nơi khác kiếm ăn.
Không ai đồng cảm giúp đỡ, ông Chìa phải một mình bảo vệ đàn vạc. Xung quanh vườn không có hàng rào, ông phải tuần tra liên tục phòng có kẻ gian đột nhập vào vườn. Tới mùa nước nổi, ông đặt dớn rồi đem vào mương vườn thả tôm, cá cho vạc có nguồn thức ăn. Vậy mà lâu lâu cũng có kẻ gian đột nhập dùng cần câu móc mồi để nhử cho vạc ăn.
Xác một con vạc chết khô trong vườn sau khi bị kẻ trộm câu lén
Ông Chìa mói: “Hễ hở ra một chút là có người vào vườn bẫy vạc. Trong nhà tui có rất nhiều bẫy, cần câu thu gom được từ bọn trộm. Vậy mà lâu lâu lại có con vạc dính lưỡi câu chết ngoài vườn”. Ông cầm một xác vạc bị dính lưỡi câu, đã chết khô, giọng buồn thiu: “Tụi nó bẫy thế này thì đàn vạc thế nào cũng sợ hãi bỏ đi hết mà đến nơi khác mất thôi”.
Chuyện đàn vạc về vườn nhãn của gia đình trú ngụ gây thất thu lớn về kinh tế khiến vợ ông cằn nhằn, nhưng ông kiên quyết bảo vệ đàn vạc đến cùng. Ông nói mình sẽ cố gắng bảo vệ đàn vạc hết khả năng; nhưng giờ ông đã gần 70 tuổi, ông chỉ lo mai mốt ông già yếu rồi chết đi, có ai còn hứng thú bảo vệ đàn chim này? Nguyện vọng của ông bây giờ là có tiền làm một hàng rào dây chì gai xung quanh vườn để ngăn không cho kẻ trộm vào bắt vạc; thay thế vườn nhãn thành vườn dừa để cho đàn vạc trú ngụ, bản thân ông cũng có thu nhập từ vườn.
“Bây giờ không có vốn, không được tổ chức nào giúp đỡ nhưng tôi tự bỏ tiền ra cải tạo vườn, bảo vệ đàn vạc tới lúc nào hay lúc đó. Mỗi ngày ra vườn nghe đàn vạc kêu, chiều tối chúng lũ lượt bay đi kiếm ăn, sáng sớm lại quay về là tôi vui rồi” – ông Chìa chia sẻ.
Minh Giang
Nguồn: Dân Trí