Mỹ thoát vỡ nợ, ‘đống tiền’ của TQ vẫn nguy cơ ‘bốc hơi’
Dù bế tắc nâng trần nợ của Washington dần được tháo gỡ nhưng Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Mỹ đến lúc này, vẫn không thể yên lòng. Bởi với cách chi tiêu của nền kinh tế số 1 thế giới, Bắc Kinh sẽ không thể dám chắc khoản dự trữ ngoại hối bằng USD của mình sẽ không bị “teo tóp”.
Hy vọng le lói
Khi thời gian để Chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama rơi vào cảnh vỡ nợ chỉ còn được đếm bằng giờ, cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa bỗng xuất hiện những dấu hiệu tích cực khi hai bên đạt thỏa thuận tạm thời về việc nâng trần nợ công.
Cụ thể, theo một số nguồn tin, phe Cộng hòa từ bỏ việc gắn một số quyền vay mượn với các khoản cắt giảm chi tiêu trong tương lai, trong khi Nhà Trắng đồng ý không nâng thuế.
Tổng thống Obama tuyên bố sắp giải được bài toán nâng trần nợ. Ảnh minh họa.
Ngay sau khi đạt được bước tiến này, Tổng thống Obama phấn khởi thông báo, lãnh đạo hai đảng đồng ý với kế hoạch cắt giảm 1.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong vòng 10 năm tới và trần nợ sẽ được nâng lên 14.300 tỷ USD đến năm 2012.
“Tôi muốn thông báo rằng lãnh đạo các đảng tại cả hai viện đạt được thỏa thuận về việc giảm thâm hụt ngân sách và tránh cho nền kinh tế khỏi thảm họa vỡ nợ”, ông Obama thông báo dù cho biết thêm rằng ông chưa thực sự hài lòng với các điều khoản trong thỏa thuận này.
Như vậy sau nhiều tuần bế tắc, có dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế Mỹ có thể tránh được.
Giới phân tích nhận định, đây là diễn biến kịch tính nhưng không quá bất ngờ đối với họ bởi cả Quốc hội cũng như Chính phủ Mỹ, không bên nào dám tự cho phép mình gây ra một “thú vui xa xỉ” là vỡ nợ trong thời điểm này.
Lý do đơn giản là bởi nếu mức trần nợ công của Mỹ không được thông qua chậm nhất trong ngày 2/8 thì khủng hoảng nợ có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục lùi vào suy thoái. Khả năng Chính phủ vỡ nợ sẽ xảy ra sau một tuần và khi đó, lãi suất ngân hàng sẽ tăng, giá trị đồng USD giảm, người dân gặp khó khăn trong việc vay tiền mua nhà, ô tô, đi học… Thị trường chứng khoán có nguy cơ suy sụp, định mức tín nhiệm nợ của Mỹ cũng sẽ sụt giảm.
Thêm vào đó, Chính phủ liên bang sẽ không thể trả các chi phí hoạt động vào tháng tới. Một số chuyên gia khác còn đưa ra cảnh báo, nếu vỡ nợ, nền kinh tế Mỹ sẽ mất bốn tỷ USD một ngày, thất nghiệp tăng, nhiều nhân viên Chính phủ, công nhân quốc phòng sẽ mất việc…
Ngoài ra, lãi suất sẽ tăng và mỗi 1% lãi suất tăng lên người nộp thuế sẽ phải gánh thêm 150 tỷ USD phát sinh từ các khoản nợ… Kinh tế Mỹ và thế giới sẽ khủng hoảng, trong đó ảnh hưởng rõ ràng nhất là châu Âu và Trung Quốc.
‘Nhà giàu’ Trung Quốc vẫn khóc
Tuy nhiên, ngay cả khi Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch nâng trần nợ của Chính phủ thì nguy cơ bốc hơi của khối tài sản kếch xù bằng trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD của Trung Quốc vẫn có thể xảy ra bởi thực tế vấn đề nợ công của nước Mỹ vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trong vòng một thập kỷ qua, núi nợ của nước Mỹ phình to gấp ba lần. Năm 2000, nước Mỹ chỉ mắc nợ 5.000 tỷ USD, nhưng đến nay, khoản nợ này đã lên đến 15.000 tỷ USD. Nếu được xếp bằng những đồng 100 USD, núi nợ này sẽ có diện tích bằng một sân bóng đá và cao gần ngang vai tượng Nữ thần Tự do.
Thêm vào đó, lâu nay, Chính phủ Mỹ vẫn giải quyết những vấn đề trong nước bằng cách đi vay nợ nhiều hơn nữa và các khoản nợ mới ngày càng chồng chất. Căn bệnh kinh niên “chi nhiều hơn thu” này ngày càng trầm trọng hơn khi chính quyền Mỹ bù đắp thiếu hụt ngân sách bằng cách… in thêm tiền. Chỉ riêng Đạo luật phục hồi và tái đầu tư nền kinh tế mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi đầu năm 2009 đã “ngốn” tới 787 tỷ USD.
Trung Quốc sẽ còn phải đau đầu nhiều với “đống tiền” bằng USD của mình. Ảnh minh họa.
Hệ quả là, trong lịch sử tài chính từ năm 1960 tới nay, nước Mỹ đã phải 78 lần nâng trần vay nợ, bình quân 8 tháng nâng một lần. Điều đó có nghĩa là không ai có thể dám chắc, khoản dự trữ ngoại hối hơn 3.000 tỷ USD của Trung Quốc sẽ lại không đứng trước nguy cơ bốc hơi thêm lần nữa. Nói cách khác, “đống tiền” của Bắc Kinh không có sự bảo đảm chắc chắn nào.
Sự không chắc chắn này thể hiện rõ ở cái được gọi là “thỏa thuận tạm thời” giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ. Hai bên nhất trí tăng mức trần nợ công ở mức tối thiểu và thời hạn cũng chỉ đến năm 2012.
Như vậy, khả năng Mỹ bị công ty đánh giá tín dụng Standard & Poor’s đánh tụt xếp hạng tín dụng là rất cao. Và theo Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ thì nếu bị rớt hạng tín dụng, gánh nặng nợ công Mỹ sẽ tăng thêm 130 tỷ USD trong 10 năm.
Sở dĩ Trung Quốc bị rơi vào tình huống khó xử này là do họ quá nuông chiều các lợi ích quốc gia. Để trở thành nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc tập trung vào những chính sách khuyến khích tiết kiệm ở trong nước và giữ giá trị đồng tiền ở mức thấp để giành lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Kết quả là Trung Quốc đạt được thặng dư thương mại và thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ, hình thành quỹ dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới với hơn 3.000 tỷ USD. |
Để giải quyết vấn đề nợ công đang ngày càng trở nên nghiêm trọng này, chính quyền Mỹ chẳng còn cách nào khác ngoài việc áp dụng các biện pháp miễn cưỡng là “thắt chặt hầu bao” và tăng thuế.
Khốn nỗi, các biện pháp này lại bóp nghẹt đà tăng trưởng ì ạch của nền kinh tế Mỹ và khiến cho các đối tác thương mại, đặc biệt là Trung Quốc bị khốn đốn. Khi đó, khoản thặng dư 273 tỷ USD của Trung Quốc trong giao dịch thương mại với Mỹ chắc chắn sẽ teo tóp.
Ngoài ra, sự tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế số 1 thế giới cũng sẽ đánh sụp lòng tin của giới đầu tư vào đồng bạc xanh. Điều đó có nghĩa là, giá trị khối tài sản bằng USD của Bắc Kinh sẽ sụt giảm đáng kể.
Do đó, Giám đốc điều hành PIMCO El-Erian nhận định, dù thỏa thuận mà hai đảng phái của Mỹ vừa đạt được có thể làm lắng dịu lo ngại của thị trường về nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ, song tác động của nó là “ngắn ngủi” vì vẫn chưa thể giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Theo ông, cái khó của Trung Quốc là ngoài việc phê phán và kêu gọi, họ không thể có phản ứng nào khác. Vì đã cho Mỹ vay quá nhiều tiền nên để “nuôi nợ”, Trung Quốc phải tiếp tục mua vào, nắm giữ trái phiếu Mỹ.
Chia sẻ quan điểm này, Andy Rothman, nhà phân tích của ngân hàng đầu tư CLSA tại Thượng Hải cho rằng, quan hệ chủ nợ – con nợ giữa Trung Quốc và Mỹ là mối quan hệ toàn cầu “lớn đến nỗi không thể sụp đổ”. Chỉ cần Bắc Kinh tỏ dấu hiệu đang bán ra một phần trái phiếu Chính phủ Mỹ, các quốc gia khác cũng sẽ bán các tài sản định giá USD. Điều đó sẽ làm mất giá trị số trái phiếu mà Trung Quốc đang nắm giữ. “Đó là một sự tự sát tài chính của Trung Quốc”, ông Rothman khẳng định.
Bên cạnh đó, nếu Bắc Kinh chơi kiểu vũ khí “hạt nhân” tài chính, tức là bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ thì Washington có thể cắt giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn thương mại với Bắc Kinh. Khi đó, hàng triệu doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phá sản vì mất cơ hội kinh doanh với Mỹ, gây nên tình trạng thất nghiệp đe dọa tới ổn định xã hội Trung Quốc.
Do đó, Trung Quốc không còn cách nào khác là sống trong thấp thỏm với việc giá trị của “đống tiền” trong tay mình lại do người khác quyết định.