Bí ẩn thanh bảo kiếm khổng lồ trong truyền thuyết
Dài gần 2m và nặng hơn 3kg, thanh kiếm rất xứng đáng với hiệp sĩ khổng lồ Scotland William Wallace trong những cuộc chiến Trung cổ đẫm máu.
William Wallace là hiệp sĩ người Scotland, sống trong khoảng 1272 – 1305, ông là người đứng lên lãnh đạo các chiến binh chống lại nước Anh để giành độc lập cho Scotland.
Với họ, trong cuộc chiến giáp lá cà trên chiến trường, kiếm là vật bất ly thân và vũ khí chính. Wallace cũng vậy, trong suốt quá trình đấu tranh, ông sử dụng thanh kiếm dài đến 1.68m, trong đó lưỡi kiếm dài 1.32m nặng 2.7 kg, chinh chiến trên khắp các chiến trường.
Người anh hùng William Wallace của Scotland |
Năm 1305 Wallace đã bị Vua Edward I của Anh bắt và xử tử với tội phản quốc. Tuy nhiên, hình ảnh về người hiệp sĩ với thanh kiếm khổng lồ vẫn còn mãi trong người dân Scotland. Ngày nay, ông được xem như một anh hùng dân tộc yêu nước và thanh kiếm của ông trở thành một trong những bảo kiếm nổi tiếng nhất thế giới.
Người hiệp sĩ anh hùng
Sau khi bị bắt vào tháng 8/1305, Wallace đã tìm cách bào chữa cho mình về tội danh phản quốc. Ông nói: “Tôi không phải là kẻ phản bội Vua Edward bởi vì tôi chưa bao giờ là bề tôi của ông ta”. Thế nhưng chính phủ Anh không cần biết điều đó, họ quyết định xử tử Wallace với một hình thức man rợ nhất.
Sau một phiên tòa chóng vánh, hiệp sĩ Scotland bị lột sạch quần áo, buộc vào một con ngựa và kéo lê khắp thành phố. Sau đó ông bị treo cổ, nhưng vẫn để cho không bị chết ngay, trong lúc đó, những tay đao phủ xẻo thịt ông, mổ bụng, moi ruột ra đốt trong khi đầu vẫn còn nhận thức được.
Cuối cùng Wallace bị đem ra chém đầu, thủ cấp đem nhúng vào nhựa hắc ín trước khi cắm vào giáo, bêu trên một cây cầu ở London.
Thanh gươm Wallace ở bảo tàng |
Rõ ràng, cái chết của ông rất man rợ và kinh hoàng nhưng trong cuộc đời mình, người kiếm sĩ tài năng này đã cho không ít kẻ thù về chầu trời. Với thanh kiếm khổng lồ trên tay, hiệp sĩ nổi tiếng nhất Scotland thời đó đã chinh chiến khắp nơi, nhằm giúp đất nước mình chống lại sự tấn công của Anh.
Những cuộc chiến của ông bắt đầu sau khi những đấu đá trong nội bộ quý tộc Scotland tạo thời cơ cho quân đội Anh có thể tấn công năm 1296. Trong thời gian đó, quân đội Anh đã giao chiến với các chiến binh do Wallace lãnh đạo và khiến nhiều người dân lâm vào cảnh loạn lạc, chết chóc.
Các sử gia đã dự đoán rằng, việc Wallace đứng lên lãnh đạo các binh sĩ Scotland còn có một nguyên nhân sâu xa khác. Đó là cái chết của Marion Braidfute, người vợ mà ông hết mực yêu thương. Để trả thù cho bạn đời, Wallace đã tìm và giết chết William Heselright, người đứng đầu lực lượng quân đội ở thị trấn Lanark, Anh kẻ được cho là thủ phạm giết Marion.
Kể từ đó, cuộc đời Wallace chìm trong những trận đánh, chiến trường và kiếm. Ông cùng những người anh em chiến đấu để đẩy người Anh ra khỏi vùng đất quê hương đồng thời ra lời kêu gọi người Scotland đứng lên ủng hộ cuộc cách mạng.
Gươm báu Wallace trong bảo tàng |
Do là quân khởi nghĩa, phe của Wallace thường xuyên phải đối mặt với những đội quân được vũ trang hiện đại, khi đó ông phải sử dụng đến các chiến thuật quân sự, lợi dụng địa hình để tấn công đối phương, bất chấp việc làm có sai lệch so với những đạo đức cơ bản trên chiến trường thời kỳ đó.
Thanh kiếm nhuốm máu
Đồng hành với Wallace trong suốt những năm chinh chiến là thanh kiếm ngoại cỡ của ông. Hiện nay thanh kiếm đang được trưng bày tại Đài tưởng niệm Wallace ở Stirling, Scotland. Đây được cho là vũ khí mà Wallace sử dụng trong 2 cuộc chiến vĩ đại nhất đời mình là trận Cầu Stirling năm 1297 và trận Falkirk năm 1298.
Sau cái chết của người hiệp sĩ, thanh kiếm bị lưu lạc qua nhiều chủ nhân khác nhau. Trước khi trở về Scotland với Vua James IV 200 năm sau ngày Wallace bị hành quyết thanh kiếm được cho là thuộc quyền sở hữu của một thống đốc nước Anh.
Có nhiều tranh luận khác nhau về thanh kiếm hiện tại, có người cho rằng đó không phải là nguyên bản mà Wallace sử dụng trong các cuộc chiến của ông nhưng các nhà nghiên cứu khẳng định rằng, đây là thanh kiếm mà người hiệp sĩ đã sử dụng để chống lại quân đội Anh, chỉ có điều sau khi được đưa về Scotland 200 năm sau khi Wallace bị xử tử nó đã được trùng tu, bọc da thêm vào phần chuôi gươm.
Nhưng trong truyền thuyết lại kể rằng hiệp sĩ William Wallace đã sử dụng da người làm vỏ kiếm, chuôi kiếm và dây đai dùng để đeo vào áo giáp. Wallace đã sử dụng da khô của chỉ huy Scotland phụ trách ngân khố Hugh de Cressingham sau khi đánh bại người này trong trận chiến cầu Stirling để làm điều đó.
Phần tiếp giáp chuôi và lưỡi của thanh gươm Wallace |
Tuy nhiên, các bằng chứng lịch sử cho thấy, Vua James IV sau khi nhận được thanh kiếm vào năm 1505 đã chi tiền để làm lại phần chuôi, thêm vào một số phụ kiện để trang trí. Từ đó đến năm 1888, thanh kiếm được lưu giữ trong Lâu đài Dumbarton, trước khi được chuyển đến Đài tưởng niệm Wallace.
Về đài tưởng niệm Wallace, nó ra đời sau khi một nhóm người nổi tiếng của Scotland đã đấu tranh đòi xây dựng công trình tôn vinh người anh hùng dân tộc tại Stirling. Đây là nơi Wallace đã chặn đứng quân Anh trong trận Cầu Stirling năm 1297.
Gần đây, thanh kiếm đã có lần thứ 2 được đưa ra khỏi biên giới Scotland khi đến triển lãm ở New York vào năm 2005, 700 năm kể từ ngày Wallace bị xử tử man rợ tại London.
Hội đồng Stirling đã che phép thanh kiếm rời khỏi nơi trưng bày ở Đài tưởng niệm Wallace, đóng gói và bảo vệ nghiêm ngặt để lên đường sang Mỹ. Colin O’Brien, người đứng đầu hội đồng thành phố đồng thời là người bảo vệ thanh kiếm trong chuyến đi nói: “Đây là một thời khắc lịch sử, khi mà thanh bảo kiếm của Scotland lần đầu tiên vượt đại dương kể từ khi ra đời”.
Trong khi đó Mike Cantlay, người của công ty du lịch VisitScotland nói: “Tôi dám chắc rằng sự xuất hiện của bảo kiếm Wallace ở New York sẽ đem về lợi ích rất lớn cho ngành du lịch ở Stirling”.
Rõ ràng, đây không chỉ là cuộc hành trình đơn giản của thanh bảo kiếm Scotland.
Các nhà chức trách địa phương đang hy vọng cùng với những bộ phim cổ trang nói về Wallace, sự xuất hiện của thanh kiếm trên đất Mỹ sẽ giúp Stirling mở rộng được ngành du lịch, đón thêm nhiều du khách trong tương lai.
Theo Vtc