Người Châu Âu cũng từng “tóc đen, da nâu”?
Người tối cổ ở Châu Âu sống trong thời kỳ Đồ đá có mắt màu xanh da trời nhưng lại có da nâu và tóc đen.
Một bộ hài cốt của người tối cổ đã được tìm thấy trên dãy núi cao 1,5km ở phía tây bắc Tây Ban Nha, thuộc quần thể hang động La Brana-Arintero, gần thành phố Leon. Bộ hài cốt này ước tính có niên đại 7.000 năm tuổi.
Ở thời kỳ Đồ đá, con người sống chủ yếu bằng săn bắn và hái lượm. Bộ hài cốt của người đàn ông tối cổ được đặt tên khoa học là La Brana 1, mang nhiều đặc điểm gen của cả người Châu Âu và Châu Phi.
Kết quả từ bài kiểm tra DNA cho thấy người tối cổ lúc này có tóc đen, da nâu và mắt xanh da trời. Một sự kết hợp ấn tượng giữa những đặc điểm về nhân chủng học của cả người Châu Âu và Châu Phi. Điều này cho thấy – hẳn những khác biệt về đặc điểm ngoại hình của con người hiện đại sống ở các châu lục khác nhau đã xảy ra ở giai đoạn sau này.
Những đặc điểm về màu mắt, màu da, màu tóc của cư dân cổ đại đã không được tự nhiên “khác biệt hóa” sớm như người ta vẫn tưởng.
Người đứng đầu nghiên cứu khảo cổ này – Giáo sư Carles Lalueza-Fox, công tác tại Viện Tiến hóa Sinh vật học ở thành phố Barcelona cho biết: “Điều ngạc nhiên lớn nhất khi phát hiện ra bộ hài cốt của người tối cổ này là nó sở hữu cả những gen vốn đặc trưng tồn tại ở người Châu Phi và Châu Âu”.
Người tối cổ La Brana 1 còn có những điểm tương đồng với gen của người xứ Scandinavia, nghĩa là hai chủng người này có chung một tổ tiên từng sinh sống ở vùng Siberia hơn 20.000 năm trước. Dựa trên nghiên cứu được tiến hành trước đó, DNA của người tối cổ sống ở Siberia lại có những liên hệ với người bản địa sống ở Châu Mỹ.
Bộ hài cốt tìm thấy ở Tây Ban Nha là một trong hai bộ hài cốt được tự nhiên bảo quản hoàn hảo một cách kỳ lạ suốt hàng ngàn năm qua.
La Brana 1 sống ở thời kỳ Đồ đá giữa, kết thúc vào khoảng 5.000 năm trước. Lúc này, con người bắt đầu chuyển từ săn bắn, hái lượm sang chăn nuôi, gieo trồng.
Bộ hài cốt 7.000 năm tuổi của người tối cổ La Brana 1 được tìm thấy ở một ngọn núi cao nằm ở phía tây bắc Tây Ban Nha.
Phát hiện này đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy những điểm tương đồng về gen đã tồn tại trong những cư dân cổ sống rải rác ở khắp nơi trên trái đất. Những thay đổi rõ rệt về ngoại hình, về đặc điểm nhân chủng học, đã diễn ra trong giai đoạn sau, khi con người đã bắt đầu biết làm nghề nông.
La Brana 1 lúc mới được tìm thấy.
Bích Ngọc
Theo DM
Nguồn: Dân Trí