Tủ lạnh quá tải thức ăn ngày Tết: Dễ thành ổ chứa vi trùng
Vào những ngày trước Tết, nhà nào cũng mua dự trữ các loại thực phẩm và cất vào tủ lạnh khiến chiếc tủ lạnh luôn trong trạng thái quá tải và có nguy cơ trở thành ổ chứa vi trùng.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo thức ăn Tết thường được chế biến và dự trữ để ăn nhiều ngày nên rất dễ bị ôi thiu, nấm mốc vì vậy cần phải bảo quản đúng cách. Các loại thịt, cá tươi sống sau khi mua về cần làm sạch và bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày. Khi đông lạnh thực phẩm tươi nên làm đông càng nhanh càng tốt để thực phẩm không bị mất hương vị.
Với rau, nếu muốn bảo quản được lâu, sau khi bỏ lá sâu, lá dập, cắt bỏ phần rễ, rửa sạch cho vào bao nilon cột kín rồi để ở ngăn mát tủ lạnh. Trái cây rửa sạch để ráo, cho vào bao nilon buộc kín trước khi cất tủ lạnh. Đối với thức ăn nấu chín cần để nguội hẳn, đậy kín rồi cất vào tủ lạnh.
Cần bảo quản thức ăn sống và chín vào những hộp riêng biệt. Các món thịt kho, măng hầm chân giò.. nên nấu đủ ăn 2 – 3 bữa, không nên hầm đi hầm lại nhiều lần. Các món chiên cho vào hộp để ngăn mát, khi ăn lấy đủ phần ăn chiên lại. Giò chả nếu nguyên cây phải bảo quản ở ngăn mát, dùng trong 7 – 10 ngày
Các chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn một số mẹo bảo quản thực phẩm ngày Tết như: bánh chưng không nên bảo quản trong tủ lạnh vì bị “lại gạo”, chỉ nên treo chỗ thoáng mát, tránh chỗ nóng hay ẩm ướt. Các loại củ không cần cho vào tủ lạnh, chỉ cần xếp xuống sàn nhà chỗ râm mát như gầm giường, gầm chạn…
Khi để nhiều thức ăn trong tủ lạnh, cần tăng độ lạnh, nếu không đủ độ lạnh thức ăn sẽ mau hỏng. Khi sắp xếp các món đồ không quá chật mà phải thoáng để hơi lạnh truyền vào thực phẩm đúng nhiệt độ để bảo quản được tốt nhất. Nên bao bọc kín thực phẩm để tránh chúng bị khô vì quá lạnh.
Thức ăn dư không nên để quá 2 ngày chứa trong tủ lạnh. Trứng gà, vịt còn bám dính vết bẩn từ chuồng nuôi; rau quả chứa hóa chất; thịt, cá chứa vi khuẩn… cứ xếp vào tủ, không cho vào từng túi ni lông hay hộp chứa riêng sẽ khiến tủ lạnh thành ổ chứa vi trùng và dịch bệnh. Nhiệt độ thích hợp và lý tưởng để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là: thực phẩm thông thường 8oC, sữa 4oC, thịt tươi 3oC, kem lạnh -18oC, thịt ướp đá -18oC, cá ướp đá -20oC…
Thực phẩm đông lạnh phải làm tan băng đá, rửa sạch trước khi chế biến, nấu nướng để cho các phần nằm bên trong đạt nhiệt độ theo yêu cầu và chín đều, tránh hiện tượng chỉ chín phần ngoài mà phần bên trong vẫn sống.
Trong trường hợp mất điện, tủ lạnh ngừng hoạt động cần xào ướp sơ các thực phẩm đế tránh hỏng. Với thịt, cá đang đông lạnh, chỉ có cách duy nhất là hạn chế mở cửa tủ, bởi thực phẩm đông lạnh bị rã đông và tái đông sẽ nhanh hư hỏng hơn.
Theo N.P
Lao động
Nguồn: Dân Trí