Mùa đông kéo dài khiến não người ngày càng to
Những người sống ở các vĩ độ cao luôn có đôi mắt và bộ não lớn hơn để đối phó với điều kiện ánh sáng yếu trong các ngày đầy mây và mùa đông dài, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Oxford, Anh.
Theo các nhà khoa học, những người sống ở các vĩ độ cao có mắt to hơn để có thể quan sát được trong điều kiện ánh sáng yếu. Ảnh: CTV |
Theo hãng thông tấn BBC, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Oxford (Anh) đã tiến hành đo hốc mắt và khối lượng não của 55 hộp sọ từ 12 khu vực dân cư trên toàn thế giới và đối chiếu các kết quả thu được với vĩ độ sinh sống của họ.
Các hộp sọ được nghiên cứu có từ những năm 1800 và hiện đang được lưu giữ trong các bảo tàng ở Oxford và Cambridge. Chúng thuộc về các dân tộc bản xứ sống khắp nơi trên thế giới, từ vùng Scandinavia tới Australia, Micronesia và Bắc Mỹ.
Eiluned Pearce, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện một mối quan hệ tích cực giữa vĩ độ tuyệt đối với cả kích cỡ hốc mắt cả về quy mô và dung tích của hộp sọ”.
Kết quả cho thấy, dung tích não lớn nhất thuộc về những người thuộc khu vực Scandinavia, trong khi dung tích não bé nhất được ghi nhận cho các cư dân ở vùng Micronesia.
Chuyên gia Pearce nói: “Khi bạn đi xa hơn khỏi đường xích đạo về phía bắc hoặc phía nam, số lượng ánh sáng xuyên qua bề mặt Trái đất sẽ ít hơn và các ngày vào mùa đông cũng ngắn hơn. Chúng tôi nhận thấy, khi mức độ ánh sáng giảm xuống, con người sẽ có hốc mắt lớn hơn, đồng nghĩa với việc nhãn cầu của họ lớn hơn. Họ cũng có bộ não lớn hơn vì chúng tôi còn phát hiện việc tăng dung tích hộp sọ”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định, bộ não to hơn không đồng nghĩa với việc những người sống ở các vĩ độ cao sẽ thông minh hơn. Lí do là vì, phần kích thước tăng thêm tập trung vào các khu vực xử lý hình ảnh lớn hơn trong não bộ.
Công trình nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng, con người cũng có cùng các xu hướng tiến hóa, vốn mang đến những đôi mắt tương đối lớn cho các loài chim hót đầu tiên trong dàn hợp xướng lúc bình minh và cả những loài ăn đêm như chim cú.
Giáo sư Robin Durbar, một thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu kết luận: “Con người đã chỉ sinh sống ở các vĩ độ cao tại châu Âu và châu Á trong vài chục ngàn năm, nhưng họ dường như đã điều chỉnh hệ thống thị giác của mình nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc để thích nghi với điều kiện trời nhiều mây, thời tiết ảm đạm và mùa đông dài như chúng ta thường thấy ở những vùng vĩ độ này”.
Thanh Bình