Vì sao kẻ Apple sợ hãi nhất chính là Facebook?

30/07/11, 21:32 Tin Tổng Hợp
Apple đang trên đường trở thành công ty lớn nhất toàn cầu. Nhưng không phải vì thế mà Apple không có đối thủ. Trong số những kẻ dám thách thức Apple, có 1 gương mặt rất trẻ và rất nguy hiểm.
Apple ghét Google, đây không phải là điều gì mới. Tuy nhiên Apple không sợ Google, vì rõ ràng là ở mảng HĐH cho thiết bị di động, Android và iOS là 2 đối thủ ngang tài ngang sức, thậm chí cán cân lực lượng hiện giờ dường như còn đang ngả về iOS đôi chút, nhất là với iOS 5 còn đang đợi ngày lên kệ. 
Tương tự như vậy, Apple rất không ưa Microsoft, nhưng Steve Jobs có lẽ cũng chưa một lần nào phải cảm thấy lo lắng về Steve Ballmer. Vì 1 lẽ đơn giản, Mac có lớp khách hàng riêng và không sợ bị Windows lấn sân.
Thậm chí khi phải đối mặt cả với những “ông vua bán lẻ” như Amazon, Target thì Apple cũng chẳng chút nao núng, sở dĩ hệ thống Apple Store của hãng này giờ đây được đánh giá là 1 trong những chuỗi cửa hàng bán lẻ thành công nhất thế giới, không có Amazon hoặc Compusa, Apple vẫn sống, và sống khỏe là đằng khác.
Thế nhưng vẫn tồn tại 1 công ty mà Apple vừa “ghét” vừa “sợ”. Không phải những gã khổng lồ lâu đời kể trên, mà lại là tên “trọc phú mới phất” Facebook. Vì sao Facebook lại trở thành mối đe dọa đối với Apple, khi mà sản phẩm của 2 hãng này dường như khác nhau rất xa về thị trường: 1 bên bán thiết bị phần cứng, 1 bên cung cấp dịch vụ mạng xã hội?
Câu trả lời nằm ở phần dưới của bài viết
Hận thù từ lâu
Sự cạnh tranh ngầm giữa Facebook với Apple thường ít được nhắc tới trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lý do: Chưa có những vụ đấu đá nảy lửa giữa 2 ông lớn này, thậm chí ứng dụng Facebook trên iPhone luôn được vinh danh ứng dụng tải nhiều nhất từ AppStore trong mấy năm gần đây.
Sự đấu đá giữa Facebook với Twitter hay Google thường được nhắc đến nhiều hơn.
Thế nhưng rõ ràng giữa 2 đại gia này chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” đã diễn ra từ khá lâu. Thậm chí trong 1 cuộc phỏng vấn với Bussiness Insider hồi đầu tháng 3 năm nay, một “nguồn thân cận” với Apple khẳng định rằng Steve Jobs “ghét cay ghét đắng Facebook”. 
Bằng chứng? Hãy nhìn vào buổi ra mắt iOS 5 hồi WWDC tháng 6 vừa qua và nói cho tôi bạn thấy những gì? Bên cạnh tính năng Notification Center mà iOS 5 “mượn” từ Android là việc iOS 5 tích hợp Twitter rất sâu. Người sử dụng có thể kết nối Twitter ngay khi đập hộp chiếc iPhone 5 (4S?) của mình. 
Twitter được tích hợp sâu trong iOS 5 trong khi Facebook “ra rìa”.
Vâng, và đó chính là vấn đề, iOS 5 tích hợp Twitter như 1 tính năng cơ bản trong khi “vô tình” lờ đi Facebook. Trong khi Facebook hiện tại đã cán mốc 700 triệu người sử dụng, tiểu blog Twitter mới chỉ đạt mức 200 triệu. Bất kỳ ai có đầu óc logic đôi chút cũng hiểu rằng tích hợp Facebook sẽ là lựa chọn đúng đắn hơn nhiều nếu Apple chỉ được lựa chọn 1 MXH để đưa vào iOS 5. Nhưng không, Steve Jobs đã “chấm” Twitter thay vì Facebook. 
Đây có thể coi là 1 trong những sự “cà khịa” công khai nhất từ Apple đến Facebook. Tất nhiên Mark “Zuck” cũng không phải tay mơ, ngay sau khi Apple giới thiệu iOS 5 vắng bóng Facebook, có nguồn tin cho rằng Facebook đang cố thuyết phục các công ty đang phát hành game trên Facebook đồng ý lập trình các game cho thiết bị di động của họ trên nền HTML5, chứ không phải là 1 ứng dụng để đưa lên App Store. 
Game trên HTML5 đủ sức thay thế các ứng dụng offline. Webgame trên điện thoại di động là 1 viễn cảnh không hề xa vời.
Nếu những thỏa thuận đó thành công, người dùng iPhone có thể sẽ có 1 số webgame thay vì tải tất cả game từ App Store. Điều này đánh thẳng vào lợi nhuận của Apple, đồng thời mở đường cho Facebook thực hiện những mưu đồ về sau này của mình trên thiết bị di động.
Những đòn “minh tranh ám đấu” từ cả 2 phía đều chỉ đưa đến 1 kết luận duy nhất: Quan hệ Facebook – Apple đang mỗi lúc một xấu đi, và Apple sợ Facebook hơn bất kỳ đối thủ nào khác.
Vì đâu nên nỗi?
Trước hết hãy hiểu rằng, ở thời điểm hiện tại Apple không sợ Facebook “giành miếng cơm” của mình. Apple và Facebook kinh doanh ở 2 mảng dịch vụ hoàn toàn khác nhau, có đối tượng khách hàng riêng biệt và nguồn thu độc lập. Điều mà Apple “sợ” ở Facebook là những gì mà công ty này có thể sẽ làm trong tương lai.
Apple đã từng có một bài học đắt giá với Google về việc để 1 hãng khác “nhúng tay” vào sản phẩm của mình. Năm 2007, Apple đồng ý để Google đưa dịch vụ tìm kiếm của mình vào iPhone, cùng với đó là việc Google Maps trở thành ứng dụng bản đồ GPS mặc định. 
Năm 2007, Google vẫn chỉ là “Google Search” kiếm tiền từ quảng cáo. 2 năm sau đó, hệ điều hành Android của Google bất ngờ xuất hiện, nhanh chóng trở thành đối thủ số 1 của iOS. Thỏa thuận của Google và Apple trước đó nghiễm nhiên khiến Google Search có mặt trên cả iOS và Android đem đến cho Google 95% thị phần tìm kiếm trên thiết bị di động, kèm theo đó là khoản lợi nhuận khổng lồ từ quảng cáo. Apple hoàn toàn chỉ biết đứng nhìn Google “chén” mà không làm được gì vì “há miệng mắc quai”.
Nhưng điều tệ hại hơn là, không phải vô duyên vô cớ mà các bản Google Maps trên iOS luôn được cập nhật chậm hơn trên Android và tính năng cũng kém hơn. Tính năng dẫn đường bằng GPS trở thành 1 trong những “điểm chết” của iPhone mà Apple không thể khắc phục được vì bị lệ thuộc vào Google. Gần đây có thông tin Apple đang tìm cách xây dựng 1 thư viện bản đồ số cho riêng mình, nhưng những thiệt hại do Google Maps và Android để lại cho iOS đã trở nên quá sâu sắc.
Google Maps trên Android luôn tốt hơn và trở thành 1 trong những ưu điểm của HĐH này khi so sánh với iOS.

Thử tưởng tượng nếu Apple lại để cho Facebook đưa ứng dụng mạng xã hội của mình vào iOS và độ một vài năm nữa đột ngột có thêm “Facebook Phone” từ trên trời rơi xuống, Apple sẽ bị đặt vào thế bị động. Steve Jobs thừa đủ thông minh để hiểu rằng với 1 công ty tham vọng như Facebook, việc phát triển 1 hệ điều hành, thậm chí là cả 1 dòng thiết bị di động là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Người ta thường sợ những gì mà họ không hiểu hoặc không thể kiểm soát được. Apple cũng không là ngoại lệ. Apple có thể kiềm chế được Google bằng iPhone, “dằn mặt” Microsoft với Mac nhưng đối với Facebook, Apple không thể “nắm đằng chuôi”. Vì đơn giản là kinh nghiệm của Apple trong mảng mạng xã hội gần như bằng 0. Apple từng thử sức ở lĩnh vực MXH với tính năng Ping của iTunes, và Ping có thể xem là 1 trong những thất bại hiếm hoi của Táo Khuyết. Và một khi không tìm được tiếng nói chung cũng như không “bắt thóp” được Facebook, hệ quả tất yếu là Steve Jobs phải tỏ ra dè dặt trước “đại gia mới phất” này.
Cần phải nói thêm rằng, Facebook liên tục có những động thái chứng tỏ rằng họ muốn độc lập khỏi Apple và iOS. Mặc dù ứng dụng Facebook trên AppStore là 1 thành công vang dội, nhưng rõ ràng họ chưa hài lòng với thành công ấy và đang xây dựng 1 ứng dụng Facebook trên nền HTML5. 
Khi 1 ứng dụng như thế ra đời, nó sẽ đóng vai trò thay thế cho ứng dụng Facebook tải từ App Store. Việc có được 1 ứng dụng trên nền web bên cạnh 1 ứng dụng trên iOS sẽ giúp Facebook có được chỗ đứng vững chắc hơn và ít phụ thuộc vào Apple. Giả dụ một ngày nào đó, ứng dụng Facebook bị “cấm cửa” khỏi App Store, hàng trăm triệu người dùng iPhone vẫn có thể truy cập được Facebook từ trình duyệt của mình với những trải nghiệm như đối với 1 ứng dụng truyền thống. Rõ ràng Facebook đã chuẩn bị rất kỹ cho 1 trận chiến sẽ xảy ra trong tương lai.
Facebook trên iOS mặc dù rất thành công, vẫn là đứa con bị “ghẻ lạnh” của Facebook. Hãng này muốn người dùng iPhone truy cập Facebook trên web thay vì 1 app để tránh tình trạng bị Apple “bắt thóp”.
Và cuối cùng, điều khiến Apple cảm thấy lo ngại nhất về Facebook đó là việc Facebook luôn chứng tỏ tham vọng của mình trong việc gia nhập thị trường điện thoại di động. Và thực tế là những chiếc “Facebook Phone” đầu tiên đã lên kệ. INQ Cloud Touch là 1 ví dụ. Mặc dù nhận được nhiều lời chê bai và chỉ chạy Android chứ không phải 1 HĐH do Facebook tự phát triển, Cloud Touch vẫn là 1 sản phẩm thể hiện tham vọng của Facebook. Ra đời từ sự hợp tác của INQ với Facebook, Cloud Touch đã trở thành “chuột bạch” của Facebook trên con đường thực hiện “giấc mơ di động”.
Sẽ mất bao lâu để Facebook tự cho ra đời 1 HĐH di động của riêng mình? Đó là câu hỏi chưa có lời đáp, nhưng hãy nhìn vấn đề theo cách này: Facebook hiện tại có 700 triệu người dùng, giả định rằng con số này không đổi đến khi Facebook Phone ra mắt. Chỉ cần 1/5 số người sử dụng MXH này bị thuyết phục sử dụng 1 chiếc smartphone đóng mác Facebook, đồng nghĩa với việc Facebook Phone sẽ có 140 triệu người dùng mà không tốn 1 giọt mồ hôi. 140 triệu người dùng tức là nhiều hơn số smartphone Android đã được kích hoạt trên toàn cầu vào thời điểm hiện tại. 
Tất nhiên những giả định kia không đúng và sẽ không bao giờ đúng, nhưng nói như vậy để bạn đọc có thể mường tượng được những ưu thế của Facebook nếu hãng này quyết tâm bước vào thị trường di động.
Thay cho lời kết
Rõ ràng 1 thế lực mới nổi như Facebook đã chứng minh rằng, thế giới Internet thực sự không có giới hạn, chỉ cần vài năm ngắn ngủi, 1 công ty đi lên từ con số 0 đã đủ sức thách thức cả những đế chế như Google, Apple… Facebook là đại diện cho 1 thế hệ mới của doanh nghiệp công nghệ thông tin. Có thể trong các mảng kinh doanh đặc thù như tìm kiếm, sản xuất phần cứng, phần mềm Facebook chưa phải là đối thủ của Google, Apple, Microsoft… Nhưng Facebook có 1 thứ vũ khí vô cùng đáng sợ: “hồ sơ” về 1/10 dân số trên hành tinh này.
700 triệu “hồ sơ người dùng” trên Facebook đã trao cho Facebook 1 quyền năng gần như là vô hạn, Facebook biết bạn ở đâu, thích gì, đã kết hôn hay chưa, đang theo đuổi cô gái nào, tính cách bạn ra sao, thu nhập của bạn bao nhiêu một tháng làm việc trong ngành gì, học tập ở đâu… Những thông tin ấy là những hiểu biết mà các đối thủ của Facebook như Google, Apple có mơ cũng không thấy. Nói không ngoa, Facebook có lẽ còn hiểu bạn hơn nhiều người bạn thân. Và trong cuộc chiến giữa các công ty công nghệ, ai hiểu rõ khách hàng của mình hơn, người đó là kẻ thắng cuộc.

Theo Genk

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

x