Lao động VN bị “cướp” việc ngay tại “sân nhà”?
Theo thống kê của Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 5/2011, tổng số người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam là hơn 74.000 người, đến từ hơn 60 quốc gia.
Việc lao động nước ngoài vào nước ta ồ ạt không những khiến cho hàng nghìn lao động Việt Nam bị mất đi cơ hội việc làm mà còn gây ra nhiều hệ luỵ khó lường…
Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao
Bà N.T.M (xin được giấu tên – PV), Giám đốc kinh doanh ngành hàng ăn uống có sử dụng lao động nước ngoài tại Hà Nội cho rằng: “Lý do xuất hiện số lượng lao động nước ngoài lớn ở Việt Nam là do các công trình xây dựng, khu công nghiệp của các nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia đưa công nhân từ bên các nước này sang để lao động. Tôi lấy ví dụ, thời gian vừa qua, các nhà thầu Trung Quốc trúng rất nhiều gói thầu tại Việt Nam. Họ lấy cớ là trình độ chuyên môn của lao động Việt Nam không thể làm được những công việc họ quy định để đưa lao động nước mình vào”.
Cũng theo vị giám đốc trên, với tình trạng các lao động nước ngoài đổ xô sang Việt Nam tăng lên chóng mặt như mấy năm qua, lao động nước ta sẽ bị cướp đi cơ hội việc làm. Trên thực tế cho thấy, hàng nghìn học sinh sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, trường nghề có tay nghề nhưng vẫn không tìm được việc làm. Vì sao hàng chục nghìn lao động nước ngoài lại được sử dụng? Đây là một vấn đề mà các nhà chức trách phải lưu tâm.
Những lao động nước ngoài (Trung Quốc) làm việc tại Việt Nam |
Theo Thạc sĩ Phạm Ngọc Thành, Trưởng khoa Quản lý lao động (Trường ĐH Lao động xã hội): “Việc lao động nước ngoài vào nước ta dẫn đến cơ hội việc làm của lao động Việt Nam bị giảm sút là việc tất nhiên. Vấn đề này bất cứ ai cũng có thể nhận ra được. Bởi vì, trong khi công tác xuất khẩu lao động của nước ta vẫn chưa được tốt mà số lượng lao động nước ngoài đổ xô vào Việt Nam lớn như vậy sẽ dẫn đến tăng nguy cơ thất nghiệp. Thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ người thất nghiệp tại Việt Nam khá cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, phần lớn lao động nước ngoài vào Việt Nam có tay nghề khá hơn lao động trong nước. Họ được đào tạo chuyên ngành tốt và sâu. Đây chính là những nhân tố sẽ cạnh tranh khốc liệt với những lao động Việt Nam. Trong luật lao động của Việt Nam không nhập khẩu những lao động nước ngoài mà có trình độ trung bình hoặc thấp, lao động phổ thông”.
Theo các chuyên gia, hiện nay ở Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý, các nhà thầu nước ngoài sẽ mặc nhiên xuất khẩu người lao động sang Việt Nam mà không mất tiền. Trong khi đó, lao động nước ta muốn sang nước ngoài làm việc lại phải bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, nhiều người Việt phải sang tận châu Phi để tìm kiếm cơ hội việc làm trong khi sân nhà bị các lao động nước ngoài chiếm mất.
Công tác quản lý còn yếu?
Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho biết, để quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, các cơ quan nên nắm các công ty thuê lao động. Việc quy trách nhiệm rõ ràng cho công ty và phạt nghiêm minh người sử dụng lao động bất hợp pháp hoặc đưa người lao động bất hợp pháp vào Việt Nam cần phải được thực hiện. Ngoài ra, cần đảm bảo quyền của người lao động nhập cư ở Việt Nam.
Giám đốc N.T.M cũng cho biết thêm, trong luật lao động của nước ta có quy định rằng, nếu các nhà thầu nước ngoài không tìm được lao động chuyên môn Việt Nam đáp ứng được công việc thì mới được phép đưa lao động nước ngoài vào. Lao động ngoại quốc sẽ bị quy định thời hạn làm việc. Sau thời gian quy định đó, công nhân nước ngoài phải về nước làm lại thủ tục.
Tuy nhiên, các nhà thầu vẫn cố tình làm trái, tiếp tục cho công nhân làm việc trong khi hạn lao động đã hết. Sở dĩ chúng ta không quản lý chặt chẽ được là do sự phối hợp giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với Bộ Công thương và Bộ Xây dựng. “Lẽ ra, các Bộ ngành này cần phải giám sát việc các nhà thầu nước ngoài lấy lý do lao động Việt Nam không đáp ứng được chuyên môn để từ chối rồi tuồn lao động nước họ vào. Theo tôi, còn nhiều kẽ hở trong quản lý mới dẫn đến hiện tượng lách luật của họ”, bà N.T.M nói.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Thành, Việt Nam còn nhiều lao động nước ngoài hoạt động không có giấy phép. Chính vì vậy, đòi hỏi sự quan tâm sát sao hơn nữa của các cơ quan chức năng. Để giải quyết được sự việc trên, chúng ta phải tạo ra được hành lang pháp lý. Hơn nữa, công tác kiểm tra quản lý lao động của Việt Nam còn yếu, cần đẩy mạnh hơn nữa.
“Tôi được biết, tại Việt Nam, số lượng Thanh tra lao động quá mỏng, làm sao có thể phân bổ đi kiểm tra hết các doanh nghiệp được. Ở nước ta cũng tồn tại việc các doanh nghiệp ký hợp đồng miệng với các lao động nước ngoài mà không qua quản lý của Nhà nước. Bởi vì sử dụng lao động chui họ có điểm lợi là không phải đóng thuế cho nhà nước, không bị quản lý bởi luật lao động nhập cư, họ sẽ rất thoải mái. Chính vì thế, gây khó khăn cho quản lý của các cơ quan chức năng” , Trưởng khoa Quản lý lao động chia sẻ.
Điều không nên và cần suy nghĩ “Trường hợp lao động nước ngoài làm những việc mà lao động Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhiệm được là một việc cần phải suy nghĩ . Theo tôi, Chính phủ cần quản lý chất lượng của lao động nước ngoài hơn là số lượng. Đồng thời cần khuyến khích lao động chất lượng cao trong nước và hạn chế lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam”. (Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường Lê Quang Bình) |
V.Chương – A.Đức
Theo Nguoiduatin