Khám phá bí ẩn phiến đá in hình bàn tay và đầu người trong ngôi đền cổ
Trong một ngôi đền cổ ở gần cổng phía Đông thành Nhà Hồ hiện nay đang thờ một phiến đá có hình thù rất kỳ lạ. Trên mặt phiến đá này in rõ những dấu vết của đầu và hai tay người…
Bao đời nay, người dân sống xung quanh khu vực thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) không ai là không biết đến câu chuyện về mối tình thủy chung son sắc của nàng Bình Khương với chồng mình là chàng Cống Sinh. Đến nay, nhiều thế kỷ đã trôi qua nhưng người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ và kể lại cho các thế hệ con cháu biết.
Tương truyền, vào thế kỷ 14, khi Hồ Quý Ly cho xây dựng Thành Nhà Hồ. Lúc này, Trần Sỹ Công, một viên quan dưới triều Trần (Chàng Cống Sinh) được vua Hồ giao cho chức Đốc công xây dựng thành. Trong lúc xây dựng thành thì có một điều vô cùng kỳ lạ đã xảy ra, đoạn tường thành phía Đông cứ xây lên lại bị sụt lún rồi đổ xuống.
Chính điều này đã làm chậm tiến độ xây dựng thành. Hồ Quý Ly đã nghi ngờ Cống Sinh có âm mưu tạo phản, cho lính bắt rồi chôn xác ông vào đoạn tường thành bị lún đó. Thương xót trước cái chết của chồng, để giữ lòng thủy chung nàng Bình Khương đã đập đầu vào đá tuẫn tiết nguyện chết theo chồng. Tảng đá mà nàng Bình Khương đã đập đầu vào bị lún xuống, in rõ dấu đầu và hai tay nàng.
Đến thời nhà Nguyễn, khi nghe tin về dấu tay và đầu nàng Bình Khương qua hàng trăm năm vẫn còn in rõ trên phiến đá tại tường thành. Người dân từ khắp nơi thấy hiếu kì nên đã đổ về đây rất đông. Lúc này, Viên hào lý trong làng Đông Môn lo ngại tiếng đồn ngày càng vang xa sẽ gây nhiều phiền nhiễu nên thuê thợ về đục cả phiến đá đem chôn.
Một điều thật kỳ lạ, sau khi đục xong phiến đá ấy những người thợ bỗng nhiên mắc bệnh lạ mà chết. Viên hào lý cũng lăn đùng ra chết không rõ nguyên nhân. Bấy giờ, tri phủ Quảng Hóa lúc này là Đoàn Thước nghe tin và vô cùng cảm động trước mối tình thủy chung của nàng Bình Khương và chồng. Ông đã sai lính tìm đào phiến đá đó lên rồi dựng bia, lập đền thờ chính nơi chàng Cống Sinh bị chôn xác.
Vào năm 1903, tổng đốc Thanh Hóa là Vương Duy Trinh đã cho dựng bia đá tại đền ghi lại sự tích Cống Sinh – Bình Khương. Trong tấm bia đá cổ hiện nay còn lưu lại trong khuôn viên đền ghi dấu: “Tấm lòng trinh tiết in vào đá – Lưu mãi muôn đời vạn tiếng thơm”.
Hiện nay, đền nàng Bình Khương ở tại làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, phiến đá ghi dấu nàng Bình Khương tuẫn tiết theo chồng được thờ nơi hậu điện của đền. Theo quan sát, phiến đá này dài khoảng 1m, chỗ rộng nhất là 50cm, chỗ hẹp là khoảng 20cm. Nơi giữa của phiến đá có một dấu tròn bị lũng sâu xuống in vừa dấu đầu người. Phía hai bên có in rõ dấu hai bàn tay người.
Gia đình ông Vũ Đình Sến, bà Nguyễn Thị Vẹn, làng Đông Môn hiện nay là người trông coi ngôi đền. Sau khi mở cửa cho du khách thắp hương, bà Nguyễn Thị Vẹn dẫn chúng tôi đi tham quan xung quanh ngôi đền cổ này. Bà Vẹn nói: “Những dấu in trên tảng đá đó chính là dấu in đầu và hai bàn tay của nàng Bình Khương”.
Ngôi đền này nằm trên khu đất rộng khoảng 1.000m2, xung quanh có cây cối, phía sau ngôi đền tiếp giáp với tường Thành Nhà Hồ. Khi tới phía sau nơi tiếp giáp với tường thành, bà Vẹn cho biết: “Phía trên kia tường thành là mộ của chàng Cống Sinh, xác ông bị chôn chính ở đoạn tường thành này. Còn phần nằm dưới đây là phần mộ của nàng Bình Khương. Cả hai vợ chồng bà đều được chôn dưới đoạn tường thành này”.
Chúng tôi thắc mắc hỏi bà Vẹn về đoạn tường thành mà chàng Cống Sinh trước kia cứ mỗi khi cho xây dựng lên thì lại bị đổ xuống. Bà Vẹn chỉ tay vào một đoạn tường thành có những phiến đá lớn, dài xếp lên nhau bị nghiêng và bảo: “Đây chính là đoạn tường thành mà xưa kia chàng Cống Sinh cứ xây lên là bị sụt lún rồi đổ xuống, dẫn đến cái chết oan của chàng”.
Tại đoạn tường này, khi quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy rõ được, khác hẳn với những đoạn thành khác, đoạn tường này bị cong bất thường, có đoạn lại bị sụt lún. Đoạn tường này cũng được xếp bằng những phiến đá to nhưng do bị lún nên không thẳng hàng như những chỗ khác.
Bà Vẹn chia sẻ thêm: “Hàng năm, cứ đến ngày 1/9 (âm lịch), người dân trong làng và khắp các nơi trong vùng lại đổ về đây để tổ chức lễ dỗ cho nàng Bình Khương. Theo phong tục xưa để lại thì các hộ dân trong làng chúng tôi ai cũng phải góp lễ để cùng nhau dâng lễ tại đền. Để tỏ lòng thành kính với vợ chồng nàng Bình Khương, chàng Cống Sinh, những ngày đó, dân làng tổ chức lễ hội rồi ăn uống linh đình trong nhiều ngày”.
Hiện nay, phong tục này được gỡ bỏ, nhưng cứ đến ngày lễ hàng năm, người dân khắp nơi lại tụ họp về đây để tham dự lễ. Đây được coi là lễ hội lớn ở quanh Thành nhà Hồ còn lưu giữ đến ngày nay.
Được biết, ngoài công trình tường thành bằng đá cổ, ngôi đền cổ thờ nàng Bình Khương – chàng Cống Sinh chính là minh chứng cho sự cống hiến và tài hoa phi thường của người xưa khi tham gia xây dựng Thành Nhà Hồ. Mặt khác, ngôi đền còn là sự minh chứng cho tình nghĩa vợ chồng thủy chung son sắc của nàng Bình Khương – chàng Cống Sinh. Chính vì vậy, đền đã được Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa) công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh năm 1995.
Thái Bá – Duy Tuyên