Hình ảnh về bộ tộc “người tuyết” ở nơi tận cùng Trái đất
Những tấm ảnh chân thực về gia đình người Inuit (người Eskimo) ở nơi quanh năm băng giá bao phủ…
Hai năm trước, nhiếp ảnh gia Sasha Leahovcenco có cơ hội đến với Chukotka (thuộc Nga) – một khu vực được ví như “nơi tận cùng trên Trái đất” với địa hình và khí hậu khắc nghiệt bậc nhất hành tinh.
Cũng ở khu vực này, anh tình cờ gặp được những gia đình người Inuit (người Eskimo) du mục đi chăn hươu và sinh sống nơi đây, “bỏ qua” tất cả các điều kiện thời tiết, địa hình “địa ngục” nơi đây để đối chọi thiên nhiên và sinh sống.
Khi xem những hình ảnh này, bạn có thể hiểu được một phần về cuộc sống du mục ở nơi hẻo lánh nhất Trái đất, và thử nghĩ một chút về cuộc sống hiện đại mình đang sống xem sao…
Người Inuit (hay Eskimo) là dân tộc bản địa sống trên vùng băng giá phân bố từ Đông Siberia (Nga), qua Alaska (Hoa Kỳ), Canada, và Greenland.
Từ “Inuit” có nghĩa là “người” trong ngôn ngữ Inuktitut. “Inuk” chỉ số ít cho người Inuit, trong khi người Inuit là số nhiều. Tiếng Inuit được xếp vào các ngôn ngữ Eskimo-Aleut.
Cách đây khoảng 4000 năm, các bộ lạc người Eskimo cổ đã vượt qua eo biển Bering trong đợt di cư từ miền đất Siberia cằn cỗi lạnh giá để tiến về hướng Đông.
Các nghiên cứu nhân chủng học về Bắc Cực đã cho thấy sự hiện diện của nền văn minh Eskimo tại Mũi Krusenstern vào khoảng 1850 năm trước Công nguyên.
Do sinh sống trên băng tuyết nên người Eskimo chịu rét cực giỏi.
Tác giả chụp ảnh cùng gia đình người Inuit.
Họ thường mặc áo lông dày giản dị dạng túi khâu kín parka với áo tay dài, có mũ trùm đầu và quần mặc bó tới gót hoặc lửng tới gối, để ấm áp hơn phải khâu thành nhiều lớp xù xì, trùm khăn và mũ kín mít.
Nhà của người Eskimo thường xây bằng các khối băng tuyết nửa chôn dưới đất nửa chôn trên mặt đất, gọi là Igloo. Nhưng với người du mục chăn hươu, họ có thể dựng lều làm từ các tấm da động vật để giữ ấm tốt hơn.
Theo Danviet