Nhà mạng nói gì về việc “bịt mắt” người dùng thu về hàng trăm tỷ?
Báo cáo của Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) phát hiện 3 nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel đã sai phạm trong lĩnh vực nội dung, bí mật thu hàng trăm tỷ của người dùng. Tuy nhiên, người trong cuộc cho rằng báo cáo đã không đủ diễn giải vấn đề.
Tại báo cáo tổng kết đợt thanh tra năm 2013, Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông đã công khai những con số gây bất ngờ trong sai phạm của các nhà mạng.
Thanh tra Bộ TT&TT phát hiện nhà mạng VinaPhone đã cài đặt sẵn ứng dụng OID trên SIM điện thoại của VinaPhone và bán cho người sử dụng. Ứng dụng này có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí đã được đưa ra. Hành động này đã giúp nhà mạng VinaPhone thu về một khoản tiền lên tới 20,6 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013.
Trong khi đó, MobiFone cũng có sai phạm tương tự khi cài đặt sẵn ứng dụng SuperSIm và Liveinfo trên SIM điện thoại và bán cho người sử dụng. Ứng dụng này có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí đã được đưa ra. Trong thời gian từ tháng 6/2012 đến tháng 7/2013 nhà mạng này đã hợp tác tác với 17 CSP để cung cấp dịch vụ này và thu về một khoản tiền trên 150 tỷ đồng.
Thanh tra nhấn mạnh MobiFone mặc dù đã phát hiện các thuê bao phát tán tin nhắn rác nhưng VMS vẫn không ngăn chặn, xử lý, thu hồi đối với các thuê bao này.
Thanh tra Bộ TT&TT cũng phát hiện sai phạm tương tự với nhà mạng Viettel. Nhà mạng quân đội đã cài đặt sẵn phần mềm Viettel Plus trên SIM của điện thoại và bán cho người sử dụng. Ứng dụng này có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước… không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ. Tuy nhiên, số tiền thu về của Viettel từ sai phạm này đã không được Bộ TT&TT công bố trong bản báo cáo của Thanh tra. Hiện tại Dân trí không thể liên lạc với đại diện của Viettel để trao đổi về vấn đề này.
Nói về bản báo cáo, những người trong cuộc là các nhà mạng cho rằng họ không phản biện về những con số trên. Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm bàn về xu hướng thị trường trong năm 2014 trong khuôn khổ Lễ công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu do Câu lạc bộ nhà báo ICT Press bình chọn, đại diện MobiFone cho rằng tổng kết của Thanh tra Bộ nêu lên các vấn đề, chỉ tóm tắt, nếu đọc chi tiết thì sẽ hiểu toàn diện hơn.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc MobiFone, nhấn mạnh các ứng dụng này đã được cung cấp từ 5 năm trước, nhưng 1 năm gần đây mới có quy định quản lý từ Bộ TT&TT, vì vậy, ngay lập tức dừng và sửa đổi là không khả thi.
MobiFone cho rằng nhà mạng này không hề thu cước mập mờ, mà đã có tin nhắn báo trước, nếu khách hàng đọc thì không bị trừ phí, nếu click vào đọc thì mới phải trả tiền. Dịch vụ đã có niêm yết công khai trên website về giá các dịch vụ, kể cả các dịch vụ từ đầu số 1800, 1900 cũng có công bố cụ thể.
Ông Chiến thừa nhận những giới hạn công nghệ của SIM cách đây 5 – 6 năm chưa khắc phục được. Nhà mạng này xin có thời gian để sửa đổi hệ thống.
Trao đổi với báo Dân trí về bản báo cáo của Thanh tra Bộ TT&TT, đại diện VinaPhone cũng cho rằng bản báo cáo không đủ diễn giải vấn đề để mọi người hiểu cách mà nhà mạng làm. VinaPhone khẳng định không có ý định kinh doanh trên sự khó chịu hoặc là sự không minh bạch với khách hàng.
Theo đại diện nhà mạng này, thực ra loại SIM phát hành ra từ cách đây 7,8 năm, thậm chí là 10 năm đã gắn kèm ứng dụng để khách hàng tra cứu thông tin. Nhà mạng đã có thông báo trên tờ rơi, trên website và Call Center 24/7.
VinaPhone khẳng định không thu tiền dịch vụ nếu khách hàng không click vào đó, và chắc chắn là khách hàng đã có sử dụng.
Nhà mạng này chia sẻ do dịch vụ của nhà mạng luôn đi trước các văn bản, quy định của Bộ, thế nên nhà mạng cần có thời gian để điều chỉnh cách kinh doanh của mình. “SIM đã phát hành rồi thì nhà mạng không thể thu hồi hay mời khách hàng đến để đổi SIM, đó là nhiệm vụ bất khả thi. VinaPhone đang cố gắng tuyên truyền tốt hơn, và khuyến khích người dùng thay SIM hoặc là cài đặt lại ứng dụng đó”.
Đại diện VinaPhone cho hay SIM giống như một cái máy tính nhỏ, sau khi đã cài thì người dùng có thể thay được phần mềm nhưng có những bộ phận không thể thay đổi được. Nhà mạng cho biết có thể hủy toàn bộ dịch vụ này nhưng theo VinaPhone, số lượng người dùng không hài lòng với ứng dụng này chỉ là con số nhỏ, vì số tiền thu cước rất nhỏ, thế nên nhà mạng sẽ không hủy trên toàn hệ thống.
VinaPhone cho biết con số từ Thanh tra Bộ công bố được tính trên tổng số thuê bao toàn mạng mới cho ra con số lớn như vậy, nhưng thực tế mỗi dịch vụ chỉ có cước phí khoảng 500 đồng. Đại diện MobiFone cũng có rằng số tiền 100 tỷ đối với 3 nhà mạng thu về từ dịch vụ trên không phải con số quá lớn.
VinaPhone cho biết đã khắc phục sai phạm này từ trước khi Thanh tra Bộ công bố, và người này cho biết trong lô SIM mới sẽ hoàn toàn thay đổi việc cài đặt ứng dụng.
Khôi Linh
Nguồn: Dân Trí