Giống người cổ đại nổi tiếng tuyệt chủng vì… loạn luân?
Phân tích ADN từ xương ngón chân hóa thạch người phụ nữ Neanderthal có niên đại 50 nghìn năm cho thấy dấu hiệu giao phối cận huyết có thể đã xảy ra phổ biến trong các thế hệ người cổ đại này.
Theo Tiến sĩ Kay Prufer, Viện tiến hóa Nhân chủng học Max Planck tại Đức cho biết, xương ngón chân này được phát hiện tại hang động ở Siberia từ năm 2010. Đây cũng là nơi phát hiện ra hóa thạch của người Denisovan từ năm 2008.
Sau khi phân tích giải trình tự ADN và kiểm tra hệ gen ty thể của hóa thạch cho thấy, gen chỉ được di truyền từ một người mẹ duy nhất. Điều đó có thể khẳng định cha mẹ của người phụ nữ này có huyết thống rất gần nhau.
“Chúng tôi cho rằng, cha mẹ của người Neanderthal này là anh em cùng chung một mẹ, hoặc là chú và cháu gái, cô, dì và cháu trai, một người ông và một người cháu gái, hoặc bà và cháu trai”, nhóm nghiên cứu hóa thạch khẳng định.
Đáng chú ý ở chỗ, phân tích còn tiết lộ giao phối cận huyết như trên không phải là sự kiện diễn ra hiếm hoi. “Các bậc cha mẹ có huyết thống rất gần, ngay cả khi phân tích thế hệ trước của họ cũng có điều này”, tiến sỹ Prufer nói. Đồng thời chính sự giao phối cận huyết này có thể dẫn tới hệ quả dân số người Neanderthal khá nhỏ và làm cho họ bị tuyệt chủng.
Ngoài ra, kết quả giải trình tự ADN của hóa thạch cũng cho thấy người Neanderthal và người hiện đại có nguồn gốc từ người Denisovan đã từng có sự kết hợp với nhau vào khoảng cuối kỉ Pleistocene (12.000-126.000 năm trước).
Toàn bộ những phát hiện này đã được đăng tải trực tuyến trên tạp chí Nature ngày 19.12.2013.
Theo Danviet