Học thật để sống thật
Lần đầu tiên, một tổ chức của sinh viên trong trường đại học có sáng kiến tái hiện nguyên nhân, thực trạng, hậu quả của sự không liêm chính, tham nhũng trong trường học. Các thông điệp được thể hiện bằng những hình ảnh, dụng cụ và mô hình trực quan do chính các bạn suy nghĩ và tự tay làm.
Một cái ghim nhé!” để góp phần ngăn chặn con rết lớn lên từng ngày.
|
Hình ảnh vô số chân rết khổng lồ với “hành trang” mang trên mình là đạo văn, quay cóp, chép bài… đang cắm sâu lên cơ thể Việt Nam, ăn dần những ý tưởng, kiến thức của con người, thức ăn chính của nó là chất xám. Để có phần ngon nhất đó, con rết phải ăn dần từ hành vi đến suy nghĩ, thói quen, ý chí. Đến một ngày, con người chỉ còn là những cơ thể biết đi không não.
Một hình người bằng giấy có chân tay đầy đủ nhưng đầu là một chiếc máy in, tượng trưng cho những con người không tư duy chỉ biết “chụp” và “in” không khác gì máy photocopy.
Mỗi ngày cây non tự uốn mình giống như dây leo bám trên thân cổ thụ để mong được cao lớn oai phong. Nhưng đến một ngày kia, cây non chợt nhận ra không còn là chính mình, cây đã đánh mất khả năng chống chọi với phong ba, không thể tự vươn mình trong ánh sáng nữa vì yếu ớt…
Đó là ba trong số bảy thông điệp do các sinh viên là thành viên câu lạc bộ Face của trường đại học Hoa Sen (TP.HCM) muốn gửi đến mọi người tại không gian trưng bày “Liêm chính trong trường học” vừa tổ chức hôm 9.12.
Có 20 sinh viên đầu tiên được tuyển chọn trong hơn 100 đơn đăng ký tham gia nhóm điều hành các dự án. Theo TS Phạm Quốc Lộc – chủ nhiệm câu lạc bộ Face, việc thi tuyển khá nghiêm túc: đủ hai vòng thi viết và phỏng vấn. Nhưng điều quan trọng, sự tham dự tự nguyện của sinh viên với Face đồng nghĩa các bạn cam kết đi theo các tiêu chí câu lạc bộ đề ra. Sự kiện ngày 9.12 ở đại học Hoa Sen là một trong chuỗi chương trình của dự án “Change the way we learn” (Thay đổi cách học) nhằm đề cao và thúc đẩy sự liêm chính trong học tập của Face. Thông điệp chương trình muốn hướng tới là ngay cả học sinh, sinh viên cũng có thể tham gia đấu tranh chống lại tham nhũng bằng một việc rất vừa sức của bản thân, không xa vời: đó là thay đổi cách học và đấu tranh chống tiêu cực, gian lận trong trường học.
Tại gian hàng Hộp đen mà bạn Hạnh Nguyên – thành viên của Face, gọi vui là “buồng thú tội”, có tới 80% sinh viên đã “tự thú” bằng cách stick vào phía nội dung “tôi đã từng không trung thực trong học tập”. “Chỉ riêng việc các bạn dám thừa nhận mình không trung thực đã là một việc tốt rồi”, Hạnh Nguyên nhìn nhận.
“Người sao chép” gửi thông điệp về con người chỉ biết “chụp” và “in” mất khả năng sáng tạo và tư duy. |
Cây non chịu các ảnh hưởng bên ngoài đến khi |
Vậy liệu có thể chống tham nhũng bắt đầu từ trường học không? Câu trả lời mà các bạn sinh viên đã chứng minh là có.
Sinh viên Phương Trinh – lớp Quản trị kinh doanh K2011 nói: “Trước khi tham gia câu lạc bộ, em cũng như nhiều bạn sinh viên khác, thấy mình quá bé nhỏ trước thực trạng xã hội nhan nhản cái xấu, liệu chúng em có thể làm được gì? Giờ thì em hiểu rằng, nếu mình không thay đổi, người bên cạnh cũng không thay đổi thì không bao giờ xã hội có thể thay đổi được”. Còn Minh Trang – lớp Marketing K2013 chia sẻ: “Mỗi người ai cũng khát khao sống tốt, liêm chính, nhưng môi trường và hoàn cảnh tác động làm họ đánh mất những điều tốt đẹp đó. Khi tham gia câu lạc bộ, em muốn cùng mọi người đề cao lối sống trung thực, trước tiên là trong học tập. Em biết học thật có thể bị thiệt nhưng nếu số đông cùng nhận thức như vậy thì sự việc sẽ khác”. Trên diễn đàn của câu lạc bộ, một thành viên của nhóm Trapro kêu gọi: “Hãy sống thật với bản thân nhé! Mỗi chúng ta, đặc biệt những bạn học sinh trung học, sẽ thật sự học vì hiểu biết của chính mình. Điểm số là quan trọng, nhưng không thể khiến chúng ta tự phá hoại tương lai của mình hay giẫm đạp trên tương lai đất nước. Đừng đổ lỗi cho môi trường, cho thầy cô, hoặc bạn bè, đặc biệt khi chuyện đó là tương lai của chúng ta…”
Không cầu kỳ, không đao to búa lớn, nhưng “mưa dầm thấm sâu” và dần thay đổi nhận thức là cách mà một số đơn vị như đại học Hoa Sen muốn làm để khôi phục niềm tin rằng liêm chính, trung thực là có thể ở Việt Nam, như cách nói của TS Bùi Trân Phượng. “Và điều đó chắc chắn phải bắt đầu từ nhận thức của mỗi sinh viên: thi thiệt, học thiệt và được đánh giá bằng năng lực thiệt của mỗi người”, bà Phượng nhấn mạnh.
Theo sgtt