Muốn đi lại hay làm một bảo tàng “có một không hai”?
– “Chúng ta muốn cầu Long Biên vẫn là một cây cầu giao thông thuần tuý hay là muốn nó trở thành bảo tàng có một không hai trên thế giới” – Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Nga phản biện những ý kiến trái chiều về đề xuất biến cầu Long Biên thành bảo tàng.
Thưa bà, về ý tưởng biến cầu Long Biên thành bảo tàng, dư luận băn khoăn, tốn tới hơn 4000 tỷ đồng là quá lãng phí. Bà nghĩ sao về băn khoăn trên?
Tôi khẳng định, nếu dự án này được phê duyệt, nó hoàn toàn không lấy tiền ngân sách nhà nước để thực hiện. Dự án sẽ huy động tiền của tư nhân bằng nguồn vốn xã hội hoá. Thậm chí sẽ có sự đầu tư của các cá nhân, tổ chức của nứoc ngoài.
Nhưng người dân hẳn có lý khi nghĩ rằng, xây bảo tàng sẽ làm mất đi vẻ xưa cũ quen thuộc của cầu Long Biên?
Theo nhiều người, bảo tồn là phải giữ nguyên hiện trạng cây cầu hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay nếu giữ nguyên có 2 vấn đề:
Một là, trải qua sự tàn phá của chiến tranh cũng như thời gian, hiện nay kết cấu của cầu rất yếu. Nếu mỗi ngày rơi thêm một thanh sắt, chỉ một thời gian không xa nữa nó có thể sẽ sụp đổ, lúc đó sẽ chẳng còn có thể ngồi đó mà bàn chuyện bảo tồn nữa.
Cầu Long Biên. Ảnh Ngọc Tú |
Vòm Kính – Bảo tàng lịch sử, phòng trưng bày, quán cafe nhà hàng (ảnh chụp mô hình) |
Hai là, tất nhiên bảo tồn là phải giữ được những cái cũ, những cái gì có giá trị nhất của nó nhất là những giá trị lịch, sử văn hoá. Nhưng cũng phải làm thế nào để nó sống được vài trăm, ngàn năm sau nữa.
Theo tôi, ngoài giá trị to lớn về văn hoá, lịch sử gắn với cây cầu này thì về mặt kiến trúc với hình rất thanh như con rồng, làn tóc vắt qua con sông Hồng tạo nên vẻ đẹp của cầu Long Biên. Do vậy khi bảo tồn, sẽ giữ lại các nhịp cầu cũ còn những chỗ bị thời gian và chiến tranh tàn phá thì dựng lại theo đúng như lúc đầu. Nó tạo nên sự tiếp nối.
Vì nó là cây cầu phục vụ đường sắt, những chuyến tàu qua đây cũng la nơi ghi dấu lại những dấu ấn lịch sử, văn hoá nên tôi nghĩ rằng những đầu tàu xe lửa nên được lưu lại trên cầu. Những toa của tàu sẽ trở thành nhà hàng để khách du lịch thăm quan. Như vậy chính bản thân cây cầu đã là một bảo tàng rồi!
Còn việc lắp kính? Liệu nó sẽ tạo nên một sự tương phản, những thanh sắt gỉ được bao bởi những tấm kính bóng loáng?
Việc lắp kính sẽ không làm mất đi vẻ đẹp cổ kính. Hình ảnh cây cầu từ thời đầu tiên của nó vẫn sẽ chẳng thay đổi, thậm chí cả những cái gỉ sắt cũng sẽ vẫn tồn tại. Chúng ta đâu có lắp kính và biến nó thành toà nhà mấy chục tầng!
Theo tôi, để vừa làm bảo tàng và khai thác nó chính trên cây cầu mà vẫn không ảnh hưởng đến vẻ đẹp cổ kính của cây cầu, chỉ có cách gắn kính trong suốt. Tuy nhiên vấn đề này còn phải cần nhiều ý kiến của các chuyên gia.
Với ý thức người dân như hiện nay, bà có tin là bảo tàng trên cầu Long Biên sẽ được giữ nguyên vẹn? Người ta lo lắng khi nhìn vào kinh nghiệm của những lần tổ chức festival cầu Long Biên…
Việc này không khó, nếu dự án được triển khai, sau khi hoàn thành sẽ phải có đơn vị khai thác bảo tàng. Nó còn liên quan đến việc kinh doanh, nên muốn phát triển được thì họ phải giữ gìn và bảo vệ thôi. Trách nhiệm đó sẽ thuộc về các đơn vị quản lý bảo tàng và cả cây cầu sau này.
Xin cảm ơn KTS về cuộc trao đổi này.
Ngọc Tú (thực hiện)