Án oan ở Bắc Giang: Những chuyện giờ mới kể
Ngay cả khi xóm làng dị nghị, bà Nguyễn Thị Chiến (SN 1965) vẫn một mực tin chồng và bền bỉ vượt mọi khó khăn để vừa nuôi 4 con khôn lớn vừa không ngừng kêu oan cho chồng.
Quá khứ buồn
Ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961) và bà Nguyễn Thị Chiến (SN 1965) có với nhau 4 mặt con. Cả gia đình sống nhờ vào quán nhỏ ở thôn.
Một buổi chiều cách đây 10 năm, khi hai vợ chồng ông Chấn đang quây quần ở cái quán nhỏ, vợ ông Chấn bảo chồng đi xin ít nước. Cũng như mọi hôm, ông Chấn đeo hai thùng nhựa vào xe đạp đi xin nước giếng.
Bà Chiến ngất lịm trong ngày chồng được tạm tha. |
Không ngờ buổi chiều định mệnh hôm đó đã khiến cuộc đời ông rẽ sang một hướng khác khi sau đó ông bị bắt và bị đưa ra xét xử tội giết người và phải nhận án tù chung thân.
Nguyễn Thế Anh (con út của ông Chấn) nhớ lại: “Bố em bị bắt năm 2003, năm đó em mới chỉ 5-6 tuổi. Em còn nhớ khi ấy nhà mình nghèo lắm. Quán nơi gia đình em bán hàng là nhà tranh, vách nứa. Chuyện xảy ra chỉ cách nhà có 200m. Nguyên nhân bố em bị bắt có lẽ do bố quá hiền”.
Sau hôm bố bị bắt, đứa con út không dám hỏi chuyện vì sợ mẹ buồn. Và cậu thì phải mang mặc cảm của một đứa trẻ có cha là sát nhân.
“Bản thân chúng em là con của người mang án cũng rất mặc cảm, bạn bè không dám chơi nhiều, không dám nói chuyện với ai vì tủi phận. Cũng may, ai cũng biết bố là người hiền lành, nên người trong làng cũng vẫn thương yêu, chia sẻ nỗi đau của gia đình…”, lời Thế Anh.
Người đàn ông trụ cột gia đình bị bắt, bỏ lại người vợ và 4 đứa con phải nuôi nấng, từ đó cuộc sống của gia đình ông Chấn đảo lộn. Về mặt vật chất, cái nghèo khó ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng nỗi ô nhục, tủi hổ, hẳn chỉ những người trong cuộc mới thấu tỏ.
Bà Chiến ngất lịm lúc chuẩn bị đón chồng về |
Bà Phạm Thị Là, 63 tuổi, người thân của ông Chấn chia sẻ: Gặp phải kiếp nạn này, gia đình Chấn khổ lắm, bị mẹ nạn nhân tới cửa chửi rủa kinh lắm. Họ nghĩ cháu tôi hành động dã man quá nên không kìm được tức giận.
Một người hàng xóm nhà ông Chấn nhớ lại, thời điểm cách đây 10 năm dân làng bàn tán khiếp lắm, chỗ nào cũng túm tụm nói về chuyện ông Chấn bị bắt về tội giết người.
Niềm vui ngày trở về
Riêng người vợ của ông Chấn, thấy chồng kêu oan, bà một mực tin chồng và niềm tin mãnh liệt của bà đã được đền đáp.
Ngày chồng được tạm tha, vừa nhìn thấy chồng bà đã ngất lịm. Nhưng có lẽ bà ngất lịm trong niềm hạnh phúc. Nhiều người hàng xóm nói rằng, suốt thời gian qua bà gần như đã kiệt sức.
Niềm vui ngày trở về sau 10 năm ngồi tù của ông Chấn. |
Hàng ngày, quán hàng của gia đình đã giúp bà Chiến nuôi con, gom được chút tiền, bà lại bỏ nhà vài ngày đi kêu oan khắp nơi cho chồng.
Hình ảnh người mẹ tần tảo suốt nhiều năm tất tả đi khắp nơi kêu oan cho bố đã in hằn trong tâm trí người con trai út của bà Chiến.
Thế Anh kể lại: “Trước khi đi em còn dặn, mẹ cứ ra Hà Nội ăn ở luôn tại đó, kêu oan cho bố, may ra người ta tiếp. Người ta có nghe mình nói thì bố mới có cơ hội. Thường mẹ chỉ dám đi trong hai ngày rồi lại về ngay. Trong 10 năm bố bị bắt, mẹ đau khổ vô cùng.”
Những ngày khốn khó ban đầu dần trôi qua khi các con ông Chấn, bà Chiến khôn lớn, đều biết thương cha mẹ.
Hàng tháng vợ và các con ông Chấn đều đặn lên trại giam thăm chồng, cha, động viên ông Chấn yên tâm bởi người vợ tảo tần chưa một lần nhụt ý chí kêu oan cho chồng.
Thế Anh kể rằng: “Trong những lần lên gặp bố ở trại giam lần nào bố cũng khóc, chúng em và mẹ cũng khóc hết nước mắt. Mẹ cố động viên bố yên tâm, giữ gìn sức khỏe, ở ngoài mẹ sẽ hết lòng đi kêu oan khắp nơi.
Quan trọng là bố không được suy nghĩ nhiều mà hại tới sức khỏe. Tuy nhiên, bố em tránh sao khỏi buồn tủi, suy nghĩ. Bố suy nghĩ nhiều tới mức già đi trông thấy.
Nhiều lúc bố còn tâm sự với mẹ muốn chết cho rồi, chết cho khỏi xấu hổ. Bố biết mẹ vất vả bôn ba khắp nơi kêu oan, nhưng bố em cũng chỉ biết chờ đợi trong vô vọng.”
(vtc.vn)