Thịt lợn tăng giá phi mã do Trung Quốc thu mua
(GDVN) – Trong thời gian qua, giá thực phẩm tăng phi mã, nhất là giá thịt lợn, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân do các tiểu thương Trung Quốc thu gom hàng qua con đường tiểu ngạch khiến thực phẩm trong nước khan hàng và tăng giá. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, do giá nguyên liệu cao, dịch bệnh hoành hành nên người dân không màng đến chăn nuôi lợn. Theo số liệu tiêu dùng của Cục Thống kê Hà Nội, tháng 7/2010, giá các loại thịt lợn chỉ 45.000-70.000 đồng mỗi kg. Đến tháng 12/2010, giá thịt lợn tại Hà Nội đã lên ngưỡng 70.000-90.000 đồng, tăng từ 25-50% mỗi kg thịt. Không dừng lại, tính đến tháng 6/2011, mức giá này bị đẩy lên đến 110.000-130.000 đồng/kg. Như vậy, trong vòng một năm, giá thịt lợn tại các chợ ở Hà Nội đã tăng khoảng 100%. Cụ thể, vào thời điểm tháng 7/2010, mỗi kg, thịt ba chỉ có giá 45.000-50.000 đồng, thịt mông sấn là 55.000-60.000 đồng/kg, thịt nạc thăn đắt nhất với 68.000-70.000 đồng/kg. Còn tại thời điểm hiện nay, giá thịt mông sấn và ba chỉ đã lên tới 100.000-110.000 đồng/kg, thịt nạc thăn là 130.000 đồng/kg.
Không chỉ thịt lợn, các loại thịt bò, gà, cá cũng tăng giá đến 50% trong vòng một năm qua. Tháng 6/2011, giá mỗi cân thịt gà ta làm sẵn là 140.000 đồng, bò thăn là 200.000-220.000 đồng/kg, cá chép loại to có giá 75.000 đồng/kg. Trong khi đó, thời điểm này một năm về trước, giá thịt gà chỉ 100.000 đồng/kg, bò thăn được bán với 150.000 đồng/kg và cá chép cũng chỉ 55.000 đồng cho mỗi kg. Thậm chí, nhiều loại rau, củ quả còn tăng giá gấp vài lần như rau thơm, mùi, rau muống, đậu đỗ, chuối tây… Nhận định về tình trạng tăng giá thực phẩm, nhiều người tiêu dùng cho rằng, tuy chỉ tăng vài nghìn đồng mỗi mớ rau nhưng nếu xét trên tổng giá trị thì mức tăng lên tới 50-70%. Sau vài đợt tăng giá, nhìn lại đã thấy mớ rau đang ăn gấp 3-4 lần giá cũ, dù từ năm ngoái đến năm nay, lương chỉ được tăng thêm 10%. Trả lời báo chí về tình trạng thực phẩm tăng giá chóng mặt, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ông Nguyễn Huy Tưởng cũng thừa nhận, trong mấy tháng qua giá cả nhiều mặt hàng, đặc biệt là giá thịt tăng rất cao. Nếu như năm ngoái, mỗi chỉ vàng giá 2,8 triệu đồng, năm nay tăng lên 3,7 triệu. Còn thịt lợn hơi năm ngoái chỉ có 37.000 đồng/cân, năm nay lên tới 72.000 đồng/kg. Nói ra điều này để thấy vàng chỉ tăng 30% nhưng thịt hơi tăng gấp đôi. Theo bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Giám đốc cơ sở giết mổ gia súc gia cầm Minh Hiền, hiện nay, giá lợn hơi tăng lên mỗi ngày một đến 2 giá, dù các lò mổ ở cơ sở bà đi thu gom lợn từ khắp nơi, nhưng cũng không cung ứng đủ ra thị trường Hà Nội, nhiều lò hiện đang phải đóng của vì không có hàng. Cũng theo bà Hiền, thịt lợn khan hàng tăng giá là do những người chăn nuôi nội đô hiện không còn, những vùng ven Hà Nội thì đang có tiền do được đền bù đất đai, vì vậy họ cũng không màng tới việc chăn nuôi. Bên cạnh đó, dịch lợn tai xanh khiến nhiều người chăn nuôi điêu đứng, vì vậy đa số họ để trắng chuồng đợi qua năm nay mới tiếp tục nuôi lợn. Nguồn hàng từ các trang trại lợn như: Con heo vàng, Con cò… chỉ cung cấp được 60- 70% cho nhu cầu của thị trường. Tăng giá do thu gom thịt lợn xuất sang Trung Quốc? Lí giải việc tăng giá thực phẩm, nhiều ý kiến cho rằng, giá tăng như vậy là do tác động từ nhiều yếu tố, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là nguyên liệu đầu vào tăng cao. Trong sản xuất nông nghiệp chăn nuôi của bà con phụ thuộc rất nhiều yếu tố, mà thức ăn chăn nuôi phần lớn là nhập bên ngoài, giá đầu vào tăng theo giá thế giới. Trong khi dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để nên khi có dịch sẽ ảnh hưởng ngay lập tức tới đàn lợn, khiến cung không đủ cầu. Một nguyên nhân nữa khiến thực phẩm trong nước bị tăng cao là do giá cả nguyên vật liệu ở Trung Quốc tăng cao nên rất nhiều thương lái Trung Quốc thu mua các loại thực phẩm trong đó có thịt lợn, do vậy làm tăng giá thịt lợn ở nước ta.
Trong báo cáo mới đây tại cuộc họp với Bộ Công thương, ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam xác nhận, phía Trung Quốc đang thu mua sắn lát và trứng vịt của Việt Nam qua các con đường tiểu ngạch. Ông Lịch chia sẻ, bản thân ông đã vô cùng ngỡ ngàng khi sang Quảng Đông thăm nhà máy thức ăn chăn nuôi nhưng thấy toàn sắn của Việt Nam. Việc họ tìm mua khiến giá sắn nguyên liệu trong nước được đẩy lên cao. Trước đây giá sắn lát chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, thì nay đã lên tới 6.000 – 7.000 đồng/kg; trứng vịt cũng đẩy lên tới hơn 3.000 đồng mỗi quả. Giá lên cao giúp nông dân tăng thêm thu nhập, tuy nhiên, ông Lịch lo ngại, giá nguyên liệu tăng sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên cao, từ đó tác động đến giá thực phẩm và cuối cùng chính người tiêu dùng sẽ “lãnh đủ”. Đứng ở góc độ phân tích và dự báo thị trường, đại diện Công ty CP phân tích và dự báo thị trường Việt Nam lại cho rằng, chưa thể kết luận việc thu mua này có bị ảnh hưởng đến giá tiêu dùng nhiều mặt hàng trong nước bị đẩy lên cao hay không. Vì thực tế gần đây, thức ăn chăn nuôi đang có nhiều biến động, cộng thêm trước đó là điều chỉnh giá xăng dầu… Điều này chỉ có thể khẳng định khi có được các bằng chứng cụ thể về giá, số lượng mua tại từng địa phương đối với từng mặt hàng. Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia của Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội, thời tiết bất ổn, thói quen sử dụng thịt lợn là thực phẩm chính trong các bữa ăn của người tiêu dùng Việt, kèm với việc thương lái Trung Quốc sang thu mua nông sản góp phần khiến nguồn cung trở nên hạn chế hơn. Cũng theo ông Phong, cần cung, giảm cầu và kiểm soát khâu phân phối để giá thu mua của thương lái và giá bán đến tay người tiêu dùng không bị chênh quá lớn. Tức là tăng nguồn cung tự nhiên từ các trại nuôi gia súc trong nước và mở rộng nhập khẩu khi cần, giảm xuất khẩu. Xuất khẩu thực phẩm giúp điều kiện phát triển kinh tế, nhưng trong tình hình nguồn cung trong nước còn chưa đáp ứng đủ thì chúng ta chưa nên đẩy mạnh hoạt động này. Mai Khôi |