Xả lũ cuốn trôi nhà dân: Đổ tội cho… trời!
Hơn 600 nhà dân bị ngập, sập, bị cuốn trôi hôm 17/9 cuối cùng được quy trách nhiệm cho… trời.
Ba tuần sau trận hồng thủy mang tên “xả lũ” của hồ chứa nước Ea Đrăng, huyện Ea H’leo (tỉnh Đắc Lắc), nhiều hộ gia đình vẫn phải thuê nhà, ở nhờ nhà người quen. Các hộ bị trôi nhà chỉ được hỗ trợ 7 triệu đồng. Hơn 600 nhà dân bị ngập, sập, bị cuốn trôi hôm 17/9 cuối cùng được quy trách nhiệm cho… trời.
Ngay sau khi thủy lợi Ea Đrăng xả lũ, hàng trăm nhà dân ngập trong biển nước. |
Chỉ hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ bị trôi nhà
Sáng 17/9, cả thị trấn Ea Đrăng nhốn nháo, hoảng loạn khi hồ thủy lợi Ea Đrăng trên suối Ea H’leo đột ngột xả lũ. Chỉ trong phút chốc, tại thị trấn Ea Đrăng và các xã hạ du đã có 14 căn nhà bị cuốn trôi, 6 nhà bị sập, 650 nhà bị ngập, nhiều tài sản của dân bị trôi hoặc hư hỏng, nhiều thôn xã bị cô lập… Cầu Ea Khal bị ngập sâu hơn 2m, khiến QL14 ách tắc với hàng trăm phương tiện ùn ứ trong mưa.
Ông Huỳnh Văn Thanh – tổ dân phố 3, thị trấn Ea Đrăng – bàng hoàng kể lại: “Đến 9h, nước ầm ầm đổ xuống, vợ chồng tôi chỉ kịp dắt hai đứa con chạy lên chỗ cao, nhìn xuống thấy căn nhà bị nước xé toạc và trôi mất tích”.
Căn nhà và toàn bộ tài sản bên trong trị giá hơn 700 triệu đồng, vợ chồng ông tích cóp mười mấy năm trời mới có được. Nhiều người dân bức xúc cho rằng, cho dù huyện có thông báo kiểu gì thì dân cũng không thể bứng cả cái nhà đi chạy lũ được, và rõ ràng nhà của họ đã bị cuốn trôi sau khi thủy lợi Ea Đrăng xả lũ.
3 tuần sau trận đại hồng thủy, gia đình ông Huỳnh Văn Thanh vẫn phải tá túc ở bến xe huyện, nhiều hộ khác phải thuê nhà, một số ở ghép nhà người quen. Các hộ bị trôi nhà cũng chỉ được hỗ trợ 7 triệu đồng, đơn xin đất tái định cư đến nay chưa được giải quyết.
“Xả lũ như vậy, dân thiệt hại là phải”
Đó là nhận định của ông Phạm Tiến San – Chi cục trưởng PCLBTKCN Đắc Lắc. Ông San cho rằng, người biên soạn quy trình vận hành hồ chứa Ea Đrăng không đủ năng lực chuyên môn, cấp thẩm định và phê duyệt không đúng thẩm quyền. Theo Nghị định 72/2007/NĐ – CP về quản lý an toàn đập, cấp phê duyệt là UBND tỉnh chứ không phải huyện.
Theo ông San, khi chưa xả lũ thì hạ du đã bị ngập một phần, đến lúc xả thì lũ chồng lũ, mà nếu có giải pháp xả lũ hợp lý thì đã giảm được thiệt hại cho hạ du. “Xả lũ khẩn cấp như vậy dân không kịp trở tay là phải, may họ xả ban ngày chứ ban đêm thì không biết trôi bao nhiêu mạng người rồi” – ông San nói.
UBND huyện Ea H’leo cho biết, do nguy cơ vỡ đập Ea Đrăng nên buộc phải xả lũ, trước khi xả có thông báo trên đài truyền thanh huyện, cử cán bộ trực tiếp đến khu vực xung yếu… Nhưng do suối Ea Đrăng bị bồi lắng, bị lấn chiếm làm nhà cửa nên dòng chảy thu hẹp, thoát lũ không kịp.
Ông Đinh Văn Khiết – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc – xác nhận, đơn vị quản lý hồ chứa chậm ứng phó, vận hành chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật là có thiếu sót, nhưng cơ bản do thiên tai nên người dân không thể đòi đền bù được. Như vậy bàn tới bàn lui, cuối cùng người dân cũng chẳng biết kêu ai.
Theo Lao động
(vtc.vn)