Thử “cân não” với các thí nghiệm tâm lý thú vị
Những khái niệm về triết học xưa nay được coi là “buồn ngủ” và “đau đầu” ở một mức độ nào đó. Và để cho đỡ “hại não”, chúng được minh họa bằng những thí nghiệm, trường hợp cụ thể. Nhưng ngay cả khi làm vậy thì kết quả cũng chưa chắc khá hơn. Những thí nghiệm tâm lý dưới đây có lẽ sẽ khiến nhiều người “mất ngủ” vì nghĩ quá nhiều.
1. Thí nghiệm “tù nhân tiến thoái lưỡng nan” (Prisoner’s Dilemma)
Lý thuyết này gọi là “thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân”- một ví dụ kinh điển trong Game theory (lý thuyết trò chơi). Nội dung trò chơi như sau, có 2 kẻ phạm tội A và B bị bắt, nhưng cảnh sát không có chứng cớ. Cảnh sát sẽ tra khảo từng người riêng biệt và đưa ra cho họ 2 sự lựa chọn: giữ im lặng hoặc nhận tội.
Nếu A nhận tội mà B giữ im lặng, A sẽ được tự do, tội vạ đâu B chịu. Tương tự với trường hợp B nhận tội và A giữ im lặng – B tự do, A chịu án 10 năm tù. Nếu cả hai cùng nhận tội, họ sẽ được hưởng lượng khoan hồng với hình phạt nhẹ hơn – 2 năm tù. Nếu cả 2 giữ im lặng, cả 2 đều bị phạt tù 1 năm. Thời hạn đưa ra quyết định là một đêm.
Vấn đề mấu chốt ở chỗ, A và B sẽ không được tiếp xúc trao đổi, tức là không thể đồng lõa, người này không biết người kia chọn gì. Chúng ta sẽ không thể đưa ra “lựa chọn đúng” khi thiếu thông tin.
Trong trường hợp này, lựa chọn lý tưởng sẽ là cả hai cùng giữ im lặng để hưởng mức án thấp nhất, nhưng tất cả các phương án đều khiến người trong cuộc nghĩ rằng “mình phải nhận tội”.
Mục đích của thí nghiệm này để chỉ ra vai trò của thông tin. Chúng ta không thể đưa ra lựa chọn đúng khi không đầy đủ thông tin, hay còn gọi là “chênh lệch thông tin”.
Thí nghiệm này cũng được đề cập đến các môn học rộng hơn như khoa học xã hội – kinh tế học, chính trị, xã hội học… Không rõ người khác ra sao, nhưng có ít nhất hai tù nhân sẽ phải mất ngủ khi tham gia thí nghiệm này.
2. Thí nghiệm “cỗ máy kinh nghiệm”
Thí nghiệm này do nhà nghiên cứu Robert Nozick thực hiện và nó đặt ra một dấu hỏi lớn về khả năng thành hiện thực của bộ phim nổi tiếng “Ma trận”. Trong bộ phim “Ma trận”, loài người đã bị máy móc thống trị và đều sống trong một thế giới “ảo” do máy tính lập ra.
Triết gia Nozick đã đặt ra trường hợp nếu tồn tại một “cỗ máy truyền kỹ năng” thì liệu chúng có đủ khả năng truyền thụ bất kỳ kiến thức, kinh nghiệm cần thiết hay không.
Cỗ máy này rất hoàn hảo, nó có thể kích thích não bộ, đủ để con người ta nghĩ và cảm nhận bất kì điều gì. Nhưng cuộc sống thực tế của con người chỉ nằm trong một cỗ máy. Và câu hỏi đặt ra là, liệu bạn có muốn được kết nối với cỗ máy đó, được sống một cuộc sống được lập trình trước và không hề biết tất cả chỉ là thế giới ảo?
Về cơ bản, có rất nhiều lí do chính đáng để kết nối với máy và sống cuộc sống ảo. Vì xét cho cùng, mỗi người trên đời đều hướng đến một cuộc sống lý tưởng nhưng cuộc sống thực tế hàng ngày lại ngập tràn mệt nhọc trong công việc, học tập và lao động. Vậy nên với nhiều người, sẽ không có lý do gì để từ chối một cuộc sống hoàn hảo dù cho nó là nhân tạo.
Nhưng vấn đề là chúng ta sẽ ra sao nếu không có sự trải nghiệm “thực sự” đến từ thực tế hay cảm giác mới lạ khi không biết trước tương lai? Qua thí nghiệm này, triết gia Nozick đã cố gắng để mọi người nhận ra, dù có tồn tại một cỗ máy như vậy, họ sẽ chọn sống cuộc sống thực, thay vì kết nối với nó.
3. Thí nghiệm “xe lửa mất lái”
Học giả Philippa Foot đã thực sự khiến nhiều người “hoa mắt” khi đưa ra trắc nghiệm tâm lý liên quan đến “phạm trù đạo đức” này. Bạn thử tưởng tượng có một chiếc xe lửa bị mất lái và đang đi với tốc độ… tên lửa, còn bạn là người điều khiển bộ phận chuyển ray.
Bạn có thể chuyển xe lửa vào một trong hai đường ray A và B. Đường ray A đang có 5 người, và đường ray B có một người. Câu hỏi đặt ra là bạn sẽ để nguyên hay chuyển xe lửa vào đường ray B? Nói cách khác, bạn sẽ hy sinh 1 để cứu 5 người, hay ngược lại?
Những người theo chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism) luôn tìm cách tối đa hóa lợi ích, hay nói cách khác là hầu hết chúng ta đều sẽ chọn hi sinh 1 người để cứu lấy 5. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình khi bạn cắt bỏ quyền lợi chính đáng của một người vì quyền lợi cho 5 kẻ khác.
Nhưng một giả thuyết khác thực tế hơn được đặt ra, nếu bạn biết 5 người trên đường ray A là những tên tội phạm, mafia, kẻ côn đồ, hay kẻ chuyên ăn bám xã hội… thì bạn sẽ lựa chọn ra sao?
Thí nghiệm này cho thấy sự phức tạp trong phạm trù đạo đức khi ta phải lựa chọn “giết một người” hay “để mặc họ chết”. “Đúng” hay “sai” thực sự không hề đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ.
4. Thí nghiệm con nhện trong bồn tiểu
Thí nghiệm này có xuất phát điểm từ bài luận của nhà nghiên cứu Thomas Nagel: “Sinh ra, chết đi, và ý nghĩa của cuộc sống”. Nó đặt ra các vấn đề sự không – can – thiệp và ý nghĩa của sự sống.
Thomas Nagel nảy ra ý tưởng bài luận của mình khi ông nhìn thấy một chú nhện sống trong bồn tiểu tại phòng vệ sinh nam thuộc ĐH Princeton (Mỹ) – nơi ông giảng dạy. Ông cảm thấy cuộc sống của chú nhện thật tồi tệ, hàng ngày bị con người “tưới nước thánh” lên và có vẻ chú không thích điều đó.
Trong thâm tâm ông vẫn nghĩ, có thể đây là môi trường sống của chú nhện, nhưng thực tế, chú nhện bị mắc kẹt trong bồn tiểu bằng sứ và không thể ra ngoài dù có muốn. Vậy nên một ngày, ông quyết định giải phóng chú nhện bằng một chiếc khăn và đặt chú xuống sàn nhà. Nhưng chú nhện chỉ đứng đó không di chuyển dù có tác động bên ngoài. Ngày hôm sau, Nagel tìm thấy con nhện tại đúng vị trí đó nhưng đã chết.
Có thể thấy, Nagel đã có hành động thể hiện sự thương cảm, mong muốn giải cứu chú nhện, cho chú cơ hội được tận hưởng cuộc sống bên ngoài bồn cầu, nhưng thực tế lại không như vậy. Kết quả cuối cùng ông nhận được là con nhện đã chết, điều này đồng nghĩa việc ông đã làm hại con nhện.
Cái “đau đầu” của thí nghiệm này là nó buộc chúng ta phải suy nghĩ về chất lượng và ý nghĩa của cuộc sống, không chỉ của động vật mà của con người. Câu hỏi là làm sao để biết mọi người “thực sự” muốn gì?
Cuộc sống hiện nay có “thực sự” đem lại điều tốt đẹp cho bản thân – như chú nhện sống trong nước tiểu và chúng ta hoàn toàn hài lòng với điều đó? Điều này đặt ra dấu hỏi cho những hành động trong đời sống, thậm chí rộng ra là chính sách của chính quyền, nhà nước. Dù cho mục tiêu tốt nhưng điều đó không có nghĩa là kết quả sẽ tốt, ý định tốt, nhưng có thể gây tác hại không lường trước được.
(kenh14.vn)