Dân số thế giới sẽ lên 9,7 tỷ người năm 2050
Dân số của thế giới sẽ tăng lên mức 9,7 tỷ người vào năm 2050 so với con số 7,1 tỷ người hiện tại và Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất hành tinh, một nghiên cứu của Pháp dự báo.
Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông nhất thế giới.
Báo cáo được công bố 2 năm một lần của Viện nghiên cứu nhân khẩu học Pháp (Ined) dự báo rằng sẽ có khoảng từ 10-11 tỷ người sống trên trái đất vào cuối thế kỷ 21.
Các dự báo của Ined tương đương với các dự báo của Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới (WB) và và viện uy tín khác.
Hồi tháng 6, một nghiên cứu của Liên hợp quốc nói rằng dân số thế giới sẽ tăng lên 9,6 tỷ người vào năm 2050 và tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng vọt từ mức 841 triệu hiện nay lên 2 tỷ người vào năm 2050 và gần 3 tỷ vào năm 2100.
Theo Ined, châu Phi sẽ là nơi sinh sống của1/4 dân số thế giới vào năm 2050, với 2,5 tỷ người, tăng hơn gấp đôi so với mức 1,1 tỷ người hiện nay.
Gilles Pison, tác giả của bản báo cáo, cho hay tỷ lệ sinh tại châu Phi là khoảng 4,8 con/bà mẹ, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 2,5 con/bà mẹ.
Dân số Mỹ sẽ tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050 so với mức 958 triệu người hiện tại. Còn dân số của châu Á sẽ tăng từ 4,3 tỷ người lên 5,2 tỷ người vào năm 2050, Ined dự báo.
Các quốc gia đông dân nhất thế giới hiện tại là Trung Quốc với 1,3 tỷ người, sau đó là Ấn Độ là 1,2 tỷ người, Mỹ là 316,2 triệu người, Indonesia là 248,5 triệu người và Brazil là 195,5 triệu người.
Nhưng vào năm 2050, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,6 tỷ người, tiếp sau là Trung Quốc – 1,3 tỷ người.
An Bình Theo AFP
Nguồn: Dân Trí