Khám phá ‘Động Phong Nha’ của miền Tây
Núi Đá Dựng, tên chữ là Châm Nham Lạc Lộ gắn với truyền thuyết khi đến khai mở đất Hà Tiên, thấy thỉnh thoảng nông dân nhặt được ngọc quý trên núi, nên Mạc Cửu đã đặt tên cho núi là Châu Nham – núi ngọc.
Núi cao khoảng 100m, trông giống hình tam giác cân toạ lạc giữa ruộng lúa bao la thuộc xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang. Có hai hướng để đến đây, một là trên đường đến Thạch Động có ngã rẽ ra đồng, rẽ vào hướng đó, đi thêm gần 2km là tới. Đường thứ hai là sau khi qua khỏi Thạch Động, hướng về cửa khẩu Xà Xía có đường đất đỏ rẽ vào.
Từ xa, núi trông như một khối dính liền, xanh ngát màu xanh cây cỏ, nhưng khi đến gần, núi được kiến tạo bởi nhiều lớp đá vôi, qua thời gian, bị nước biển xâm thực lồi lõm tạo thành khoảng 14 hang động lớn và nhiều hang động nhỏ liên thông như một mê cung. Mỗi động có một vẻ đẹp riêng và được đặt tên dựa theo 3 nguyên tắc: truyền thuyết, hình dạng đá thạch nhũ và cảm giác của động mang lại cho du khách khi khám phá.
Dựa vào truyền thuyết có các động như động Cội Hàng Da, được cho rằng là nơi sinh sống của Thạch Sanh, cũng là nơi chàng giương cung bắn con chim đại bàng đang cắp công chúa khi nó bay ngang qua. Động Lầu Chuông, nơi Thạch Sanh bị Lý Thông giam giữ sau khi cứu được công chúa.
Vừa thất vọng về người anh kết nghĩa, vừa buồn nhớ đến công chúa, chàng giải khuây bằng cách gõ vào các thạch nhũ. Không ngờ đá phát ra những âm thanh trầm bổng, ai oán như nỗi lòng của chàng. Bài ca theo gió đến tận cung đình, vang đến tai công chúa. Biết được nỗi lòng và nơi giam giữ Thạch Sanh, nàng bèn nhờ vua cha đến giải thoát cho chàng.
Hang động gắn với những tạo hình thạch nhũ như động Dơi có những thạch nhũ hình bình hồ lô, động Thần Kim Quy với khối đá màu vàng hình con rùa đang ngẩng đầu, động Bồng Lai có hình bàn tay Phật in ở vách đá hay động Sám Hối, có một tượng đá to như hình nhà sư đang cúi đầu vào vách đá trầm tư.
Những động dựa vào cảm giác của du khách như động Cổng Trời càng đi sâu, động càng nhỏ, mang đến cảm giác đang đi sâu vào lòng đất âm u, nhưng thật ra, động ăn dần lên cao và thông ra khoảng không đầy ánh sáng bên ngoài.
Động Xã Lộc Kỳ có hai “giếng trời” như nắp động thông lên bên trên với dây leo, hằn rõ lên vách đá vôi có hình vân kỳ lạ. Động Trống Ngực, khi du khách đưa tay vỗ vào ngực, thì vách động dội lại thanh âm giống như tiếng trống…
Để chinh phục tất cả 14 động, du khách mất khoảng từ 1 -2 giờ đi theo cầu thang ôm lượn theo suốt chiều dài của ngọn núi dài gần 3.200m. Đường lên núi cực đẹp với những rễ cây buông thõng, bốn bề là đồng bằng bao la, trái ngược với cảm giác âm u, lành lạnh trong lòng động nên sau khi khám phá một động bất kỳ.
Động Khổ qua. |
Động Bồng Lai. |
Động Thần Kim Quy. |
Những đồng bằng bao la quanh núi Đá Dựng. |
An Huỳnh
Theo Bưu Điện Việt Nam