3 câu chuyện ngắn thấm thía của nhà văn bị chính quyền coi là “bám gót nước ngoài” – Mạc Ngôn
Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, văn học nghệ thuật không phải là thứ công cụ dùng để hát bài ‘ca tụng’. Bởi vậy, không có tác phẩm nào của ông ca ngợi cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, hầu như tất cả đều phơi bày “mặt tối” của thực tế xã hội.
Mạc Ngôn là một nhà văn người Trung Quốc rất nổi tiếng, vốn xuất thân từ nông dân. Ông được thế giới biết đến qua tác phẩm “Cao lương đỏ” đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim. Sau đó, bộ phim đạt giải “Cành cọ vàng” tại Liên hoan phim Cannes năm 1994. Năm 2012, ông nhận giải Nobel Văn học danh giá.
Ở Việt Nam, Mạc Ngôn đã từng làm nên cơn sốt sách. Cách đây chừng 10 năm, độc giả Việt “săn lùng” Mạc Ngôn, sưu tầm Mạc Ngôn với những cuốn sách gây ám ảnh như “Đàn hương hình”, “Cây tỏi nổi giận”, “Rừng xanh lá đỏ”, “Báu vật của đời”, “Cao lương đỏ”… Ở Mạc Ngôn, người đọc nhìn thấy dũng khí của một cây viết vừa cay đắng vừa hài hước, vừa đả kích vừa xót xa.
Vào tháng 7 năm nay, hội Nhà văn Trung Quốc, tờ báo Đảng “Quang Minh nhật báo” và các tổ chức có thẩm quyền chính thức khác cùng với các phương tiện truyền thông trung ương đã chính thức loại nhà văn Mạc Ngôn ra khỏi danh sách “Các nhà văn Trung Quốc danh tiếng của 100 năm” vì không mang theo “gien đỏ” cách mạng, lại còn có xu hướng “bám gót nước ngoài”.
Truyền thông Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cùng lúc đã đăng các bài quan trọng, nhấn mạnh rằng văn học và nghệ thuật phải phục vụ ĐCSTQ. Nhấn mạnh rằng, phàm là những tác phẩm bôi đen chống phá Trung Quốc đều thiếu “gien đỏ” phải bị vứt bỏ.
Các tác phẩm của Mạc Ngôn đã phần lớn phơi bày mặt tối của xã hội Trung Quốc. Ông từng nói: “Nói sự thật là phẩm chất đáng quý của một nhà văn. Nếu nhà văn không dám nói thật thì nhà văn ắt phải nói dối, như vậy anh ta vô nghĩa đối với xã hội, đối với nhân dân…”
“Tôi nghĩ văn học, nghệ thuật không bao giờ là công cụ để tụng ca, văn học, nghệ thuật phải vạch trần bóng tối, phải vạch trần sự bất công xã hội, bao gồm cả việc vạch những u tối trong tâm hồn con người”. Bởi vậy, khẩu hiệu sáng tác của Mạc Ngôn dành cho bản thân là: “Tả nhân tính, nói lời thật”.
Dưới đây là 3 câu chuyện ngắn mà ông đã kể lại, rốt cuộc đó là “tả thực” hay “bám gót nước ngoài”, chúng ta hãy cùng nhau cảm nhận.
Câu chuyện thứ nhất
Trong những năm 1960, khi tôi học lớp ba, nhà trường tổ chức cho chúng tôi đến tham quan một triển lãm về sự đau khổ. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, chúng tôi đều đã khóc.
Để giáo viên có thể nhìn thấy biểu hiện tốt của tôi, tôi thậm chí đã không nỡ lau đi nước mắt trên khuôn mặt của mình.
Tôi còn thấy một số bạn cùng lớp lén lút bôi nước bọt lên mặt để giả mạo thành nước mắt.
Tôi cũng để ý thấy xen giữa những bạn khóc thật khóc giả đó, có một bạn không có một giọt nước mắt nào trên khuôn mặt, miệng cũng không phát ra âm thanh, cũng không dùng tay che mặt. Cậu ta tròn mắt nhìn chúng tôi, trong ánh mắt còn toát ra thần sắc kinh ngạc và bối rối.
Ngay lập tức, tôi đã báo cáo hành vi của bạn học đó cho giáo viên. Vì lý do này, nhà trường đã đưa ra một hình phạt cảnh cáo cho bạn cùng lớp ấy.
Nhiều năm sau, khi tôi sám hối với giáo viên về hành vi “mật báo” của mình, giáo viên nói rằng ngày hôm đó có hàng chục bạn cùng lớp đã đến để báo cáo với thầy về chuyện này.
Người bạn cùng lớp đó đã mất hơn 10 năm trước. Mỗi khi nghĩ về cậu ấy, tôi lại cảm thấy tội lỗi sâu sắc.
Điều này khiến tôi nhận ra một đạo lý: “Khi tất cả mọi người khóc, một số người nên được phép không khóc. Khi khóc trở thành một màn biểu diễn, thì nhiều người cũng nên được phép không khóc”.
Câu chuyện thứ 2
Hơn 30 năm trước, tôi vẫn còn công tác trong quân đội. Một buổi tối nọ, khi tôi đang đọc sách trong văn phòng thì có một vị từng là thủ trưởng đẩy cửa tiến vào, nhìn thoáng qua chỗ vị trí đối diện của tôi, tự nhủ “Ồ, không có người”.
Tôi lập tức đứng lên, cao giọng nói: “Chẳng lẽ tôi không phải là người hay sao?”.
Vị thủ trưởng kia bị tôi làm cho một phen đỏ mặt tía tai, xấu hổ mà rời đi.
Vì chuyện này, tôi dương dương đắc ý hồi lâu, cho rằng mình là một chiến sĩ anh dũng. Nhưng sau nhiều năm, tôi lại cảm thấy vô cùng áy náy.
Câu chuyện thứ 3
Đây là những gì ông nội đã kể với tôi từ nhiều năm trước. Có 8 thợ xây đi ra bên ngoài làm việc, trên đường đi, vì gặp cơn mưa lớn mà cùng nhau trú trong một ngôi đền đổ nát.
Bên ngoài tiếng sấm vang lên liên hồi, còn có một đám cầu lửa bay qua lại, trên không trung tựa hồ như còn có tiếng rồng đang gầm rú.
Tất cả mọi người trong lòng đều run sợ, mặt mày tái xanh. Có một người nói: “Trong 8 người chúng ta nhất định phải có một người đã từng làm những chuyện thương thiên hại lý. Ai đã từng làm chuyện xấu, hãy tự mình đi ra ngoài để nhận trừng phạt, tránh để người tốt phải bị liên lụy”.
Đương nhiên là không ai nguyện ý đi ra ngoài. Một lúc lại có người đề nghị: “Nếu tất cả mọi người đều không muốn rời đi, vậy thì chúng ta hãy cùng ném mũ rơm ra phía cửa miếu. Nếu mũ rơm của ai bị thổi ra ngoài, có nghĩa là người đó đã làm điều xấu, vậy thì mời anh ta ra ngoài để chịu trừng phạt”.
Mọi người liền lấy mũ rơm của mình ném ra phía cửa miếu. Mũ rơm của 7 người đã bị gió thổi trở lại trong miếu, chỉ có mũ rơm của một người bị cuốn ra ngoài.
Mọi người liền thúc giục người này đi ra ngoài chịu phạt, nhưng anh ta nhất quyết không muốn đi, mọi người liền túm lấy anh ta ném ra khỏi miếu. Nhưng thật không ngờ, người này vừa bị ném ra ngoài, ngôi miếu đột nhiên ầm ầm sụp đổ.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times)