“Chết“ vì… đơn thuốc
Phía sau viên thuốc là trăm ngàn dịch vụ “ăn theo” và vô số câu chuyện đáng bàn… Cơ quan hữu trách và quản lý trong lĩnh vực y tế đã không ít lần đưa câu chuyện này ra bàn luận, hàng ngàn kế sách cũng đã được hiến để chấn chỉnh hoạt động này. Vậy nhưng, “nhập nhèm” vẫn “nhập nhèm”… Và người bệnh vẫn phải ngày ngày gánh chịu những hậu quả nặng nề do sự “nhập nhèm”, “không minh bạch” này mang lại.
Bác sỹ bán thuốc, dược sỹ kê đơn…
Theo quy định của Bộ Y tế, bác sỹ (BS) có nhiệm vụ khám chữa bệnh và kê đơn, dược sỹ (DS) thì bán thuốc, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc. Nhưng trong thực tế, quy trình lại bị đảo ngược hoàn toàn. Vì thế, tình trạng, BS bán thuốc, DS chẩn đoán bệnh, kê đơn thuốc là khá phổ biến.
Một BS đã về hưu, chủ một phòng khám tư nhân ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, tuy mở phòng khám đấy, nhưng ông không hề lấy tiền khám, mà quan trọng là bán thuốc vì bán thuốc thu được lợi nhuận cao hơn. Hơn nữa, BN toàn là người làng, lấy tiền khám cũng mang tiếng.
Sử dụng bừa bãi kháng sinh rất nguy hiểm |
Cũng qua những chia sẻ tận đáy lòng của ông tôi được biết, có một “độc chiêu” mà ông và rất nhiều lương y vẫn thường làm là xé lẻ các viên thuốc ra khỏi vỉ hoặc lọ rồi gói vào từng gói để bán cho BN. Để BN khỏi quên, họ đánh thứ tự 1,2,3 chứ không ghi tên thuốc.
Việc làm này, không chỉ tránh BN biết tên thuốc, từ đó tra cứu giá cả, vừa thu được lời lãi lớn. Bởi, thực chất giá cả những viên thuốc đó không có gì là đắt đỏ, nhưng nếu biết kết hợp tốt, thuốc sẽ phát huy tác dụng, đánh lừa được người tiêu dùng.
Ví dụ một vỉ thuốc tránh thai (thuốc nội tiết) rất rẻ, thậm chí được trợ giá, nhưng xé lẻ ra phối hợp với 1,2 loại thuốc bổ khác bán cho BN để trị bệnh liên quan đến nội tiết, rong kinh, phụ khoa… rất hiệu nghiệm. Chiêu thức này thường được các thầy thuốc vùng sâu, xa, tỉnh lẻ áp dụng khá nhiều.
Văn bản pháp lý quy định, có bằng DS mới được mở cửa hàng thuốc, bán thuốc, nhưng không có bằng thì “mua”, hoặc “thuê”… Thường thì, khảo sát của phóng viên cũng như kết quả các cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, lỗi DS không có mặt ở quầy thuốc lúc kiểm tra là khá phổ biến.
Nhiều lắm họ chỉ đứng quầy 1,2 lần trên tuần, hoặc khi nào có đợt thanh, kiểm tra thì mới đến. Một thanh tra viên còn tiết lộ, các hiệu thuốc thường bán thuốc vượt quá phạm vi cho phép vì như thế mới lãi (ví như DS trung cấp chỉ được bán các thuốc từ a đến d, nhưng họ bán tất tật từ a đến z).
Chính bởi vậy, nhiều lần thanh, kiểm tra, các thanh tra viên đã cho kiểm tra trình độ của các DS, thật đáng lo ngại khi có người còn không đọc nổi tên thuốc, nhiều người bán thuốc nói họ chỉ kê và bán thuốc theo cảm quan, thói quen hoặc theo đề nghị của người mua… Thế mới biết, dân ta liều lĩnh đến độ nào.
Kê càng nhiều, càng… kiếm lắm
Theo các chuyên gia y tế cho hay, một đơn thuốc phải đảm bảo rất nhiều yếu tố: Hướng dẫn sử dụng rõ ràng, dễ hiểu; rẻ tiền nhưng hiệu quả sử dụng cao; hạn chế tối thiểu số lượng thuốc kê… Thế nhưng, thực tế không hẳn như thế.
Thường thì chữ BS rất xấu, khó đọc, nhiều khi BN “vác” đơn thuốc đó đi khắp nơi nhưng không ai biết đó là thuốc gì, muốn gặp để hỏi lại cho rõ thì không biết tìm BS ở đâu, hoặc kiểu gì cũng bị mắng nên ít ai dám hỏi. Cũng có trường hợp BS kê biệt dược, bệnh nhân chỉ có thể tìm mua ở hiệu thuốc mà vị thầy thuốc đó chỉ, chứ không thể tìm ở chỗ khác…
Đối với yêu cầu hạn chế kê nhiều thuốc cũng vậy. PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, nhiều nghiên cứu đã khẳng định: “Đơn thuốc tốt nhất là kê ít thuốc nhất”, bởi đơn thuốc càng đơn giản bệnh nhân càng dễ tuân thủ sử dụng.
Nguyên tắc là như thế, nhưng thực tế đơn thuốc phổ biến nhất là từ 4-5 loại, thậm chí có BS kê cho bệnh nhân tới gần chục loại thuốc, trong đó có không ít loại là thực phẩm chức năng… để “chung chi” hoa hồng với nhà thuốc, hãng dược…
Sợ không khỏi bệnh, nhiều bệnh nhân dù điều kiện không mấy dư dả nhưng cũng cố tìm mua đầy đủ các loại thuốc mà BS đã kê để uống, mà không biết rằng, việc làm đó không những không có ý nghĩa gì mà còn gây ra những biến chứng, tác dụng phụ không thể lường trước.
Tội vạ đầy rẫy, ai chịu???
Ai cũng đã từng nghe đến những khuyến cáo về tình trạng kháng thuốc, đặc biệt là kháng kháng sinh. Và danh sách bệnh nhân bị kháng thuốc ngày càng dài thêm, khi đạo đức của người thầy thuốc, bán thuốc càng bị suy giảm; thói quen sử dụng thuốc của người dân càng tùy tiện… Nhưng, ít tai biết rằng, mức độ và hậu quả của tình trạng trên nghiêm trọng đến thế nào.
Không chỉ bản thân người bệnh bị kháng thuốc, các loại vi khuẩn trong cơ thể họ sẽ sinh sôi nảy nở và tiếp tục truyền gen đề kháng sang các loại khác, rồi lây lan sang những người khác trong gia đình và lan rộng ra cộng đồng thông qua con đường nhiễm khuẩn BV.
Cùng với đó là hàng triệu, hàng vạn bệnh nhân bị biến chứng, ảnh hưởng sức khỏe do tác dụng không mong muốn của thuốc… Thực trạng này cho thấy, đã đến lúc bộ chủ quản phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế và tồn tại trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Dược của mình để kịp thời chấn chỉnh, giải quyết và khắc phục, nếu không sẽ quá muộn.
Thuốc bán theo đơn, nghĩa là có đơn thuốc với đầy đủ ký tá của bác sỹ thì người bệnh mới đi mua thuốc và người bán thuốc mới bán khi có đơn. Chuyện đơn giản này “Tây” đã làm chặt hàng mấy chục năm nay. Nghĩa là không có đơn thì “đừng hòng” đi mua được thuốc. Làm vậy sẽ tốt cho người bệnh, chống nguy cơ kháng thuốc và giảm thiểu các tác hại khác do sử dụng thuốc bừa bãi. Còn ở Việt Nam, chẳng cần đơn toa, cứ có tiền, mua thuốc gì cũng được. Kể cả những kháng sinh nguy hiểm hay thuốc hướng thần. Thực trạng này tồn tại dai dẳng mà chưa thấy bất kỳ động thái quản lý nào từ các cơ quan chức năng, nhất là ngành Y tế… |
Theo L.Q (Phapluatvn.vn)