Đua nhau dỡ nhà, bán ‘gỗ mục’ giá bạc tỷ
Hàng chục hộ dân ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đắc Lắc) bỗng dưng có tiền tỷ chỉ với việc tháo dỡ cột nhà, cọc tiêu, chuồng trâu… rồi mang bán.
Chính quyền huyện cũng rối như canh hẹ, huy động hết các ban ngành vào cuộc mà vẫn chưa biết hành xử thế nào với hiện tượng xưa nay chưa từng có, bèn ra lệnh… tạm dừng mua bán khiến người dân bức xúc.
Hơn 30 năm sau lần di cư vào Tây Nguyên, phần lớn những đồng bào Tày – Nùng quê Bắc Cạn định cư ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đắc Lắc) vẫn còn rất nghèo. Họ làm thủy lợi nhỏ, nhặt đá khai hoang ruộng nước, lên đồi trồng ngô, trồng sắn suốt mấy chục năm nay cũng chỉ đủ ăn.
Ở cái xã mới ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn này, của chìm của nổi đâu chẳng biết, nhưng giàu nghèo phân biệt rất rõ ở cái nhà. Người giàu ở biệt thự, trung lưu xây nhà cấp bốn, hộ nghèo ở nhà gỗ.
Song, trong những nhà gỗ lụp xụp, nền đất hoặc ximăng, mái ngói hoặc tôn ấy đều ít nhiều… có gỗ trắc. Rồi vài tháng nay, những người nghèo bỗng nhao nhao, mất ăn mất ngủ khi có người đến hỏi mua nhà gỗ với số tiền mà họ chưa bao giờ dám nghĩ đến.
Một khúc gỗ trắc bằng cổ chân thì 500.000 đồng một cân, loại đường kính từ đủ 15cm trở lên thì một triệu, triệu rưỡi một cân. Trắc là loại gỗ nặng nhất trong các loại gỗ, một cái cột ngắn hai người khỏe mạnh khiêng mệt nghỉ, dễ bảy tám mươi cân. Và hiện ở Ea Tam, mỗi nhà có vài chục cái cột như thế. Nó như một “phép lạ” biến những người nghèo ở Ea Tam thành tỉ phú chỉ sau một đêm.
Bỗng dưng thành… tỷ phú
Mặc dù đã sắm đủ vật tư chờ ngày khởi công, nhưng việc xây căn nhà mái Thái dự kiến đến 800 triệu đồng đối với gia đình ông Vi Quốc Chấn – ở thôn Tam Hiệp – vẫn như một giấc mơ. Cũng bởi đất đai cằn cỗi, sức người có hạn nên gần 30 năm lập nghiệp ở Ea Tam, ông Chấn vẫn chưa thoát nghèo.
Từ ngày bà vợ bị tai biến, liệt giường mấy năm rồi khuất núi, một mình ông cáng đáng nuôi 4 đứa con. Nay 3 đứa sau đã dựng vợ gả chồng mà chưa có đất ra riêng, thằng lớn mới tốt nghiệp bác sĩ về mở mặt cho cả họ, nhưng cửa ải xin việc vẫn còn phía trước.
Bởi vậy, chưa bao giờ ông Chấn nghĩ đến việc xây nhà. Cách đây vài tuần, có mấy người lạ ăn mặc sang trọng, đi xe hơi bóng nhoáng, khoác những chiếc túi to đựng đầy tiền vào nhà ngó nghiêng, chỉ chỏ. Họ bảo nhà ông có 21 cái cột với một cái xà bằng gỗ trắc, bán mạo 1,5 tỷ đồng, khỏi cân. Ừ thì khỏi cân, cân làm gì mấy cái cột đen đúa, cong queo, đến người ta mua làm gì cũng chẳng biết…
Những ngôi nhà mục nát được dỡ xuống bán gỗ với giá bạc tỷ |
Có ai ngờ cái nhà gỗ thấp tè, phình to – biểu hiện của sự nghèo khó, chậm tiến – do ông và họ hàng lên rừng đẵn gỗ về tự tay đục đẽo, xẻ ván từ 20 năm trước lại nhiều tiền đến thế. Ở đây các hộ khá giả đều làm nhà xây mái Thái tận bao nhiêu năm, nhà gỗ của họ đã dỡ ra đun bánh giầy, bánh khảo từ cái thời xa lắc rồi.
Nghĩ vậy ông Chấn bán ngay, lằng nhằng sợ người mua đổi ý. Mà cũng có thể lắm, cả cái xã vừa ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn này còn bao nhiêu là hộ nghèo ở nhà gỗ trắc, đâu chỉ mình ông. Thế là sáng hôm sau, người mua đến dỡ nhà, chất gỗ thành đống rồi đếm đủ số cột gỗ trắc với một cái xà, số gỗ ván còn lại cho không gia chủ.
Ông Chấn dựng lại thành cái nhà nhỏ, thấp hơn trên nền cũ ở tạm, chờ xây nhà mới. Kéo tôi vào nhà, dưới ánh sáng lờ mờ của bóng đèn tiết kiệm điện, ông Chấn chỉ vào một đống lù lù phủ bạt ngay giữa nhà, nói thì thào như sợ kẻ gian nghe: “Tôi vẫn còn nhiều, lúc bán nhà thấy tiền nhiều quá, quên mất cái này”.
“Cái này” là gỗ trắc tháo dỡ từ chuồng trâu, cọc tiêu, máng lợn… Hóa ra số tiền của ông còn nhiều hơn 1,5 tỷ đồng, nên mới dám làm cái nhà 800 triệu. “Cái này” cũng gần tỷ bạc, ông để dành mua đất cho con cái ra riêng, lại còn ông bác sĩ… “Cái này” cũng phải giấu kỹ như vàng, sơ sẩy là mất trộm.
Mà mất thật chứ chẳng chơi, như nhà ông Đinh Thiện Tú ở lối trên. Từ khi biết khúc gỗ sần sùi vứt sau nhà cả chục năm là “cục vàng”, đêm nào ông Tú cũng xích hai con chó dữ vào đó. Hễ chó sủa là thức dậy nghe ngóng, chó sủa lâu là cầm đèn ra xem chừng khúc gỗ. Một hôm chó không sủa, cả nhà ngủ mê mệt đến gần trưa, thức dậy ai cũng kêu nhức đầu. Sực nhớ “cục vàng” sau nhà, ông Tú chạy ra chỉ thấy hai chú chó say sưa ngủ, “cục vàng” đã biến mất.
“Nó đánh thuốc mê cả người lẫn chó, mang cả xe công nông vào chở khúc gỗ đi mới sợ chứ” – ông Tú kể. “Cục vàng” này đường kính hai gang tay, dài mét rưỡi, bán rẻ cũng bảy tám chục triệu – bằng gia đình ông Tú cày cuốc cả năm.
Vậy mà vợ chồng khổ chủ vẫn không đánh chửi nhau, không buồn bã bỏ ăn như lần ra huyện mua cái tivi về dọc đường rơi hỏng cách đó chưa lâu. Bởi khúc gỗ đó chỉ là cái cột thừa ra lúc làm nhà, mà cái nhà to vật vã toàn cột gỗ trắc. Chỉ có điều mấy hôm nay, những chiếc xe hơi bóng lộn không thấy lượn lờ khắp thôn xóm, chính quyền có lệnh cấm mua bán nhà gỗ trắc.
Ông Tú và nhiều gia đình khác chỉ biết ngẩn ngơ nuối tiếc, không hiểu vì sao cái “phép lạ” kỳ diệu giúp dân nghèo thành tỷ phú lại bị cấm đoán. Tưởng tôi là “cò” gỗ thật, ông Tú gạ gẫm: “Mấy chú cứ đặt cọc đây ít tiền, khi nào thuận lợi ta tính tiếp, dân bán tài sản hợp pháp sao cấm mãi được”.
“Phép lạ” bị… tuýt còi
Ông Nguyễn Ngọc Thuận – Chủ tịch UBND xã Ea Tam – cho biết, từ tháng 3.2013 đến nay, toàn xã có 30 hộ bán cột nhà hoặc cọc tiêu, hàng rào bằng gỗ trắc. Khi bán xã có xác nhận hộ khẩu, Hạt Kiểm lâm về xác minh, chuyển Chi cục Thuế huyện thu thuế là cho đi. Nhưng ngày 16.8, Hạt Kiểm lâm lại có công văn đề nghị xã tổng hợp các hộ dân có nhu cầu bán gỗ trắc đã qua sử dụng báo cáo huyện, để huyện xin tỉnh cho chủ trương. Đến đây thì sự việc bắt đầu rắc rối.
Tiếp đó, đêm 23/8, kiểm lâm lại bắt giữ một xe tải chở 8 cột gỗ trắc mua của nhà ông Điệp, giấy tờ mua bán đã được xã xác nhận. Ba ngày sau, huyện ra văn bản chỉ đạo tạm dừng việc mua bán, vận chuyển gỗ trắc, nếu phát sinh giao dịch, chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm.
Theo tôi lệnh cấm này không đúng, đây là gỗ trắc đã qua sử dụng lâu năm chứ không phải mới khai thác từ rừng, mà trong rừng cũng đâu còn nữa. Việc thu thuế tài nguyên đối với đồ gỗ đã qua chế biến, sử dụng cũng cần phải xem lại. Ông Thuận cũng xác nhận, hiện địa phương có rất nhiều hộ nghèo muốn bán nhà hoặc hàng rào, cọc tiêu, nhà xí để làm nhà xây hoặc lấy vốn làm ăn. Lệnh cấm vừa rồi làm dân rất bức xúc.
Ông Nguyễn Kỳ – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng – cho biết, theo Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT thì việc bán lâm sản đã qua sử dụng chỉ cần xã và kiểm lâm xác nhận là được. Công văn của Hạt Kiểm lâm đề nghị xã đưa lên huyện, huyện báo cáo tỉnh cho dân bán gỗ trắc đã qua sử dụng là không phù hợp. Huyện đã yêu cầu xem xét lại văn bản này, nếu sai phải thu hồi. Mặc dù nói vậy, nhưng chính ông Kỳ cũng chỉ đạo… xin chủ trương của tỉnh mới cho dân bán.
Theo ông Kỳ, đến nay đã có 33 hộ dân ở xã Ea Tam và xã Ea Púk bán hơn 55m3 gỗ trắc đã qua sử dụng, nộp thuế hơn 300 triệu đồng nhưng các xã và Hạt Kiểm lâm không báo cáo huyện. Qua làm việc với ngành thuế thì được biết, nếu giá mua bán trong hợp đồng cao hơn giá quy định của tỉnh thì thu thuế theo hợp đồng, ngược lại thì thu theo giá tỉnh.
Ông Kỳ phân bua: “Chúng tôi thấy việc mua bán có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây thất thu cho ngân sách, tiềm ẩn tiêu cực… nên tạm dừng để báo cáo tỉnh. Đồng thời lập đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra toàn bộ việc mua bán, vận chuyển gỗ trắc trên địa bàn xã Ea Tam có đúng pháp luật hay không. Mặc dù việc mua bán là quyền của dân, nhưng nếu thấy ảnh hưởng, ví dụ như dân bán nhà rồi không có chỗ ở thì mình vẫn có thể điều chỉnh”.
Trong khi chờ UBND huyện hiểu rõ các quy định của pháp luật, chờ tỉnh có ý kiến, không ít người nghèo ở Ea Tam đang thấp thỏm lo âu. Gỗ trắc đã qua sử dụng, “phép lạ” đổi đời của họ có thể mất giá hoặc không bán được nữa như cảnh báo của một vài thương lái. Dù không phải như thế, thì cả huyện với đầy đủ ban bệ họp hành, “tranh cãi” chán vẫn chưa biết đúng sai có phải là chuyện lạ không?
Gỗ trắc (Dalbergia cochinchinensis) hay cẩm lai Nam Bộ là thực vật quý hiếm thuộc nhóm 2A với các đặc tính như nặng, cứng, vân gỗ đẹp, không mối mọt… được dùng nhiều trong xây dựng nhà, làm bàn ghế, giường tủ. Tuy cùng nhóm với các loại gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, song gỗ trắc có giá trị cao gấp hàng chục lần, phải dùng đơn vị tính là kilôgram thay vì mét khối.
Hiện nay, các thương lái thu gom gỗ trắc với giá từ 800.000 đồng – 1.500.000 đồng/kg tùy theo kích thước, bán chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Theo nhiều thương lái, sau khi đến Trung Quốc, gỗ trắc còn được bán tiếp sang Nhật Bản. Tại một số vùng rừng của Việt Nam, loài gỗ trắc được cho là đã tuyệt chủng hoặc còn lại không đáng kể.
Theo Lao động (vtc.vn)