Cuộc đời bị kịch của những người nghệ sĩ tài năng
Có những nhà văn, nhà soạn nhạc, họa sĩ đã phải trải qua rất nhiều bước thăng trầm trước khi họ được cả thế giới biết đến. Mặc dù phải chịu đựng những cơn tra tấn về thể xác, tinh thần, sự cô đơn, nghèo túng, họ vẫn không ngừng theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật để tạo ra những kiệt tác được đời đời ca tụng.
1. Henri Marie Raymond de Toulouse-Lautrec, họa sĩ
Họa sĩ người Pháp này được sinh ra trong một gia đình quí tộc vào năm 1864, nhưng ông đã gặp một số vấn đề về sức khỏe do việc kết hôn cận huyết gây ra. Cha mẹ ông là anh em họ gần, họ cưới nhau theo truyền thống kết hôn trong dòng họ và kết quả là ông sinh ra với các dị tật bẩm sinh. Sau khi ông bị gãy xương và không thể lành hẳn, ông được chẩn đoán với một loại bệnh làm cơ thể còi cọc mãi mãi. Phần trên cơ thể ông thì lớn bình thường, nhưng phần chân thì chỉ như một đứa trẻ con nên ông chỉ cao tầm 1.5m. Do không thể thực hiện các hoạt động thể chất bình thường, ông sử dụng hội họa để cho khuây khỏa. Ông đắm mình vào việc vẽ và sơn, tạo ra các tác phẩm Hậu ấn tượng và Art Nouveau miêu tả cuộc sống phóng đãng và đôi khi là rất buồn của một người du đãng ở Paris. Chủ đề yêu thích của ông là các quán rượu trong thành phố và đám người trong đó. Những tác phẩm tuyệt vời của Toulouse-Lautrec ngày càng đẹp hơn trong khi chính bản thân ông tiến gần tới cái chết. Ông bị mắc bệnh giang mai, và bản thân là người nghiện rượu. Ông mất năm 36 tuổi do lạm dụng chất absinthe với thành phần cồn và chất gây nghiện rất cao.
2. Thomas De Quincey, nhà văn
Sinh ra ở Manchester, Anh vào tháng 8/1785, De Quincey là một đứa trẻ ốm yếu và bệnh tật. Ông mất cha khi còn nhỏ và cùng mẹ chuyển tới Bath. Mẹ ông là một người rất nghiêm khắc, thậm chí đã cho ông nghỉ học 3 năm để ngăn ông không tự cao tự đại. Tới tuổi thanh niên, De Quincey bắt đầu cuộc sống của một người lang thang, trong nghèo khổ và trốn tránh gia đình mình. Sau đó, ông quay lại trường học, nhưng vẫn không thể hòa nhập với bạn bè. Ông bắt đầu sử dụng thuốc phiện và ngày càng lấn sâu vào nợ nần và nghiện ngập. Vào năm 1821, ông viết cuốn “Lời thú tội của một kẻ nghiện thuốc phiện”, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Cuốn tự truyện này cho người đọc một cảm giác ám ảnh về hiện thực khó khăn của cuộc sống.
3. Fyodor Dostoyevsky, nhà văn
Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky là một nhà văn người Nga với những tác phẩm thiên tài như Anh em nhà Karamazov hay Tội ác và trừng phạt. Ông được coi là người sáng lập ra chủ nghĩa hiện sinh. Dostoyeuvsky lớn lên với một người cha nghiện rượu. Ông thường chống lại lời của cha mẹ bằng việc trốn vào trại tâm thần để gặp những người trong đó và nghe câu truyện của họ. Fyodor cũng bị chứng động kinh từ năm 9 tuổi. Năm 1832, cha ông qua đời, có thể là do bị sát hại bởi những người tức giận với những cơn say của ông. Dostoyevsky bắt đầu nghiệp viết văn sau một thời gian trong quân đội. Ngày 23/4/1849, do dính líu tới các hoạt động chính trị, ông bị đày tới vùng Siberi. Ông ở trong tù 4 năm dưới những điều kiện rất gian khổ. Nhà tù đã thay đổi quan điểm chính trị và cả tính cách của ông. Trong những năm sau này, Dostoyevsky đã viết nên những tác phẩm vĩ đại nhất của mình, trong khi vẫn phải vật lộn với việc nghiện cờ bạc, nợ nần và những cơn trầm cảm. Ông qua đời năm 1881 sau một cơn đột quị gây xuất huyết phổi.
4. Tennessee Williams, nhà soạn kịch
Nhà soạn kịch huyền thoại người Mỹ này sinh ngày 26/3/1911 với tên khai sinh là Thomas Lanier Williams. Sau này ông đổi tên thành Tennessee, theo địa danh nơi cha ông sinh ra. Là một đứa trẻ ốm yếu, ông thường xuyên gặp các bệnh ở phần cổ cũng như bị coi thường bởi cha mình, người luôn cho rằng ông là một đứa trẻ yếu đuối. Xung đột giữa dòng họ của cha và mẹ ông về các vấn đề đạo đức, giá trị cuộc sống xuất hiện trong tất cả các tác phẩm của ông. Tennessee Williams cũng chịu nhiều bất ổn tâm lý do phải giấu diếm việc mình là người đồng tính. Ông giữ kín chuyện này cho tới năm 1970. Thói nghiện ngập, trầm cảm và bạo lực xuất hiện đồng thời trong các tác phẩm cũng như cuộc sống của chính Williams. Năm 1969, tác giả giành giải Pulitzer này đã phải chịu sự suy nhược cả về thể chất và tinh thần. Ông qua đời 8 năm sau đó.
5. Ludwig van Beethoven
Ludwig van Beethoven được sinh ra ở Bonn, Đức vào năm 1770. Cha ông đã dạy nhạc cho ông từ khi còn bé. Tới năm 9 tuổi, tài năng của ông đã sớm được công nhận. Năm 1787, Beethoven tới Vienna với hi vọng được học hỏi từ chính nhà soạn nhạc thiên tài Mozart. Tuy nhiên, mẹ ông ốm rất nặng và ông đã trở về với mẹ mình trước khi bà qua đời. Trong thời gian đó, ông được một vị bá tước giàu có chú ý và trở thành người tài trợ cho ông. Với tài năng của mình, Beethoven đã có một cuộc sống khấm khá dựa vào khả năng sáng tác và trình diễn của mình. Tuy nhiên, khi sự nghiệp đang lên cao thì cũng là lúc ông bị mất thính giác. Lí do cho việc ông bị điếc vẫn chưa rõ ràng. Thật bi kịch khi nhạc sĩ tài năng chuyên sáng tác những tác phẩm âm nhạc tuyệt vời lại không thể nghe chính những sáng tác của mình. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục sáng tác và chơi nhạc dù cho ông chỉ có thể thấy đám đông tán thưởng chứ không thể nghe thấy họ. Nhà tù im lặng mà ông phải chịu đựng khiến ông trở thành một nghệ sĩ bị tra tấn. Sau này, người ta tin rằng hàm lượng chì rất cao trong cơ thể Beethoven chính là một trong những lí do dẫn đến việc ông bị điếc.
6. Ernest Hemingway, nhà văn
Sinh năm 1899, Ernest Hemingway giành giải Nobel và Pulitzer cho các tác phẩm của mình, bao gồm cả cuốn Ông già và biển cả. Mẹ của ông có ảnh hưởng rất lớn, ép ông phải học nhạc khi còn bé vì bà dạy nhạc và từng mơ được trở thành một ca sĩ opera. Hemingway phản đối điều này, thay vào đó, ông chọn các hoạt động truyền thống khác phù hợp hơn như câu cá và dã ngoại. Ông từng muốn vào quân đội để tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng thị lực của ông rất kém và không thể vuợt qua được vòng khám tuyển sức khỏe. Thay vào đó, ông tham gia lực lượng cứu thương Chữ thập đỏ. Ông đã ở rất gần với cuộc chiến trên mặt trận Italia và phải chứng kiến sự chết chóc và tàn phá. Những trải nghiệm này đã thay đổi và ám ảnh suốt cuộc đời ông. Sau khi trở về Mỹ, Hemingway phải đối diện với một mối quan hệ tan vỡ. Ông tìm kiếm công việc với tư cách là một nhà báo, viết và trải nghiệm rất nhiều qua các chuyến phiêu lưu khắp thế giới. Người ta tin rằng ông phải chịu các cơn trầm cảm, khiến ông tụt dốc không phanh trong những năm cuối đời. Năm 1961, Hemingway tự sát bằng một phát súng vào trán.
Phan Hạnh
Theo Toptenz
Nguồn: Dân Trí