Những sai lầm “ngớ ngẩn” phá hủy báu vật lịch sử
Đã từng có rất nhiều di tích lịch sử, cổ vật vô giá trên thế giới bị xuống cấp và hủy hoại theo thời gian. Nhưng ít ai biết rằng, có không ít cổ vật và di tích bị biến mất vĩnh viễn dưới bàn tay con người dù vô tình hay hữu ý. Thậm chí, chúng còn bị xóa sổ chỉ vì ý tưởng “trời ơi đất hỡi” của sinh vật được xem là thông minh nhất hành tinh.
1. Thành Troy bị phá hủy bởi một nhà khảo cổ “rởm”
Trước năm 1871, thành Troy vẫn được coi là một truyền thuyết hoang đường, một địa danh không có thực cho đến khi được nhà khảo cổ học “tự phong” người Đức Heinrich Schliemann tìm ra.
Chân dung nhà khảo cổ học Heinrich Schliemann.
Theo một vài suy luận, thành Troy cổ đại được cho là sẽ tìm thấy tại thành phố có tên là Hisarlik, nằm tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thành phố Hisarlik bao gồm 9 thành phố nằm chồng lên nhau (điều này rất phổ biến vào thời xưa, đội quân mới tiếp quản đập tan thành phố cũ và xây cái mới chồng lên). Vậy nên, Schliemann quyết định đào tung tất cả cho đến khi tìm thấy bằng chứng về thành Troy, bằng việc… đặt thuốc nổ.
Schliemann đã cho dùng thuốc nổ để khám phá bí ẩn về thành Troy.
Thuốc nổ phá hủy từng lớp đá cho đến khi Schliemann tìm thấy những cổ vật và đồ trang sức được cho là “kho báu của vua Priam”, nằm rất sâu bên dưới Hisarlik. Sau đó, nhà khảo cổ của chúng ta cùng cộng sự là vợ của ông đã tuồn đống báu vật đó ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Một vài những cổ vật và đồ trang sức được tìm thấy ở khu khảo cổ này.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, những báu vật Schliemann cướp đi không hoàn toàn thuộc về thành Troy, mà thuộc về thành phố cổ hơn thế, tức là thuộc lớp dưới của thành Troy nổi tiếng.
Điều này có nghĩa trong lúc khai quật bằng thuốc nổ, Schliemann đã vô tình… thổi tung tàn tích thành Troy mà không hay biết. Hậu quả của phương thức khai quật nghiệp dư và điên rồ này đã bị lên án bởi các nhà khảo cổ học khác đến hơn 140 năm sau.
2. Hàng trăm tượng Hy Lạp cổ bị nung chảy để đúc tiền xu
Trong cuộc Thập Tự Chinh (những cuộc chiến tranh tôn giáo nhằm phục hồi quyền kiểm soát của Thiên Chúa giáo) thứ 4 năm 1204, những chiến binh thập tự thay vì đánh vào Ai Cập, rồi trở về Đất Thánh (vương quốc Isarel), vì một số nguyên do đã chuyển hướng sang xâm lược thành phố Constantinople – thành phố vốn theo đạo Thiên Chúa. Tại đây, đội quân Thập tự Chinh đã gây ra những tội ác khủng khiếp và man rợ, mà nguyên nhân sâu xa là… vì tiền.
Thành phố Constantinople từng là thủ đô phía Đông của đế quốc La Mã hơn 900 năm, chứa đựng rất nhiều tác phẩm nghệ thuật của Hy Lạp và La Mã, bao gồm hàng trăm tượng đồng về thần linh, các vị anh hùng trong thần thoại.
Hay nói cách khác, những gì Constantinople giữ lúc bấy giờ là vô giá. Nhưng ai ngờ, đội quân Thập tự Chinh đã kéo đổ, phá hủy và nung chảy tất cả tượng đồng để… đúc tiền xu.
Trong số đó có cả bức tượng khổng lồ của nữ thần Hera và Helen, một cỗ máy hình kim tự tháp, và một bức tượng đồng to cỡ… khủng long của vị anh hùng Hercules. Ngoài ra, thư viện thành phố cũng bị phá hủy, nhà thờ, tu viện bị làm ô uế, những báu vật bị đánh cắp thì nhiều không kể xiết.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng nói lại, cuộc chiến quy mô cỡ Thập Tự Chinh được dàn dựng để xâm lược hơn nửa thế giới với mục đích loại bỏ những ai chống lại đạo Thiên Chúa thì việc coi trọng bảo vệ những bức tượng không thuộc đạo của họ chắc chắn không được để tâm.
Bên cạnh đó, đồng là kim loại rất có giá trị thời bấy giờ nên với những chiến binh đó, việc đứng giữa một đền thờ toàn tượng đồng cũng không khác gì với binh lính ngày nay đứng trong một tòa nhà đầy kim cương. Nói cách khác, việc những bức tượng bị phá hủy là không thể tránh khỏi. Nhưng dù sao, việc làm này thực sự đáng chê trách, vì nhân loại đã mất đi một kho tàng văn hóa khổng lồ.
3. Kiệt tác hội họa được “phục hồi” bởi một giáo dân
Năm ngoái, giáo dân Cecilia Gimenez 80 tuổi là tình nguyện viên trong một nhà thờ thuộc Borja, Tây Ban Nha đã chứng minh rõ rệt hơn câu nói “nhiệt tình cộng với dại dột bằng phá hoại”.
Là một giáo dân, bà Gimenez thường xuyên đến nhà thờ cầu nguyện và sớm nhận ra bức họa chúa Jesus từ thế kỷ XIX bắt đầu có dấu hiệu hư hại theo thời gian, mặt sơn bắt đầu bong tróc do độ ẩm. Do là một tình nguyện viên tích cực và cũng nhằm tiết kiệm ngân sách cho nhà thờ, bà quyết định từ tay mình “sửa” lại bức tranh đó. Ý định của bà rất tốt, xuất phát từ tấm lòng nhưng có điều, kết quả đem lại không như mong đợi.
Bức kiệt tác về chúa Jesus gần như biến thành bức vẽ… “một chú khỉ” – trích lời một nhà chức trách. Cảnh sát khi đó đã lên kế hoạch điều tra về một vụ chống phá nhà thờ, với các nghi phạm từ những kẻ bài trừ Thiên Chúa…
Bức tranh tường nguyên mẫu – Bức tranh tường trước khi sửa và trong tình trạng hư hỏng – Bức tranh tường sau khi được Gimenez sửa.
Một thời gian ngắn sau, bà Gimenez lên tiếng nhận trách nhiệm. Bà thanh minh việc làm của bà có sự giám sát của linh mục. Nhưng quan chức nhà thờ cũng chối bay biến, dù ai cũng biết nếu có người giám sát bà thì việc này hẳn đã không xảy ra.
Cuối cùng thì thật trớ trêu, bức bích họa do Gimenez vẽ đã thu hút rất nhiều du khách tò mò đến với nhà thờ, còn “họa sĩ” thì bị cấm không bao giờ được xuất hiện tại đây nữa.
Kenh14.vn