Trung Quốc và những “công trình chết”
Những công trình kiến trúc không truyền tải bất cứ một thông điệp văn hóa hay một nét đẹp thẩm mỹ nào là những “công trình chết”. 30 năm qua, những tòa nhà xấu xí như vậy vẫn mọc lên “như nấm sau mưa” ở Trung Quốc.
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cũng phải công nhận rằng những tòa nhà như vậy càng làm hiện rõ sự lạc hậu và tính bắt chước mù quáng của một bộ phận kiến trúc sư Trung Quốc.
Những điều này đã khiến bộ mặt của nhiều đô thị Trung Quốc thiếu đi nét văn hóa đô thị đẳng cấp mà nó đang hướng tới.
Sự xuất hiện của những “tòa nhà xấu xí” không chỉ bởi tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc quá nhanh mà còn bởi giới kiến trúc sư nước này vẫn còn thiếu ý thức văn hóa về kiến trúc. Vì thiếu vẻ đẹp thẩm mỹ và văn hóa trong xây dựng đô thị, những “tòa nhà xấu xí” này đã gây ra vô số vấn đề.
Có thể chúng không có tính ứng dụng cao, không thích hợp với điều kiện tự nhiên – khí hậu ở địa phương, không phù hợp với khung cảnh xung quanh. Kiến trúc cổ thuần Trung Quốc, kiến trúc Tây phương hiện đại, thiết kế kiến trúc thân thiện với môi trường… đang cùng song hành tồn tại trên đường phố của nhiều đô thị nước này, tạo nên một nền kiến trúc… “hổ lốn”.
Những sự bắt chước, sao chép không sáng tạo đã khiến nhiều công trình trở nên vô nghĩa và làm thất bại kế hoạch tạo dựng bộ mặt đẹp cho những thành phố trọng điểm ở Trung Quốc.
Một tòa nhà được xây dựng thành công xét về mặt văn hóa và kiến trúc có thể coi như một tượng đài, là biểu trưng cho gu thẩm mỹ của người dân địa phương, là đại diện cho nền văn hóa của một thành phố, phản ánh cả truyền thống và tinh thần, cốt cách của một quốc gia, dân tộc.
Nhận thức được tầm quan trọng của thẩm mỹ kiến trúc, Trung Quốc đang quyết tâm dẹp nạn xây dựng tràn lan và thiếu quy hoạch, thẩm mỹ như hiện nay. Theo đó, định hướng cho xây dựng trong tương lai sẽ nhấn mạnh vào tính truyền thống và lịch sử.
Tờ Nhân dân Nhật báo lấy hình ảnh thành phố Rome của Ý làm ví dụ hình mẫu và ca ngợi thành phố này là ngôi nhà của kiến trúc thế giới bởi nó đã giữ lại được những nét đặc trưng kiến trúc từ các thời đại khác nhau như Gô-tíc, Ba-rốc, Rô-cô-cô…
Vấn đề mà nền kiến trúc Trung Quốc đang gặp phải không chỉ riêng Trung Quốc nhận ra mà báo chí thế giới từ lâu đã nhìn ra điều này. Không ít tòa nhà cao tầng đồ sộ của Trung Quốc xuất hiện trong nhóm những công trình xấu nhất thế giới.
Mới đây, tờ Dailymail của Anh cũng đăng tải một bài viết về kiến trúc Trung Quốc có tên “Táo bạo hay quái dị?”. Trong đó, Dailymail đăng tải hình ảnh một loạt những công trình mà tờ nhật báo này cho là rất “hài hước”, những tòa nhà hiện đang mọc lên trên khắp đất nước Trung Quốc.
Sau khi công trình sân vận động Tổ Chim được giới kiến trúc sư quốc tế khen ngợi, dường như ở Trung Quốc rộ lên một trào lưu xây dựng theo kiểu phóng đại sự vật. Tuy vậy, những công trình thực hiện sau sân vận động Tổ Chim đều không nhận được sự tán dương nào mà chỉ khiến giới kiến trúc quốc tế đả kích và châm biếm.
Khách sạn Bắc Kinh Thiên Tử đứng đầu danh sách những tòa nhà xấu nhất Trung Quốc năm 2012. Mặt tiền của tòa nhà sử dụng hình ảnh ba ông Phúc, Lộc, Thọ.
Tòa nhà này nằm ở vùng đông bắc thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh. Nó được xây dựng nên từ hơn 3.000 tấn thép và được trang trí với 12.000 bóng đèn LED thắp sáng ban đêm.
Trung tâm Truyền thông Quốc tế Phượng Hoàng mới xây ở thành phố Bắc Kinh.
Tòa nhà LV ở thành phố Thượng Hải trông như một chiếc giày.
Một tòa nhà cao tầng có hình đồng tiền xu Trung Quốc nằm ở miền đông bắc nước này.
Theo bình chọn trên mạng do công ty kiến trúc Archcy của Trung Quốc tiến hành năm 2012, công trình Pangu Plaza từng được sử dụng trong kỳ Olympic Bắc Kinh 2008 cũng bị chê là rất xấu.
Tòa nhà Đông Phương Chi Môn ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô với vốn đầu tư lên tới hơn 14.451 tỉ VND trông giống như một chiếc… quần đùi.
Tòa nhà bị châm biếm nhiều nhất là trụ sở của tờ Nhân dân Nhật báo đặt tại Bắc Kinh.
Tòa nhà Khoa học Công nghệ ở thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu.
Những tòa nhà khổng lồ ở thủ đô Bắc Kinh được kết nối với nhau một cách cứng nhắc.
Những dãy nhà màu xám xây đều tăm tắp ở tỉnh Hải Nam không có một chút thẩm mỹ nào.
3.500 người dân đã chuyển vào sinh sống trong 1.029 ngôi nhà mới này. Một diện tích đất lớn như vậy mà không được đầu tư thiết kế cho thẩm mỹ cũng là một sự lãng phí quá lớn về không gian sống.
Pi Uy Theo People Daily & Dailymail / Nguồn: Dân Trí