Những ‘hiệp nữ áo hồng’ của làng quê Ấn Độ

24/07/13, 14:45 Chuyện lạ

Những người phụ nữ mạnh mẽ nhất đã tập hợp cùng nhau để đấu tranh chống lại sự bất công và bảo vệ những người yếu đuối. 

Bundelkhand là một trong những vùng quê nghèo khó nhất thuộc bang Uttar Pradesh phía Bắc Ấn Độ, đồng thời cũng là khu vực đông dân nhất của đất nước vốn đã vô cùng đông đúc này.

Những người nông dân Bundelkhand mỗi ngày đều phải trải qua cuộc chiến sinh tồn thực sự, khi họ phải đối diện với những cánh đồng cằn cỗi bạc màu, hệ thống tư pháp tham nhũng yếu kém, cộng với hệ tư tưởng phân chia đẳng cấp lỗi thời trong xã hội.

Trong hoàn cảnh đó, thân phận của những người phụ nữ chân yếu tay mềm ở đây càng trở nên khốn khổ, bởi Ấn Độ rõ ràng không phải là đất nước thiên đường đối với những quyền bình đẳng dành cho nữ giới. Họ bị coi là công dân hạng hai, bị đối xử bất công và tàn nhẫn, ngay cả trong gia đình của mình.

Thế nhưng, cũng có những con người không cam tâm để cho người khác chà đạp. Những người phụ nữ mạnh mẽ nhất đã tập hợp thành một đội quân tự vệ, gọi là Gang Gulabi (có nghĩa là những người áo hồng). Và họ chiến đấu một cách thực sự cho quyền bình đẳng của những người thấp cổ bé họng như mình.

Đội “nữ binh” kỳ lạ này bắt đầu hoạt động vào những năm 1990 và hiện đã thu hút đến hơn 10.000 thành viên tham gia, tất cả đều là phụ nữ. Trang phục của họ là những bộ đồ truyền thống sari màu hồng, và tự vũ trang cho mình bằng những cây gậy tre đơn giản được gọi là Lathi.

Lãnh đạo của họ là một người phụ nữ 48 tuổi tên là Sampat Pal Devi, một bà mẹ cũng nghèo khó và thất học như bao nhiêu người khác. Bà đã lập nên đội quân này từ khoảng năm 2010, và từ đó đến nay không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng ra khắp các làng quê trong khu vực.

Những ‘hiệp nữ áo hồng’ của làng quê Ấn Độ
Gang Gulabi bao gồm hơn 10.000 thành viên, tất cả đều là phụ nữ với trang phục là quần áo truyền thống màu hồng. 

Tuy nhiên Sampat Pal Devi nhanh chóng phải đối mặt với vô vàn khó khăn để duy trì hoạt động của đội nữ binh, trong đó có vấn đề về chi phí hội họp, tập luyện và cả sự đàn áp của chính quyền sở tại. Nhiều nhân vật có thế lực trong vùng và cả những nhà lãnh đạo địa phương liên tục đe dọa và gây áp lực đối với bà.

Chính quyền địa phương đã cáo buộc Gang Gulabi tổ chức hội họp bất hợp pháp, bạo loạn, tấn công quan chức chính phủ và cản trở quá trình thực thi pháp luật. Nhưng họ không vì thế mà nản lòng hay sợ hãi.

“Chúng tôi là một tổ chức của công lý. Chúng tôi sử dụng gậy gộc trong các hoạt động để có thể tự bảo vệ mình, đặc biệt là khi tổ chức biểu tình bên ngoài làng hoặc tại các thành phố lớn. Chúng tôi cũng quyết định mặc một màu thống nhất để có thể dễ dàng nhận ra nhau tại những chỗ đông người”, Sampat Pal Devi cho biết.

Những ‘hiệp nữ áo hồng’ của làng quê Ấn Độ
Họ tổ chức đấu tranh bảo vệ những người dân “thấp cổ bé họng”, chống lại nạn tham nhũng và bạo hành phụ nữ. 

Hệ thống phân biệt đăng cấp đã phủ bóng đen lên xã hội Ấn Độ từ hàng ngàn năm qua, đặc biệt là ở khu vực nông thôn nơi dân trí không cao. Những thành viên của Gang Gulabi không chỉ là những người phụ nữ nghèo khó nhất, mà còn thuộc vào giai cấp thấp nhất được gọi là Dalit (tiện dân) trong xã hội.

Năm 2010, một người phụ nữ Dalit trong vùng bị hãm hiếp bởi một người đàn ông thuộc đẳng cấp trên. Vụ việc không hề được cảnh sát quan tâm đến. Khi những người dân tập trung phản đối, họ thậm chí còn bị bắt giam.

Đội quân Gang Gulabi do Sampat Devi lãnh đạo khi đó đã xông thẳng vào đồn cảnh sát để yêu cầu thả tự do cho những người dân bị bắt và trừng phạt thủ phạm của vụ hiếp dâm. Những “nữ binh” này sau đó đã tấn công cả cảnh sát khi bị từ chối, và vụ việc hiện vẫn đang được chính phủ điều tra.

Tháng 6 năm 2010, sau khi được báo về trường hợp một cửa hàng phúc lợi xã hội tại Attara đã không cung cấp lương thực cho người nghèo như chính phủ yêu cầu mà lại đưa hàng hóa ra chợ đen để bán, Sampat Devi đã cho người bí mật theo dõi và bắt giữ hai xe tải chở hàng làm bằng chứng.

Những ‘hiệp nữ áo hồng’ của làng quê Ấn Độ
Những người phụ nữ can đảm này thường xuyên luyện tập sử dụng gậy tre Lathi để tự vệ và cũng sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. 

Có được chứng cứ, Gang Gulabi tổ chức biểu tình gây áp lực đòi chính quyền phải cấp phát lương thực cho người dân, đồng thời đưa chủ cửa hàng vi phạm ra tòa án. Thế nhưng, một lần nữa yêu cầu chính đáng của họ lại bị nhà cầm quyền từ chối.

Những người phụ nữ rất tức giận và sau đó đã tấn công một viên cảnh sát có ý định đàn áp họ. Vụ việc sau đó vẫn bị nhà chức trách cho “chìm xuồng”, nhưng Gang Gulabi đã gây được tiếng vang lớn và càng được người dân tin cậy.

Người dân nghèo trong khu vực thậm chí còn so sánh Sampat Devi với Nữ hoàng huyền thoại Laxmibai trong lịch sử, người luôn đấu tranh che chở cho dân nghèo. Họ tỏ lòng biết ơn bằng những hỗ trợ thiết thực về tài chính. Ông chủ một cơ sở kinh doanh trong vùng còn cho phép Gang Gulabi sử dụng xưởng sản xuất của mình để làm văn phòng.

Tuy nhiên sự giúp đỡ của người dân địa phương là không đủ để duy trì hoạt động của Gang Gulabi. Sampat Devi đang hi vọng thành lập được những cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ để tạo công ăn việc làm cho thành viên nhóm và những phụ nữ khác trong vùng. Vấn đề khó khăn nhất đối với họ chính là việc tìm ra nguồn vốn.

Những ‘hiệp nữ áo hồng’ của làng quê Ấn Độ
Sampat Pal Devi chính là người phụ nữ đã đứng ra tổ chức và lãnh đạo Gang Gulabi bất chấp sự đe dọa từ chính quyền và những kẻ có thế lực trong vùng. 

“Chúng tôi mong muốn thực thi các quyền bình đẳng cho phụ nữ; thúc đẩy giáo dục cho trẻ em, đặc biệt là những trẻ em gái; ngăn chặn tệ tham nhũng và nạn bạo lực gia đình”, người phụ nữ giàu lòng vị tha và quả cảm tuyên bố.

Sự tồn tại và hoạt động của Gang Gulabi hiện vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội, đồng thời họ phải đối diện với nguy cơ bị đàn áp của chính quyền sở tại vào bất cứ lúc nào. 

Tuy nhiên đối với những người dân “thấp cổ bé họng” nhất tại các vùng quê nghèo khó, Sampat Devi và chị em đồng đội của bà chính là những người bảo vệ đáng tin cậy của họ, những “nữ hiệp áo hồng” quả cảm trong xã hội bất công.

(vtc.vn)

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

x