Bất ngờ tìm thấy tượng nhân sư Ai Cập ở Israel
Một phần của bức tượng nhân sư cổ đã được tìm thấy tại khu vực khai quật ở miền bắc Israel trong tuần qua. Các nhà khảo cổ đã rất bất ngờ vì bức tượng nhân sư từng thuộc về một vị vua Ai Cập lại có thể xuất hiện ở Israel.
Bức tượng nhân sư bằng đá granit đã bị vỡ vụn, tuy vậy, các nhà khảo cổ vẫn có thể nhận dạng một số phần đặc trưng. Nhân sư là một sinh vật bí ẩn chỉ tồn tại trong truyền thuyết, hiện tại, phát hiện khảo cổ mới nhất này đang được trưng bày tại khu khảo cổ Tel Hazor ở Galilee, Israel. Đây là một trong những phát hiện khảo cổ gây bất ngờ nhất tại Israel từ trước đến nay.
Một chuyên gia khảo cổ đã đưa ra những dự đoán đầu tiên rằng bức tượng này thuộc về vua Mycerinus, trị vì vào khoảng năm 2.500 trước công nguyên. Vị vua này cũng chính là chủ nhân của một trong 3 kim tự tháp Giza ở Ai Cập.
Bức tượng nhân sư được tìm thấy ở Israel cho tới nay cũng là bức tượng nhân sư duy nhất được chế tác dành riêng cho vị vua Mycerinus. Các nhà khảo cổ có thể biết được điều này là bởi tên của vị vua được chạm khảm bằng chữ tượng hình Ai Cập ở giữa hai cẳng chân trước của nhân sư. Bên cạnh tên nhà vua là dòng chữ “được những linh hồn thần thánh ở Heliopolis kính yêu”.
Heliopolis chính là tên của ngôi đền mà ban đầu bức tượng nhân sư được đặt ở đó. Tuy vậy, đền Heliopolis hiện nằm ở thành phố Cairo, Ai Cập. Quá trình lưu lạc của bức tượng này thực sự khiến các nhà khảo cổ không thể lý giải.
Mảnh vỡ được tìm thấy có chiều dài khoảng 50cm, ước tính toàn bộ bức tượng có chiều dài 150cm và cao 50cm. Có thể khẳng định bức tượng nhân sư đã lưu lạc tới Israel sau thời kỳ trị vì của vua Mycerinus bởi trước đó giữa Ai Cập và Israel không hề có mối liên hệ nào đáng kể.
Có một giả thiết được đưa ra là bức tượng đã bị bọn thổ phỉ cướp đi hồi cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, ở thời kỳ đó, một tộc người cổ có tên Canaanite (sinh sống ở Israel) đã hoành hành táo tợn trên cả một phần lãnh thổ của Ai Cập.
Những sử liệu của Ai Cập còn ghi lại rằng những người Canaanite đã tới cướp phá những ngôi đền Ai Cập. Tuy vậy, cũng có thể bức tượng nhân sư này đã được gửi tới Israel dưới dạng một món lễ vật mà một vị vua Ai Cập sau này đã gửi sang đất nước láng giềng để cầu thân.
Những mảnh vỡ đầu tiên của bức tượng nhân sư đã được tìm thấy từ tháng 8/2012. Tuy vậy, lúc đó, người ta không thể tin đây là một bức tượng nhân sư cho tới mới đây khi những dòng chữ tượng hình khắc trên tượng được các nhà khai quật tỉ mỉ phục chế giúp họ có thể nhìn rõ nét những thông điệp và hình vẽ phức tạp được chạm khắc trên tượng.
Hiện tại, các nhà khảo cổ đang tích cực tìm kiếm để có thể tìm thấy những mảnh vỡ khác của bức tượng. Có lẽ bức tượng nhân sư này đã bị đập vỡ dưới sự ra lệnh của người trị vì mới tại Israel, hành động này được coi như một cách tuyên bố sự chấm dứt cầm quyền của người đi trước.
Các nhà khảo cổ ở Israel tin rằng họ sẽ còn tìm được những cổ vật mang ý nghĩa văn hóa lịch sử lớn hơn nữa bởi họ đã tìm được nhiều tài liệu, thư tịch cổ ghi chép về những công trình, tượng đài từng tồn tại ở đất nước này. Đa số chúng đều tồn tại từ hàng chục thế kỷ trước công nguyên. Khi thông tin về những phát hiện khảo cổ này được công bố rộng rãi, nhất định các nhà nghiên cứu lịch sử từ khắp nơi trên thế giới sẽ đổ về đây.
Pi Uy
Theo Narhanet
Nguồn: Dân Trí