Vì sao TQ thích sao chép các làng mạc nước ngoài
Trung Quốc nổi tiếng với iPhones giả, DVD xâm phạm tác quyền song “văn hóa sao chép” đã lan sang cả các công trình kiến trúc, đôi khi cả một ngôi làng bị nhái.
Ảnh minh họa
Khi bạn bước vào Thames Town, cuộc sống đô thị của Trung Quốc với tiếng còi ô tô và cảnh lộn xộn đã lùi xa. Tại đây không có những người bán rong bánh bao, không có những người đàn ông nhặt phế thải trên xe ba bánh, từ xa, bạn dường như có thể thấy tháp đồng hồ từ ngôi làng Cotswold.
“Nó có chất lượng gần như một thứ gì đó của châu Âu”, Tony Mackay, kiến trúc sư người Anh, người vẽ bản thiết kế dự án nhà Thames Town và khu vực phụ cận quận Songjiang, cho biết.
Khi giới chức địa phương thuê Mackay vào năm 2001, ông chỉ thấy các trang trại và vịt ở đây. Tuy nhiên, hiện giờ, nơi đây là những con đường rải cuội, các quán bar và những ngôi nhà Tudor có tường bằng khung gỗ. Ngoài ra, Thames Town thậm chí còn có cả một bức tượng của Winston Churchill, hội trường thời trung cổ chuyên quảng cáo cánh gà và bia bằng chữ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Mackay không vui. “Không ổn lắm. Nhìn nó rất giả”.
Những ngôi nhà ở Thames Towns hầu hết được mua để đầu tư nên thị trấn này rất vắng. Nó chỉ mới bắt đầu tạo cảm giác về cuộc sống và cộng đồng. Với Mackay, nơi này giống như phim trường.
Tuy nhiên, Fan Yu Zhen không để tâm lắm tới điều đó. Fan và cô dâu của mình là Sun Qi Yao nhìn sâu vào mắt nhau trong khi người trợ lý chụp ảnh tung lên người họ những cánh hoa.
Tháp Eiffel nhái xuất hiện ở Bắc Kinh và Hàng Châu, Trung Quốc
Thames Town hiện chật kín những đôi trẻ muốn chụp ảnh cưới tại đây. “Tôi thích bóng đá châu Âu, vì thế tôi thích mọi thứ tới từ châu Âu”, Fan nói. “Tôi thực sự hy vọng có thể tới sông Thames một ngày nào đó, ngồi trên bờ, uống một cốc cà phê và tận hưởng ánh nắng Anh”.
Gần đó, một phụ nữ tên là Zhang Li đang ăn quýt và chơi bài cùng mẹ, dì. Zhang nói, cô tới đây vào ngày nghỉ bởi các thành phố Trung Quốc luôn chật kín người trong khi tại đây mọi thứ xanh mát và thoải mái. Là nhân viên hành chính, Zhang không đủ tiền để đi Anh. “Thông thường, nếu bạn muốn nhìn những tòa nhà ngoại quốc, bạn phải đi nước ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhập chúng về Trung Quốc, mọi người có thể tiết kiệm tiền trong khi vẫn được nhìn những kiến trúc kiểu ngoại quốc”.
Thames Town được xây dựng như một phần của chương trình “Một thành phố, 9 tiểu thành phố” của Thượng Hải. Theo đó, một loạt thành phố nhỏ sẽ được dựng quanh thành phố chính, mỗi thành phố nhỏ mang một phong cách quốc tế khác nhau.
Tại nhiều nơi khác ở Trung Quốc, có tháp Eiffel nhái, Tower Bridge nhái và thậm chí có cả Stonehenge giả. Năm ngoái, cả một ngôi làng của Áo cũng mọc lên ở Quảng Đông. Đó là những ví dụ về “cơn điên” của Trung Quốc, thứ mà Bianca Bosker, tác giả cuốn Nhái bản gốc: Bắt chước kiến trúc ở Trung Quốc, gọi là “văn hóa sao chép”.
Theo Bosker, trong khi nhiều người phương Tây cho rằng các công trình kiến trúc bắt chước là kỳ quặc và chả có giá trị thì nhiều người ở Trung Quốc lại thấy nó thật tuyệt.
Nhiều tòa nhà chính quyền địa phương ở Trung Quốc sao chép kiến trúc của Nhà Trắng và Đồi Capitol
Ở hầu hết các thành phố lớn ở Trung Quốc đều có những khu ngoại ô dân cư, nơi người dân sống trong các biệt thự bắt chước và có tới 2/3 số bất động sản được bán có kiểu phương Tây.
Bosker lý giải, điều đó một phần là vì Trung Quốc có thái độ khác về bắt chước. “Văn hóa sao chép ở Trung Quốc rất khác với những gì chúng ta thấy ở phương Tây, nơi coi copy là một thứ gì đó cấm kị và phải tránh bằng mọi giá. Trong khi đó, ở Trung Quốc, bắt chước lại được coi như một dạng tinh thông, không bị cấm thực hiện mà còn được khuyến khích”.
Văn hóa sao chép có cội nguồn lịch sử lâu đời. Vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc – Tần Thủy Hoàng, người có đội quân đất nung nổi tiếng, sau khi chinh phục các vương quốc đối thủ vào thế kỷ 3 trước Công nguyên, đã dựng từng bản sao cung điện của các vua khác ngay trong thành của mình.
Tới ngày nay, chính phủ Trung Quốc thường cấp tiền cho các dự án sao chép lớn. “Đó là cách thể hiện. Trung Quốc muốn chứng tỏ họ có khả năng sắp xếp lại vũ trụ”.
Bosker cho hay, không phải ngẫu nhiên khi Nhà Trắng – biểu tượng tối thượng của quyền lực Mỹ, là một trong những tòa nhà bị sao chép nhiều nhất ở Trung Quốc.
(vietnamnet.vn)