Phát hiện protein gây ung thư di căn
Các nhà khoa học đến từ ĐH California (Mỹ) đã xác định được một loại protein quy định về sự lây lan và di căn của tế bào ung thư.
Các tế bào ung thư vú có kích thước lớn hơn tế bào thường tới 400 lần. |
Loại protein này mang tên Receptor-tyrosine-kinase-like Orphan Receptor 1 (ROR 1), tham gia vào quá trình kích hoạt hiện tượng chuyển dạng trung mô – biểu mô (hiện tượng EMIT), xảy ra trong quá trình tế bào phát triển phôi, nên có mối liên hệ đặc biệt với tình trạng di căn của khối u.
Trong quá trình tiến hành nghiên cứu liệu pháp miễn dịch của bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy protein ROR 1.
Theo các nhà khoa học, protein này được tìm thấy ở những người mắc ung thư đã chuyển sang giai đoạn di căn. TS Thomas Kipps, Chủ tịch nhóm nghiên cứu ung thư tại UC San Diego (Mỹ) cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy mối liên hệ của protein này với bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư tuyến tiền liệt”.
TS Thomas Kipps cho rằng chính vì protein ROR 1 nằm trên bề mặt của tế bào ung thư nên có có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào khác ở bề mặt hoặc màng tế bào ung thư.
Trong một loạt các thí nghiệm được thực hiện, nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện ra mức độ hoạt động của ROR 1 càng cao thì sự phát triển và di căn của tế bào ung thư vú càng lớn. Ông ví ROR 1 giống như một ăng-ten truyền tải tín hiệu, khiến quá trình lây lan bệnh càng khó kiểm soát.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp nhằm ức chế ROR 1 và đã thành công trong việc ngăn chặn quá trình di căn trên mô hình động vật.
Tại Mỹ, ung thư là căn bệnh gây tử vong đứng thứ 2 chỉ sau bệnh tim mạch, hàng năm cướp đi sinh mạng của 575.000 người. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu hi vọng rằng có thể tìm ra các phương pháp và liệu trình hữu hiệu để ngăn chặn căn bệnh quái ác đã trở thành mối đe dọa khủng khiếp trên toàn thế giới.
Theo Dân trí/Foxnews
(vietnamnet.vn)