Lật tẩy trò rửa giấy đen thành đô Mỹ
Trong khi dư luận ở Việt Nam đang xôn xao trước tin hai người nước ngoài tên Golokeh SamBass (37 tuổi) và Karbar Patrich (39 tuổi, cùng quốc tịch Liberia) bị công an Khánh Hoà tạm giữ tối 15.6 vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng chiêu tẩy rửa giấy đen thành USD, thì thông tin trên báo chí nước ngoài cho thấy trò lừa đảo này đã bị lật mặt từ khá lâu.
Thủ đoạn rửa đô la lừa tiền tỷNhững tỷ phú đô la Việt ‘qua mặt’ ForbesXem bài khác trên Vef.vnThông tin ban đầu cho biết, Golokeh SamBass và Karbar Patrich đã bịa chuyện mang từ Liberia sang Việt Nam 1 triệu USD để đầu tư kinh doanh, nhưng lo ngại bị các cơ quan chức trách Việt Nam kiểm tra và xử lý nên phải bôi đen toàn bộ USD để nguỵ trang.
Muốn tiền trở lại hình dạng ban đầu, cần nhúng số đôla trên vào một loại hoá chất khác. Nhằm tạo niềm tin cho một số người dân, Golokeh SamBass và Karbar Patrich đã thử bôi hoá chất lên các tờ giấy màu đen hình chữ nhật kích thước 6,5 x 15,5cm để biến thành USD.
Sau đó, họ ngỏ lời mượn những người chứng kiến 10.000 USD để mua tiếp hoá chất tẩy tiền và hứa hẹn trả công hậu… Trong lúc đang thuyết phục hai phụ nữ đưa tiền thì Golokeh SamBass và Karbar Patrich bị bắt giữ.
Cũ ở xứ người, mới ở ta
Kiểu “lừa đảo tiền đen” này lần đầu được ghi nhận vào năm 2001 tại Mỹ, và được gọi là “Black money scam”. Nhiều người tin rằng hoạt động này dựa trên những vụ lừa đảo “thuỷ ngân đỏ” có từ rất lâu đời tại các nước Tây Phi.
Trong 12 năm qua, nhiều tay lừa đảo đã bị bắt giữ tại Mỹ, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong, Việt Nam… và tất cả là người gốc Phi.
Nạn nhân của các vụ lừa đảo kiểu này khá đa dạng, từ doanh nhân làm ăn ở nước ngoài cho đến người có tài sản giá trị cao muốn bán, hoặc dân thường… Tất cả những gì mà những tên lừa đảo cần chỉ là một vali hoặc túi đựng đầy những cọc giấy thủ công màu đen cỡ đồng 100 USD, một khẩu trang y tế, đôi găng tay cao su, một lọ đựng dung dịch “ma thuật” giống như lọ nước hoa.
Những tên lừa đảo này có thể dành hàng tháng, hoặc hàng năm để lấy được lòng tin của đối tượng muốn lừa đảo. Nhiều nạn nhân bị mắc lừa ngay từ những bước đầu tiên khi sẵn sàng chi tiền trả phí làm thủ tục hoặc thuế trước khi được nhận khoản tiền nào đó.
Khi nhận tiền, nạn nhân biết thêm đó là những cọc tiền màu đen và phải mua dung dịch để rửa, nạn nhân sẽ tự nguyện mua loại dung dịch này từ những tên lừa đảo hoặc được hướng dẫn mua tại những website do chính những tay lừa đảo dựng nên.
“Những tên lừa đảo rất thông minh, thành thạo. Chúng tạo được lòng tin nơi nạn nhân, đảm bảo cho hành vi lừa đảo được thực hiện trót lọt”, Alan Spratt, phụ trách đơn vị tội phạm tài chính Canada, nói về vụ lừa đảo tại Toronto hồi tháng 4.2013.
“Dung dịch ma thuật” là gì?
Khi điều tra vụ “lừa đảo tiền đen”, hãng ABC News đã ghi lại cách thức biến hoá đồng tiền mà tay lừa đảo người Ghana dùng lừa hơn 20 người. Đồng 100 USD được quét một lớp keo Elmer bảo vệ, sau đó nhúng vào dung dịch cồn iốt, rồi phơi khô. Đồng tiền chuyển màu đen như mảnh giấy thủ công.
Sau đó tiền đã nhuộm đen được xếp lên những cọc giấy thủ công thật cắt theo kích cỡ đồng 100 USD. Khi trình diễn cho đối tượng coi, tay lừa đảo dùng dung dịch “ma thuật” rửa lớp đen bên ngoài đồng tiền thật, tiền sẽ về trạng thái ban đầu.
Dung dịch rửa thực chất chỉ là nước pha viên vitamin C được nghiền tan hoặc nước trái mâm xôi để lạnh. Để đánh tan nghi ngờ của nạn nhân, những tên lừa đảo còn cho nạn nhân lấy bất cứ tờ giấy đen nào trong thùng, rồi khéo tráo bằng tiền thật được phủ đen. Nạn nhân thậm chí còn được khuyến khích mang tiền đi kiểm tra hoặc tiêu trên thị trường để đảm bảo đó là tiền thật.
Nhưng dung dịch mang theo để rửa tiền chẳng bao giờ đủ hoặc bị cố ý làm đổ dẫn đến việc phải mua thêm. Số tiền bỏ ra mua loại dung dịch ma thuật mà chúng gọi là “hàng hiếm, hàng cấm” luôn rất cao, từ 50.000 – 70.000 USD.
Người bỏ tiền mua dung dịch tất nhiên là người sẽ sở hữu toàn bộ số tiền đang bị phủ đen, trị giá được mô tả là “hàng triệu USD”. Theo thông tin trên website về tội phạm tiền tệ, tội phạm thuyết phục (loại tội phạm lợi dụng lòng tin của nạn nhân) cũng như trên Wikipedia, ngoài dung dịch được ABC News tường thuật, những dung dịch pha trộn có liên quan đến lừa đảo tiền đen như dung dịch SSD, Tebi-Manetic, chất dán Vectrol, bột Humine, Lactima Base 98% cũng được nhắc đến.
Trong nhiều trường hợp, nạn nhân còn được thuyết phục giữ bọc tiền một thời gian cho đến khi nào đủ tiền mua dung dịch rửa. Để thêm phần “huyền bí” và tránh cho nạn nhân mở bọc tiền, những tay lừa đảo thường cảnh báo nếu mở bọc để không khí vào, dung dịch rửa sẽ làm hư những đồng tiền được phủ đen!
Theo Sài gòn Tiếp thị
(vietnamnet.vn)