Kinh hoàng: Con trai thuê sát thủ giết cha và chị gái
2 tên giết mướn nhanh chóng bị bắt, sau đó Sở Công an tỉnh Hồ Nam cho biết đứa con hỗn láo lên mạng tìm người giết cha của hắn là Gao Tianfeng, một thành viên trong Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Zhoukou (tỉnh Hồ Nam), mẹ hắn và người chị ruột với giá “200.000 tệ mỗi mạng”.
Bắt nghi can Wu Qian
Giết người lần đầu
Ngày 9-5, hai sát thủ Wu Qiang và Zhang Kun gặp nhau tại thành phố Luoyang và rạng sáng 12.5, theo những thông tin bí mật mà Gao “con” cung cấp, chúng leo qua tường, vào nhà ông thẩm phán 49 tuổi và giết ông cùng chị ruột của hắn. May mắn là người mẹ đi vắng vào ngày bọn sát thủ ra tay nên bà thoát chết. Nhưng điều đáng sợ hơn: người chị Gao Weiyi 28 tuổi vì bảo vệ đứa em đã đẩy Wu vào một căn phòng rồi khóa lại. Cô bị giết mà không hề biết bọn sát thủ do chính đứa em 18 tuổi của mình thuê để giết cả nhà!
Đến 2 giờ sáng hôm ấy, hàng xóm báo động với công an vì nghe có tiếng ồn khả nghi ở nhà Gao. Công an xác nhận máy quay phim kiểm soát an ninh ở khu vực cho thấy có hai gã thanh niên đội mũ lưỡi trai sùm sụp, dáng cao gầy leo tường vào nhà trước khi giết người rồi trở ra theo đường cũ. Một cuộc truy nã lập tức được mở.
Chiều ngày 17.5, đại úy Zhang Jiancheng thuộc đơn vị điều tra trọng án hình sự thuộc Sở Công an tỉnh Hồ Nam cho biết: Phó giám đốc Sở Hu Xuxi huy động các đơn vị phối hợp thành một lực lượng đặc nhiệm, sử dụng nhiều biện pháp theo dõi, kỹ thuật cao cùng điều tra nhanh, đã biết được bọn thủ ác xuất hiện ở nhiều nơi trong tỉnh.
Chúng sử dụng đường cao tốc quốc gia, đường liên tỉnh, đường thu phí và kể cả đường làng để trốn tránh cuộc truy lùng. Lực lượng đặc nhiệm nhận định: bọn tội phạm có thể đến các thành phố Loudi, Shaoyang và Huaihua để chuồn sang tỉnh Quảng Tây nên đến 17 giờ ngày 15.5, một “tấm lưới lớn” được giăng ở Loudi và Shaoyang.
Đến 2 giờ sáng 16.5, công an phát hiện một xe máy phóng tốc độc cao trên đường cao tốc liên tỉnh S225 và họ lập tức bám theo. Vài giờ sau, Wu Qiang bị chặn bắt khi hắn đang đổ xăng tại một trạm xăng ở thị trấn nọ. Theo đại úy Zhang: “Hắn tỏ ra rất xảo trá và trước khi bị bắt, hắn phát hiện bị công an truy đuổi nên cố chạy thoát”.
Thẩm phán Gao Tianfeng
Khi lấy lời khai Wu X, công an phát hiện: trước khi án mạng xảy ra, con trai thẩm phán Gao và Zhang Kun đã quen nhau được vài tháng nhưng chưa gặp mặt lần nào. Zhang Kun khẳng định hắn là sát thủ, nên Gao “con” đề nghị: “Tao muốn nhờ mày giết nhiều người, 200.000 tệ mỗi mạng”. Zhang Kun liền nói chuyện với gã bạn Wu Qian và chúng đồng ý “nhận hợp đồng” với đứa con khốn nạn. Gao “con” ứng trước cho chúng 3.000 tệ.
Sau khi ra tay thủ ác, Zhang Kun và Wu Qian lục soát toàn ngôi nhà, lấy được hàng trăm ngàn tệ cùng tư trang trước khi chạy về Luoyang để chia nhau chiến lợi phẩm. Sau khi Wu Qian lấy 50.000 tệ, chúng chia tay nhau. Theo Công an tỉnh, khi bị bắt, Wu Qian còn 17.000 tệ tiền mặt trong người, do đã xài nhiều tiền cho cuộc di chuyển và mua một chiếc xe gắn máy.
Trên đường đi, hắn cũng bị một tai nạn nhỏ nên tốn thêm vài ngàn tệ nữa. Gã này 25 tuổi, đã có vợ và một con, chưa hề có tiền án tiền sự và từng đi làm cho một kênh truyền hình. Hắn bị thất nghiệp trước khi gây án. Công an chưa bắt được Zhang Kun nên chưa thể biết hắn có đúng là “sát thủ” như hắn khoe với Gao “con” hay không.
Sau vụ án mạng, các cư dân mạng Weibo Xina đồn đoán về sự giàu có của gia đình Gao, và cho rằng Gao “cha” có nhiều kẻ thù. Họ đặt nghi vấn vì vụ án mạng xảy ra tại khu nhà ở cao cấp Ronghua tại một khu trung tâm thành phố. Báo The Southern Metropolis Daily lại cho rằng vụ án mạng liên quan chính sách “mỗi gia đình chỉ nên có một con” của Bắc Kinh: vị thẩm phán và vợ đều là cán bộ đảng viên cấp cao ở thành phố Zhoukou và có đứa con đầu năm 1985.
Cán bộ công chức có thể bị khai trừ đảng và bị mất chức quyền nếu vi phạm chủ trương trên nếu có nhiều con. Vì thế, vợ chồng Gao “liều mạng” khi có con trai năm 1995. Đó là bí mật gia đình từ 18 năm nay, kết quả là Gao “con” lớn lên ở nhiều thành phố. Cậu đi học ở trường trung học tại thành phố Luohe hồi 3 năm trước, dù nhà cách trường những 70km và ngày ngày người chị xấu số đưa cậu đến trường, chờ em tan học lại cùng nhau về nhà!
Khu nhà cao cấp của gia đình thẩm phán Gao Tianfeng
Cái giá của nạn học vẹt
Người khác lại đề cập tính tàn bạo của vụ án mạng: “Thằng con thù hận đến cỡ nào mà phải thuê người giết cha và chị ruột? Băng hoại đạo đức, tôi chẳng thể nói gì khác hơn”. Gao “con” bị bắt và cuộc điều tra tạm kết luận: Gao “con” thuê sát thủ giết mướn vì thù hận cha và chị ruột ép hắn sống trong kỷ luật cao, lúc nào cũng ép hắn phải học.
Đây là vụ việc mới nhất liên quan chuyện trẻ em Trung Quốc (TQ) trong độ tuổi đi học bị cha mẹ ép phải học tập tốt, có điểm cao. Ngày 3-5, có thông tin 2 thiếu niên ở miền đông TQ tự tìm đến cái chết vì không thể làm đầy đủ các bài tập về nhà. Báo China Daily đưa tin: một nam thiếu niên 15 tuổi ở Nam Kinh (thủ phủ tỉnh Giang Tô) không làm bài tập về nhà trong 3 ngày nghỉ lễ nên đã nhảy lầu tự sát. Cùng ngày, một thiếu niên 13 tuổi ở Nam Kinh dậy lúc 4 giờ để làm bài, nhưng hai giờ sau, người nhà phát hiện em treo cổ trên cầu thang nhà. Trong thư tuyệt mệnh, chú bé nói rất yêu cha mẹ, xin lỗi họ và mong họ trồng loài hoa em thích trên mộ.
Đó là những cái giá phải trả cho một hệ thống giáo dục chỉ chú trọng “học thuộc lòng như vẹt” để được chấm điểm cao ở cá
c kỳ kiểm tra. Học sinh TQ mất trung bình 6,8 giờ/ngày ở lớp và sau đó còn phải học thêm nhiều giờ nữa. Học sinh chịu sức ép phải học miệt mài, nhất là trước các kỳ thi kiểm tra chuyển cấp vốn có tính tranh đua quyết liệt. Thành công hay thất bại trong các kỳ thi này có thể quyết định tương lai của các em. Mỗi năm tổ chức một lần, kỳ thi “cao khảo” (gaokao – cuộc thi chuyển cấp) này khiến toàn TQ bị cấm bấm còi xe và ngưng mọi công trình xây dựng, cấm xe lưu thông thậm chí cấm cả đám ma, để giúp học sinh tập trung tối đa làm bài thi.
Năm 2011, nghiên cứu của tổ chức Pew Global Attitudes Project có kết quả: TQ là quốc gia duy nhất trên thế giới mà đại bộ phận nhân dân (68%) đánh giá các bậc cha mẹ gây sức ép học tập quá lớn lên học sinh. Một nghiên cứu ở tỉnh Tây Giang còn cho biết: 1/3 học sinh tiểu học bị nhức đầu và đau bụng thường xuyên, hậu quả của việc quá chú trọng thành tích học tập.
Theo thăm dò năm 2007 của Trung tâm Nghiên cứu vì trẻ em và thanh niên TQ, một số học sinh mất 12 giờ/ngày ở lớp, chưa kể số giờ học thêm. Từ lâu, người TQ đã… nổi tiếng về kiểu “học ngày không đủ, tranh thủ học đêm, học thêm chủ nhật” này, và những bậc phụ huynh bị phê phán vì gây sức ép buộc con phải vượt qua những kỳ kiểm tra có tính tranh đua cao.
Về vụ thuê sát thủ của Gao “con”, luật sư Wan Daqiang chuyên về những vụ án liên quan trẻ em, nói phụ huynh nên lưu ý môi trường trực tuyến, do Gao “con” đã thuê kẻ giết mướn qua mạng internet: “90% các vụ mà tôi làm đều liên quan internet. Nghi can thường bắt chước những điều chúng thấy trên mạng, hoặc chúng tìm ai đó làm điều phi pháp trên mạng”. Wan nói Gao “con” có thể bị tuyên án 15 năm tù, nếu như chưa tới tuổi thành niên: “Nhưng cậu ta sẽ không bị tuyên án tử hình nếu trên 18 tuổi. Thường thì tòa án sẽ tuyên một bản án nhẹ vì cậu ta hãy còn là học sinh”.
Xiong Hanzhong, giám đốc trung tâm điều hòa stress cho thanh niên Bắc Kinh, nói chuyện xung đột phụ huynh-con cái là phổ biến, nhưng lần này thì vụ việc đã bị đẩy quá xa: “Thường thì cha mẹ biện hộ rằng họ yêu con, mà không nhận thức được điều gì họ nghĩ là tốt cho trẻ thì lại không làm trẻ thích. Cha mẹ nên tôn trọng, thấu hiểu các nhu cầu thật của trẻ thay vì chỉ huy, bó buộc chúng”. Ông kết luận: “Có thể nghi can Gao có vấn đề về tâm lý, nhưng trẻ em vẫn là một nhóm bị thiệt thòi trong xã hội ngày nay. Cha mẹ của em phải chịu trách nhiệm vì môi trường gia đình họ tạo ra”.
(kenh14.vn)