Những câu chuyện vô cùng cảm động về loài chó
Chú chó bị lạc tinh khôn tìm cách trở về với chủ, chó hiểu tiếng người, chó chết theo chủ… là những câu chuyện vô cùng cảm động về loài chó nuôi mà độc giả Nguyễn Hữu Huấn Số nhà 184 Mai Anh Tuấn, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ.
Chuyện thứ nhất: Con Lu tinh khôn
Tôi chưa bao giờ chứng kiến ai đó nuôi chó và mèo lại khôn như chó và mèo nhà bác tôi. Bác là chị mẹ tôi, bác lấy chồng năm 17 tuổi sinh được 3 người con, bác trai mất khi bác chưa đầy 30 tuổi, bác ở vậy nuôi con. Tôi nhớ vào khoảng giữa năm 1974, nhà bác tôi nuôi 2 con chó con lớn đặt tên là Lu, còn con chó nhỏ tên là gì tôi đã quên mất, với cả một con mèo. Tôi nhớ con Lu nó cực kỳ dữ dằn, đặc biệt là vào buổi tối, ai chỉ chớm bước vào cổng là nó đã xồ ra, sủa váng óc. Có một điều lạ, tuy tôi là người quen, tối nào cũng lên nhà bác ngủ nhưng bao giờ con Lu cũng lao ra sủa, sủa to, nhưng không gắt. Bao giờ bác tôi nói “cậu Huấn hả!” thì nó mới thôi. Còn khi tôi đến mà không ai có nhà thì nó không sủa lấy một tiếng.
Một hôm buổi sáng, Lu mang về một cái túi vải con, trong đựng tiền của ai đi chợ đánh rơi… Con Lu nhiều lần bắt được cá mang về nhà. Khi trời mưa gặp cá lách lên, nó lấy chân gạt cho con cá ra xa rãnh, vũng nước, bao giờ cá yếu thì công về sân báo cho bác tôi biết. Con mèo cũng thế… Một hôm tôi đang học, thấy con mèo cứ kêu: meo, meo, meo, bác tôi nói “Chắc con mèo lại mang cái gì về nhà rồi”, thế là tôi với bác cầm đèn chạy xuống bếp xem, thì thấy ngay con cá quả to bằng cổ chân đang ngoe nguẩy, nằm giữa cửa bếp, mà trên mình không hề xây xát, bác tôi nói: chắc nó ngoạm vào vây lưng công về.
Con Lu thực sự là thành viên trong gia đình, mọi người trong gia đình bác tôi đi đâu về, nó chạy ra lăn xả vào mừng, đuôi ngoe nguẩy suốt, bao giờ bảo “thôi nào!” thì nó mới thôi. Năm đó người ta cấm chó vì có chó điên, bắt phải bán, không thì đập chết. Bác tôi không bán… Họ thành lập các nhóm người đi đến từng nhà có chó dùng gậy đập chết, họ đến nhà bác tôi, khi họ vây đánh, con Lu nhảy xuống ao bơi qua ao rộng chạy thoát, còn con chó nhỏ bị đập chết ngay cửa bếp. Bác tôi về mang ghế lên ủy ban xã chửi đúng 3 ngày cái đứa đập chết chó nhà bác. Bác tôi có con cả đi bộ đội đặc công hy sinh năm 68, nhà lại neo người, nên họ kệ cũng không dám dây… Rồi một năm, đêm ba mươi tết, đón giao thừa nhà nào cũng đốt pháo, có nhà còn nổ cả kíp mìn… con Lu sợ quá, bỏ chạy ra cánh đồng, chắc trời tối, lại đâu đâu cũng đốt pháo nên nó mải miết chạy mà lạc mất đường về… Sáng ra không thấy chó đâu, bác tôi biết ngay là nó sợ pháo chạy mất, nhưng nghĩ: chắc là nó sẽ tìm đường quay về nhà thôi… Chờ mãi, chờ mãi không thấy nó về, mọi người nghĩ rằng đã mất, mọi người, ai cũng ngẩn ngơ vì nó. Đột nhiên đến ngày mùng 10 tết thì nó trở về với một sợi dây xích to ở cổ… Sau tôi nghe một anh bạn kể lại, bạn anh ấy, “thằng Qui Cõn” (anh tên Qui, còn bố tên là Cõn, thời chúng tôi gọi tên bao giờ cũng kèm theo tên bố hoặc mẹ) bắt được con chó to lắm đang hẹn mấy anh em bao giờ qua rằm tháng Giêng thì làm thịt. “Con chó to và ngoan lắm, sáng mùng 1 tết nó vào nhà và thế là anh Qui xích nó vào cột, cho ăn và định ngoài rằm thì làm thịt. Cứ tưởng nó quen nhà rồi nên anh Qui chủ quan buộc không kỹ nên nó chạy mất…”. Tôi biết nó giả vờ ngoan ngoãn, để cuối cùng tìm cách chạy thoát, về với chủ…
Ảnh minh họa.
Sau đó vài năm lại có lệnh cấm chó và lần này họ làm ngặt nghèo hơn, các nhà đều phải bán hoặc làm thịt hết, mọi người khuyên nhủ bác tôi, cuối cùng bác tôi cũng phải dứt ruột bán nó đi. Khi bán bác tôi phải ra khỏi nhà để không phải nhìn cảnh người ta bắt nó đi. Chị tôi đi học về, thấy chó bị bán đi mất, lăn ra khóc, 3 ngày không đi học, hàng tuần vẫn còn khóc vì con Lu. Còn tôi, tuy ít gắn bó với nó, nhưng mấy chục năm qua tôi vẫn nhớ như in hình bóng của nó, nó là con Lu.
Chuyện thứ hai: Chó hiểu tiếng người
Cùng thời với con Lu nhà bác, nhà tôi có nuôi một con chó, đặt tên là Ky. Các cụ thường nói “nuôi chó, nuôi mèo phải có tay”. Chó, mèo không phải ai cũng nuôi được; có nhà nuôi một thời gian thì chết hoặc bỏ đi mất, chó, mèo của chủ nào thì học được tính nết y như của chủ ấy. Cũng chả hiểu tại sao nhà tôi nuôi rất nhiều chó nhưng con nào cũng cực kỳ hiền lành, ban ngày hầu như không nghe tiếng sủa. U tôi đùa: “Chó nhà mình chắc bị câm”; có lẽ một phần do nhà tôi ngay đường, lại cạnh hợp tác xã sản xuất mũ, hàng ngày những người qua đường và người làm tập thể ở hợp tác cứ chạy vào xin múc nước mưa trong bể uống, nên chó sủa lắm mỏi mồm mà chả có tác dụng gì nên thế hệ trước truyền cho thế hệ sau không thèm sủa nữa.
Khi họ cấm chó, nhà tôi cũng phải bán đi, hôm trước bố tôi nói loáng thoáng là ngày mai bán nó cho tổ lực điền để họ liên hoan. U tôi nghe thấy, vội nói: ấy đừng nói nữa, nói thế, nó biết thì sao mà bắt được nó. Y như rằng sáng hôm sau người ta đến bắt nó thì không thấy nó đâu nữa, bữa trưa cũng không thấy nó về ăn, chập tối mới thấy nó về, cứ lảng lảng có vẻ cảnh giác lắm. Hôm sau khi nó vào trong nhà, bố tôi đóng cửa lại để họ đến bắt, khi họ vào bắt không hiểu sao nó vọt qua được cửa sổ, mà khoảng cách giữa hai chấn song thì cực bé… chắc trong giờ phút sinh tử nó đã làm cái việc mà bình thường dù có cố gắng mấy nó cũng không bao giờ làm được…
Và rồi cuối cùng, cũng phải bán nó đi, hôm họ bắt nó, tôi về chạy ra nhìn thấy nó bị nhốt trong lồng, đuôi vẫy vẫy mà nước mắt cứ chảy ròng ròng; không thể nhìn thấy cảnh ấy được nữa, tôi vội chạy ra chỗ khác mà cổ họng nghẹn đắng.
Chuyện thứ ba: Chó chết theo chủ
Bà mà tôi sắp kể đây, là chị ruột bà ngoại tôi. Bà có 3 người con trai, bác cả đã ra ở riêng, bà ở chung với gia đình bác thứ hai và thứ ba. Bác thứ hai có 3 người con, bác thứ ba có 8 người con, thật là một đại gia đình. Bà tôi là người chỉ huy, người quản lý toàn bộ kinh tế trong gia đình, mặc dù bác thứ hai là chủ nhiệm hợp tác xã mua bán, bác thứ ba là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp lững lẫy một thời, cũng đã nhiều tuổi, nhưng một điều thưa mẹ, hai điều thưa mẹ, và không bao giờ dám làm trái ý bà, cả cái đại gia đình đồ sộ ấy tuyệt nhiên không bao giờ xảy ra mâu thuẫn. Cho đến bây giờ tôi cũng không thể hiểu được tại sao bà lại chỉ huy được, mà bà thì rất ngọt ngào, nhẹ nhàng, chắc bà phải rất công minh và đầy sức thuyết phục mới giữ cho cái đại gia đình ấy được êm ấm. Khoảng năm 1983 khi ấy bà 93 tuổi, bà mất, trước khi mất bà tôi đã kịp làm 2 cái nhà mới để cho hai bác ra ở riêng, nhà cũ đang ở, bà bảo cho anh Phúc, con trai lớn nhà bác thứ ba do anh ấy bị cảm mạo, liệt một bên tay, cần được giúp đỡ. Không ai thắc mắc gì.
Chú chó Capitan đã bỏ nhà đến nằm bên mộ chủ nhân Argentinian Miguel Guzman (Đức) trong suốt sáu năm sau khi ông mất.
Bà tôi có nuôi một con chó đen, năm bà mất, nó đã được hơn 14 năm rồi, nó đã trở thành thành viên không thể thiếu được của đại gia đình ấy. Trước khi mất, bà dặn hai bác: sau khi mẹ mất thì con chó nó cũng chết, các con phải chôn nó… sau này cái xương của nó có thể nấu cao, vì nó cũng rất tốt. Và đúng như thế. Bà mất rồi, nó cứ quanh quẩn, nước mắt ròng ròng… thời gian sau nó cứ ăn ít dần, lịm dần… khoảng ba tháng sau thì nó mất.
Bác tôi, theo lời bà dặn, đem chôn nó dưới gốc cây khế, và chắc cũng không ai động đến bộ xương của nó.
Và những câu chuyện khác
Ông ngoại tôi kể lại ngày xưa cũng hay ăn thịt chó . Nhưng có lần cắt cổ con chó nhà, lỡ để sảy mất. Chiều trở về, cổ vẫn còn dính máu me nhưng khi gặp ông nó vẫn mừng rỡ, ngoắt đuôi! Kể từ đó ông bỏ hẳn, không ăn thịt chó nữa. Còn rất nhiều chuyện thật về chó như thất lạc xứ người đến 5-7 năm khi mò về được đã vô cùng mừng rỡ khi gặp chủ cũ! Chó cứu chủ, chó nằm cạnh mộ chủ, chó chung tình, chó trung thành… Dũng ([email protected])
Cách đây 22 năm, tôi lâm vào cảnh phá sản. Nồi cơm, thường ngày chia thành hai phần, phần dưới là cơm gạo, phần trên là cơm sắn. Cơm gạo dành cho cha tôi và hai con nhỏ, cơm sắn dành cho hai vợ chồng và con chó nhỏ. Một lần, nhà có được đĩa thịt lợn, khi dọn sơ suất không ai trông nên con chó đã lẻn xơi mất đĩa thịt. Tôi tức giận gọi nó vào, dúi mũi nó vào đĩa thịt mà đánh nó để cho nó nhớ. Từ đó, mỗi lần tôi gọi nó cho nó ăn cơm nó cứ chạy đi, rồi sau mới lấm lét vào ăn. Năm sau đó, gia đình tôi đi làm ăn xa, tôi giao nó cho chị gái tôi nuôi. Một hai năm sau về, tôi gọi nó, nó vẫn vậy, lấm lét không dám đến gần tôi. Tôi lấy cơm, thịt cho vào bát và để ra gần chỗ nó nằm để khi nào nó cảm nhận “không có tôi” nó sẽ ăn. Giờ đây, nó không còn nữa nhưng lòng tôi vẫn nhớ nó, thương nó và ân hận vì việc mình đã cư xử với nó như vậy. Hồ Nam Mai ([email protected])