26 năm sinh 15 đứa, chồng bảo có đẻ thêm cũng vẫn nuôi
Cách đây 2 năm, câu chuyện về chị Nguyễn Thị Sâm (47 tuổi, Nghệ An) – người phụ nữ trong 26 năm đẻ 15 đứa con với 3 lần sinh mổ đã khiến nhiều người giật mình. Họ không thể tin rằng, ở xã hội hiện đại lại có cặp vợ chồng đông con đến thế!
Nói về việc liên tục mang bầu và sinh nở, chị Sâm ví von “Mình giống như cái cây, cứ đến mùa thì ra trái, không có ai bứng ngọn”.
Được biết, con trai đầu lòng của vợ chồng chị Sâm sinh năm 1991, sau đó lần lượt là ba cô con gái chào đời vào năm 1993, 1996, 1998. Năm 1999, cậu con trai thứ 5 cất tiếng khóc. Sau đó cứ cách 1-2 năm, anh chị lại háo hức chào đón thêm một thành viên mới.
Đến ngày 20/6/2017, chị Sâm sinh đôi hai bé gái tại Bệnh viện Từ Dũ trong lúc cả gia đình vào Sài Gòn du lịch, nâng tổng con số lên 15, gồm: 9 gái và 6 trai.
Vợ tôi sinh dễ lắm
Anh Thịnh (47 tuổi) – chồng chị Sâm chia sẻ về việc sinh nở của vợ, người cha nói: “Gia đình chúng tôi rất bất ngờ khi được chào đón thành viên thứ 14, 15 tại bệnh viện Từ Dũ, TP. HCM. Lúc đầu, cả hai dự định sau chuyến du lịch, vợ tôi sẽ về quê sinh con vì ở nhà có người thân chăm sóc tiện hơn. Qua 14 lần sinh, tôi nhận thấy vợ sinh con rất dễ, cứ đến ngày chuyển dạ, vài tiếng là em bé chào đời. Có lần mới tới trạm xá, hai vợ chồng đang ngồi nói chuyện thì em bé đã chào đời ngay tại khu vực chờ sinh khiến nhiều người bất ngờ”.
Theo anh Thịnh, sau những lần sinh dễ thì những lần sinh sau này khó khăn hơn vì chị Sâm cũng lớn tuổi. Lần này, thai kỳ có sự cố, mới 32 tuần đã chuyển dạ nên 2 con chào đời sớm hơn dự kiến. Anh chia sẻ thêm, vì gia đình quan niệm có nhiều con thì gia đình thêm vui vẻ, hạnh phúc nên không mấy bận tâm đến việc sinh nhiều con.
Anh Thịnh cũng cho biết lý do vì sao gia đình đã rất đông con nhưng vẫn quyết định sinh thêm. “Vợ chồng tôi theo đạo Thiên chúa. Luật của đạo dạy rằng, khi lập gia đình tuyệt đối không được kế hoạch hóa. Vì vậy chúng tôi cứ chừng 2 năm sinh thêm một cháu.
Dù đông con hơn các cụ xưa nhưng tôi không quá bận tâm vì vẫn đủ điều kiện nuôi con lớn khôn. Bản thân tôi là một người rất yêu thương trẻ con nên được ‘ban’ bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Thậm chí, nếu bà xã tiếp tục mang thai, tôi sẽ vui lòng đón nhận”, anh Thịnh tâm sự.
Được biết, công việc hiện tại của anh Thịnh là đang làm kinh doanh bất động sản, nhờ công việc thuận lợi nên cũng đủ trang trải và nuôi con khôn lớn. Anh chỉ cầu mong các con mạnh khoẻ khi lớn lên và sẽ cố làm việc để lo cho 15 đứa con ăn học đến nơi đến chốn.
Anh còn vui vẻ cho biết, 15 đứa con, nên hầu như làm cái gì, gia đình anh Thịnh cũng phải nhân đôi. Đi du lịch cả nhà phải dùng hai chiếc xe con. Để con được no bụng, mỗi bữa, chị Sâm phải nấu khoảng 3 bát gạo (gần 2kg), rau hai mớ, gà hai con…
Anh Thịnh ước tính, tiền ăn riêng cho các con (chủ yếu là ăn sáng và sữa) mỗi tháng hết khoảng 15 triệu, mỗi ngày khoảng 400 nghìn đồng. Đổi lại nhà đông con cũng có nhiều lợi thế, anh chị em có thể mặc thừa quần áo hay dùng lại sách giáo khoa của nhau.
“Hồi đầu cuộc sống khó khăn, gia đình chỉ có mấy sào ruộng nhưng chúng tôi không bao giờ bỏ bê lũ trẻ. Sau đó tôi mới vay vốn ngân hàng tập tành kinh doanh, cuộc sống khá giả nên các con được ăn uống đầy đủ hơn. Bởi vậy những bé sau cao lớn và thông minh hơn các anh chị của chúng”, anh Thịnh nói.
Bọn trẻ đều tự lập, anh chị lớn thì phụ mẹ chăm sóc những em nhỏ
Dường như, những đứa trẻ hiểu được khó khăn, vất vả của cha mẹ nên rất chăm ngoan, học giỏi và biết yêu thương lẫn nhau. Đến giờ ăn, chúng cùng nhau dọn bữa, gắp cho nhau miếng thịt miếng cá. Tối đến, chị lớn dạy em nhỏ học bài, giục các em đánh răng và đi ngủ.
Em Hoàng Lan (21 tuổi) – con gái thứ 4 của vợ chồng chị Sâm cho biết, giờ đây anh chị em của em đã lớn và biết phụ mẹ làm việc nhà, trông em. Vì thế thời gian qua chị Sâm chỉ tập trung chăm sóc cho hai đứa con gái út.
“Gia đình em có một cuộc sống khá hay và khác biệt so với những nhà khác. Cứ 4h sáng, chúng em đều được ba mẹ gọi dậy đi lễ nhà thờ, trừ những em bé thì được ngủ tiếp. Sau đó, em và anh chị về nhà dọn dẹp, ăn sáng rồi chuẩn bị đến trường.
Thường ba mẹ em dùng một cái chuông nhỏ để đánh thức chúng em dậy. Nó cũng dùng để mẹ lắc mỗi khi đến bữa ăn. Chỉ cần nghe tiếng chuông, chúng em liền chạy vào nhà bếp, ngồi xuống chiếu và… mỗi đứa một bát”, Hoàng Lan kể.
Lan còn cho biết thêm: “Vì nhà em có nhiều anh chị em nên ai cũng ý thức được việc phải tự lập. Do đó 2 đứa nhỏ cũng nhận thức được việc tự lập và yêu thương lẫn nhau. Ví dụ như chơi xong búp bê, chúng liền cất gọn trong giỏ hoặc đến bữa, thấy anh chị chạy vào nhà ăn là lon ton theo sau. Chúng cũng xin cơm rồi lấy thức ăn bỏ vào bát từng anh chị”.
Gia đình đông con nhiều lúc bữa ăn thiếu một thành viên, cả nhà cũng không ai phát hiện ra. Mãi đến khi xong bữa, đứa trẻ đi chơi bên hàng xóm lò dò trở về, mọi người mới bật cười.
Bọn trẻ thỉnh thoảng cũng có bất đồng nhưng hiếm khi xảy ra tranh cãi nên bố mẹ chưa từng phải làm trọng tài để phân xử bao giờ. Tình cảm anh chị em trong nhà quấn quýt đến mức khi mẹ vào Sài Gòn mang theo cậu em Đăng Khoa, cậu anh Văn Minh chỉ có ước mơ duy nhất là “bay vào hôn em một cái rồi về lại Nghệ An cũng được”. Thấy các anh chị lớn chăm sóc các em nhỏ, cô em Quỳnh Như cũng đòi tắm cho các em, rồi làm việc nhà đỡ đần các anh chị.
Nói về chuyện học hành của các con, anh Thịnh cho biết vợ chồng anh không phải nhắc các con học, bọn trẻ đã tự bảo ban nhau rồi. Anh cũng không ép con phải học theo ý mình mà luôn hỗ trợ ở mức tốt nhất. Trừ cậu con cả mất sớm, hai cô con gái lớn đều học xong đại học, cô thứ ba du học Mỹ rồi lấy chồng ở Mỹ luôn. Cô thứ tư Hoàng Lan vừa tốt nghiệp cấp ba cũng đang được cha mẹ chuẩn bị cho đi du học.
Hiểu được những vất vả của người vợ hơn chục lần mang nặng đẻ đau, dù đang làm việc tại TP.HCM nhưng anh Thịnh luôn cố gắng sắp xếp để hàng tuần về nhà, chia đều thời gian ở trong Nam và ngoài Bắc. Những ngày chị nằm Bệnh viện Từ Dũ sau sinh, anh cố gắng đi làm về sớm hơn để có nhiều thời gian bên chị.
Dẫu cuộc sống có nhiều khó khăn, song vợ chồng anh Thịnh chị Sâm chưa bao giờ cảm thấy hối hận khi sinh 15 đứa con. Với anh chị, con cái chính là lộc trời cho và niềm hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này. Giờ đây, họ chỉ mong ước có sức khỏe làm lụng kiếm tiền nuôi các con trở thành người tốt cho xã hội.
Chúc Di (t/h)