Nhiễm bệnh từ thói xấu ‘vớ gì ăn nấy’ của người Việt
– Vừa ăn vừa nói, vừa uống bia rượu vừa “zô zô”, vừa nhai nhồm nhoàm vừa đùa cợt, sử dụng chung nước chấm, nước canh… đều là những thói quen xấu của nhiều người Việt khi ăn uống… Những điều tưởng chừng rất nhỏ nhặt nhưng hóa ra lại là con đường lây nhiễm bệnh tật hết sức dễ dàng. Nhiều người biết sẽ mắc bệnh, thấy người khác chết vì ăn nhưng vẫn không sợ.
Ăn uống hỗn độn
Trong các quán bia hơi tại các thành phố lớn, cảnh tượng người ta thường thấy là bia được mang ra liên tục. Khi uống, người uống thường đứng dậy cụng ly và “zô zô” đầy khí thế.
Thậm chí, chẳng hiếm chuyện thực khách vừa uống vừa … hát, ca cải lương, hò vè để cuộc nhậu thêm phần thú vị.
Ngoài ra, người Việt đi ăn nhậu còn có trò “ép” nhau uống thật say thì mới vui, mới thỏa mãn và cuộc vui thường kết thúc khi chỉ còn rất ít người tỉnh táo.
Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới (Ảnh minh họa: Internet) |
Nhiều người có tâm lý “sợ đi nhậu” chỉ vì không uống được bia rượu nhưng cứ bị ép.
Đây là những quan sát của ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (nay là Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế).
“Dùng rượu bia vô độ như thế khiến con người ta bệ rạc, không còn văn hóa, gây ô nhiễm đô thị, tai nạn giao thông. Năm nào cũng có hàng ngàn người chết vì tai nạn giao thông, chủ yếu liên quan đến bia rượu. Vậy mà nhiều người vẫn chưa giác ngộ”, ông Đáng cho hay.
Không chỉ hỗn độn về cách ăn, người Việt còn hỗn độn ở chỗ vớ gì ăn nấy, ăn cả những món nguy hiểm, có người chết rồi vẫn không sợ.
Ăn uống chung chạ, mất vệ sinh là nguồn lây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (Ảnh: C.Q) |
“Vì ăn kiểu như vậy họ không chết ngay nên không sợ. Dù đã ra sức cảnh báo nhưng người dân vẫn vô tư dùng rau sống, ăn tiết canh, cá sống (gỏi), … làm các bệnh lây truyền qua thực phẩm tăng mạnh. Nhiều người có giun sán trong các cơ quan trong cơ thể, có người ăn tiết canh phải trả giá bằng sinh mạng của mình”, ông Đáng nhấn mạnh.
Ăn mất vệ sinh – Đường lây bệnh tật dễ dàng
Qua phân tích của T.S, B.S. Đặng Lịch, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu Nghị, có thể thấy những thói quen đang hiện hữu hàng ngày trong cuộc sống của người Việt khiến nguy cơ lây bệnh rất cao.
Trước tiên là thói quen rửa tay trước khi ăn hầu như không có (tỷ lệ người rửa tay trước khi ăn chỉ dưới 20%).
Trong khi đó, bàn tay rất bẩn, là nơi trú ngụ của hàng ngàn vi khuẩn, vi trùng và là nguồn lây truyền bệnh rất “hiệu quả”.
Bàn chân bị hoại tử của một người bệnh mắc liên cầu khuẩn do ăn tiết canh. Nhiều người vì thói quen ăn uống mất vệ sinh đã phải trả giá bằng tính mạng của mình |
Ngoài ra, trong lúc ăn uống, người Việt Nam thường ăn chung và gắp thức ăn cho nhau. Chưa nói đến mặt tình cảm, giao tiếp xã hội mà chỉ xét ở góc độ vệ sinh thì việc này vô cùng… mất vệ sinh!
“Mỗi người một đôi đũa, gắp thức ăn cho vào miệng mình rồi lại lấy đũa đó chấm vào bát nước mắm, khuấy vào bát nước canh, đảo và gắp thức ăn từ các đĩa, để lại trong đó bao nhiêu vi khuẩn, vi trùng từ nước bọt và miệng mà ra, rồi sau đó người khác lại tiếp tục ăn thì bảo sao mà không lây bệnh?”, bác sỹ Lịch lắc đầu ngán ngẩm.
Chưa hết, thói quen vừa ăn vừa nói nhồm nhoàm, vừa uống vừa zô của đại đa số thanh niên Việt Nam là điều khiến ông Lịch lo ngại.
“Chỉ nói không thôi nhưng từ miệng ta nước bọt đã bắn ra rồi. Đằng này vừa ăn vừa nói, nước bọt bắn tung cả ra, mang theo vô khối mầm bệnh”, vị bác sỹ già than thở.
Nói ra, ông sợ người ta bảo mình là bác sỹ nên nhìn đâu cũng thấy vi trùng, nhưng ông khẳng định đây đều là những điều rất thực tế, đang diễn ra hàng ngày hàng giờ.
Ông lấy ví dụ về cách ăn uống rất vệ sinh và văn minh của người Nhật: Cùng là đi nhậu nhưng mỗi người Nhật dùng một khay thức ăn riêng, khay của người nào cũng đầy đủ các món, rượu cũng dùng riêng chứ không ăn chung hổ lốn.
Trong quá trình nhậu, họ rất từ tốn, không “zô zô” hay ép uổng nhau ăn uống “kịch liệt” như người Việt.
Chết vì “trêu ngươi thần chết” – 6 ngày Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hơn 1.000 ca cấp cứu, chấn thương, trong đó có đến hơn một nửa do bị tai nạn giao thông, 70% số tai nạn này do sử dụng bia rượu. Có khoảng 30 người bệnh được gia đình “xin về” vì quá nặng. Số còn lại được cấp cứu nhưng để lại nhiều hậu quả nặng nề. Cả nước có trên 200 ca tử vong vì tai nạn giao thông trong dịp Tết. – Tương tự, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 16 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn do ăn tiết canh lợn, trong đó có 4 ca nặng, 2 ca tử vong. – Trung tâm chống độc – bệnh viện Bạch Mai là đơn vị tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu. Trong dịp Tết vừa qua, 2 người đã tử vong vì ngộ độc rượu. Đây chỉ là một vài ví dụ rõ ràng minh chứng cho hậu quả của thói ăn uống “trêu ngươi thần chết”. Điều đáng buồn là năm nào những câu chuyện này cũng lặp lại, dù đã được cảnh báo nhiều lần, để lại hậu quả đau lòng cho gia đình và xã hội. |
Cẩm Quyên
(vietnamnet.vn)