Quan điểm giáo dục của Tagor – thiên tài đa năng
Tagor (1861 – 1941) sinh ra tại Ấn Độ. Ông là nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ thuật nổi tiếng thế giới.
Tagor đã từng đạt giải Nobel văn học năm 1913. Ông là một con người đa tài, ông gần như tinh thông tất cả các lĩnh vực như: văn học, lịch sử, triết học, nghệ thuật, chính trị, kinh tế,… Các tác phẩm của ông tràn đầy dòng yêu nước và tinh thần dân chủ, đồng thời cũng mang đậm bản sắc dân tộc. Điều này không chỉ làm cho nhân dân Ấn Độ rất tự hào mà còn làm cho độc giả trên khắp thế giới cảm thấy vô cùng thích thú. Tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và được chào đón nồng nhiệt ở khắp mọi nơi. Trong cuộc đời mình, Tagor đã đạt được nhiều thành tựu to lớn: ông đã viết mười hai bộ tiểu thuyết dài tập, hơn một trăm truyện ngắn, hơn hai mươi kịch bản và nhiều tác phẩm văn sử lớn, ông còn dể lại 1500 bức tranh và sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng.
Gia đình Tagor thuộc một dòng dõi quý tộc cổ xưa ở Ấn Độ. Cha Tagor là người thông minh, kín đáo, sống rất giản dị và liêm khiết, được các nhân sĩ lúc bấy giờ tôn xưng là “đại tiên”. Ông tán thành phong trào phổ cập văn hoá và cải cách xã hội… Bản thân ông cũng là nhà triết học và là nhà cải cách tôn giáo nổi tiếng của Ấn Độ.
Ông quản lý và giáo dục con cái rất khoa học. Sự phát triến trí tuệ và nhân cách của Tagor đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ ông.
Trong cuốn hồi ký của mình, Tagor viết: “Trẻ con ngày nay có lẽ sẽ chê cười cách ăn mặc của tôi. Khi tôi chưa đầy mười sáu tuổi, cho dù là trong trường hợp nào chúng tôi cũng không được phép đi giầy, tất. Mùa đông, bên ngoài áo sơ mi, nhiều nhất cũng chỉ được mặc thêm một chiếc áo bông ngắn tay. Từ trước đến nay, tôi chưa từng thấy có thời gian nào mà phải ăn mặc thiếu thốn như vậy. Chúng tôi chỉ cần có một chút đồ ăn là cảm thấy hạnh phúc lắm rồi, ăn hoa quả thì không bao giờ vứt vỏ đi. Ngày nay lại có rất nhiều đứa trẻ con nhà giàu vì được ăn uống quá đầy đủ mà sinh ra bệnh tật”.
Khi nhớ lại sự giáo dục mà cha mẹ dành cho mình, Tagor luôn cảm thấy vui sướng và tự hào, ông không chỉ tránh được những thói hư tật xấu do những người bề trên quá chiều chuộng gây nên mà còn rèn được thói quen sinh hoạt khoa học và có được một cơ thể cường tráng cùng một tâm hồn khoẻ mạnh.
Trong cuốn “Thời niên thiếu của tôi”, ông viết: “Tôi không hề gầy yếu hơn những đứa trẻ được ăn uống đầy đủ mà thậm chí còn có sức khoẻ tốt hơn chúng. Dù cho quần áo, giầy tất tôi mang trên người đều ướt cả nhưng tôi cũng không hề bị cảm. Tối mùa thu tôi vẫn nằm ngủ suốt đêm ở ngoài ban công. Cha tôi đã rèn cho tôi như vậy, ông cho rằng càng trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt thì thân thể và tâm hồn con người càng trở nên khoẻ mạnh hơn”.
Tagor cũng kiến nghị với các bậc cha mẹ nên học tập cách rèn con như cha mình và không nên quá chiều chuộng con. Về vấn đề này, ông nói một cách rất hài hước: “Làm như vậy, không những tiết kiệm được chi phí ăn mặc mà còn tiết kiệm được tiền đi mời bác sĩ”.
Cha Tagor từ trước tới nay không can thiệp đến sự tự do của con cái.
Trong ghi chép hồi ức của Tagor có viết: “Bố tôi cả đời không can thiệp vào sự tự do của chúng tôi”. Có mấy lần việc làm của tôi trái với tình cảm và ý nghĩ của bố, bố chỉ cần ngầm ra hiệu là có thể ngăn chặn được nhưng bố không làm như vậy. Bố tôi cho rằng, trước khi sức mạnh của sự cấm kị nội tâm chưa sinh ra thì tốt nhất là chờ đợi. Nếu tiếp thu ý kiến một cách tiêu cực thì sẽ không thể làm cho con người thoải mái.
Cha Tagor hiểu rằng: “Nếu ép buộc con cái làm một điều gì đó mà chúng không thích thì cả ông và chúng tôi đều sẽ thất bại”.
Năm Tagor hai mốt tuổi cha tổ chức lễ trưởng thành cho ông. Sau khi buổi lễ kết thúc cha Tagor hỏi ông có muốn cùng mình đi du lịch ở núi Himalaya hay không. Tagor vui mừng tới mức nhảy cẫng lên. Tất nhiên và ông đồng ý.
Trước khi đi, cha Tagor nhắc con chuẩn bị mọi thứ thật cẩn thận: đồ ăn, quần áo và tiền. Cha cũng hướng dẫn Tagor lên kế hoạch cho từng ngày du lịch. Và chuyến du lịch đã diễn ra đúng như Tagor mong đợi. Suốt bốn tháng liền, hai cha con phiêu du khắp mọi nơi mà nơi nào đi qua cũng để lại cho Tagor dấu ấn khó quên. Tagor được ngắm nhiều cảnh đẹp, gặp gỡ nhiều người và học được nhiều điều bổ ích. Bốn tháng này chính là thời gian hạnh phúc nhất và có giá trị nhất trong cả quãng đời thơ ấu của ông. Mỗi lần nhớ lại chuyện này ông đều vô cùng xúc động và thầm cảm ơn cha đã cho ông thấy thế nào là cuộc đời.
Người xưa có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Cha Tagor đã dùng cách này để dạy dỗ con trai. Và không còn nghi ngờ gì nữa, chính sự giáo dục này đã đặt nền tảng quan trọng cho sự thành công sau này của Tagor.
( Theo bachkhoatrithuc)