Khi TQ coi dầu Biển Đông là tài sản quốc gia
Trong lúc báo chí phương Tây bận rộn với các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên cũng như hành xử của Bắc Kinh với Nhật Bản xung quanh tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, thì những vấn đề hàng hải khác cũng đang được đẩy lên cao ở phía nam, nơi Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Ảnh: naturalgasasia |
Bắc Kinh khăng khăng yêu sách chủ quyền với các bản đồ và viện dẫn lịch sử cổ xưa bất chấp Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 nhằm tháo gỡ căng thẳng trong vùng biển.
Cơ quan thông tin năng lượng của Mỹ (EIA) trong báo cáo ngày 7/2 về Biển Đông nói rằng: “Biển Đông là tuyến đường thương mại thế giới quan trọng, và là tiềm năng hydrocarbon, đặc biệt là khí tự nhiên, với sự cạnh tranh chủ quyền với vùng biển và các nguồn tài nguyên của nó. EIA ước tính Biển Đông chứa đựng gần 11 tỉ thùng dầu và 190 nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên đã được minh chứng và dạng tiềm năng trữ lượng”.
Đánh giá của EIA còn thấp hơn nhiều báo cáo của cục Khảo sát địa chất Mỹ với ước tính Biển Đông có thể chứa gần 28 tỉ thùng dầu. Trung Quốc thì thậm chí ước tính Biển Đông chứa gần 200 tỉ thùng dầu.
Không ai biết chắc, nhất là khi hải quân Trung Quốc ngày càng tăng cường quấy nhiễu các tàu nước khảo sát nước ngoài.
Chỉ rõ một điều rằng dự đoán khiêm tốn của EIA sẽ chỉ làm gia tăng tranh chấp đa quốc gia ở Biển Đông, cho dù là trữ lượng 11 tỉ thùng, 28 tỉ thùng hay 200 tỉ thùng.
Theo EIA, ba tháng trước, công ty Dầu khí ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ước tính vùng biển này chứa 125 tỉ thùng dầu và 500 nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên chưa được khai thác, cho dù các nghiên cứu động lập chưa xác nhận con số này.
Sẽ có các cuộc thương thảo tháo gỡ tranh chấp? EIA báo cáo: “Vượt khỏi nỗ lực thăm dò và sản xuất (E&P) đơn phương tại lãnh thổ tranh chấp, một số nước đã chọn cách hợp tác ở Biển Đông. Malaysia và Brunei đã giải quyết tranh chấp năm 2009 và cùng hợp tác thăm do ngoài khơi bờ biển Brunei. Thái Lan và Việt Nam đã cùng phát triển các khu vực ở Vịnh Thái Lan. Những trường hợp hợp tác thành công này đi ngược lại với tình hình đang diễn ra ở một số phần Biển Đông khi nhiều bên còn tranh chấp và có rất ít các bước đi phát triển năng lượng”.
Bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước, Trung Quốc vẫn đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông.
EIA kết luận về các tác động của tranh chấp: “Biển Đông về mặt lịch sử là nguồn gốc xung đột giữa các quốc gia”.
Dựa vào Công ước LHQ về Luật Biển, Philippines muốn đưa Trung Quốc ra một toà án quốc tế với hy vọng yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của họ ở vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa lân cận.
Củng cố quyết tâm của Manila là thực tế Mỹ đang trong quá trình đàm phán để trở lại các căn cứ quân sự cũ tại Philippines như sân bay Clark và Vịnh Subic.
Và, hàng tỉ thùng dầu đang được đưa lên bàn đặt cược.
Thái An (theo oilprice)
(vietnamnet.vn)