Việt Nam dự kiến 1 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài
Thứ năm, 14/2/2013, 11:11 GMT+7
Dự kiến trong năm 2013, vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 1 – 1,5 tỷ USD; vốn thực hiện sẽ khoảng 900 triệu – 1 tỷ USD.
Đến năm 2013, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, khẳng định sự nỗ lực và bản lĩnh của doanh nghiệp Việt, mở ra một cánh cửa với nhiều hi vọng cho những chiến lược kinh doanh mới. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lập cơ sở làm ăn tại nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị trường, đồng thời có cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ cao, học hỏi những ứng dụng trong công nghệ thông tin, từ đó nâng dần năng lực cạnh tranh. Dự kiến trong năm 2013, vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài đạt khoảng 1 – 1,5 tỷ USD; vốn thực hiện sẽ khoảng 900 triệu – 1 tỷ USD.
Dầu khí là lĩnh vực thế mạnh trong đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Ảnh: Việt Tuấn |
Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chính thức khởi động từ năm 1989, cột mốc đầu tiên là dự án liên kết giữa đối tác Việt Nam và một đối tác của Nhật Bản, số vốn đăng ký là 563.380 USD. Ở giai đoạn đầu, xu hướng này được xem là những bước thăm dò cơ hội. Vì vậy, trong năm 1989 – 1998, cả nước chỉ có 12 dự án đăng ký ra nước ngoài đầu tư. Tình hình cải thiện hơn khi bước sang giai đoạn năm 1999-2005 với 128 dự án đăng ký, theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Song, nếu nói về số lượng và quy mô phải nhắc đến giai đoạn 2006 – 2012. Tính từ năm 2006 đến tháng 9/2012, 578 dự án được cấp phép đầu tư nước ngoài. Điểm đến của các nhà đầu tư Việt Nam, ngoài các thị trường lân cận, quen thuộc như Lào, Campuchia, Nga, doanh nghiệp đã đi tới cả những quốc gia vốn đang là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, châu Âu, châu Mỹ Latin..
Những năm vừa qua, làn sóng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến 20/12/2012, 712 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD.
Đến nay, Việt Nam đã đầu tư vào 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong năm 2012, có 75 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lũy kế đến hết năm 2012, vốn thực hiện ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD. Riêng năm 2012 vốn thực hiện đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2011. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã từng bước đi vào nề nếp, có một số dự án đã bước đầu thành công và đã chuyển lợi nhuận về nước.
Xu hướng đầu tư ra nước ngoài đang có sự gia tăng đáng kể vào những địa bàn phù hợp với định hướng đầu tư của Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanmar… và vào những ngành, lĩnh vực chiến lược Việt Nam có kinh nghiệm như dầu khí, thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông… Hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động Việt Nam và hàng vạn lao động của nước tiếp nhận đầu tư. Đến nay, đầu tư ra nước ngoài ở nhiều lĩnh vực đã đạt được nhiều thành công như lĩnh vực dầu khí, bưu chính viễn thông.
Như thông tin mà ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài công bố, một số dự án ở lĩnh vực dầu khí, viễn thông và cao su của doanh nghiệp Việt đã chuyển lợi nhuận về nước khoảng 430 triệu USD.
Định hướng trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến ban hành các cơ chế đặc thù đối với hoạt động đầu tư sang các nước lân cận. Như vậy, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế đẩy mạnh hoạt động, khai thác thị trường như Lào, Campuchia. Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 9/2012, Việt Nam đã có 222 dự án được cấp phép đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký là 3,8 tỷ USD.
Số liệu của Hội đồng Phát triển Campuchia cũng cho thấy, giai đoạn năm 1994-2012, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư trên 1,5 tỷ USD trong tổng vốn 50 tỷ USD FDI của 2.000 dự án được Campuchia cấp phép.
Nói đến đầu tư nước ngoài có thể nhắc đến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Ngoài đầu tư các dự án cao su, đến thời điểm này, HAGL không chỉ là đơn vị tiên phong đầu tư vào lĩnh vực khách sạn-du lịch mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất (chiếm 26%) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khách sạn-du lịch và trung tâm thương mại tại Myanmar.
Lĩnh vực dầu khí cũng được xem là thế mạnh của Việt Nam khi đầu tư ra ngoài nước. Tại Nga, Việt Nam là quốc gia nước ngoài duy nhất được cấp phép tham gia các hoạt động thăm dò dầu khí. Ông Maxim Golikov, đại diện Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, Công ty liên doanh TNHH RusVietpetro giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Nga được thành lập, và cấp phép khai thác 4 mỏ tại khu tự trị Yamalo-Nenetsky và từ tháng 9/2010 đã bắt đầu khai thác.
Theo báo cáo của PVN, hết quý III/2012, doanh nghiệp đã đầu tư ra nước ngoài 5,28 tỷ USD, trong đó vốn đã chuyển ra nước ngoài để thực hiện là 1,81 tỷ USD. Hiện tại, PVN đang thúc đẩy công tác tìm kiếm, thăm dò nhiều dự án dầu khí ở một số quốc gia.
Công nghệ thông tin bưu chính viễn thông cũng là điểm sáng trong hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam, tiêu biểu nhất là hoạt động đầu tư của Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel).
Như thông tin Viettel cho biết, sự kiện Công ty Viettel Cameroun S.A.R.L (liên doanh giữa Viettel Global và Công ty Bestinver Cameroon S.A.R.L) thắng thầu giấy phép nhà cung cấp di động thứ 3 tại thị trường Cameroon đã mở ra cơ hội kinh doanh mới cho Viettel. Cameroon là thị trường nước ngoài thứ 7 Viettel kinh doanh sau Campuchia, Lào, Haiti, Peru, Mozambique và Đông Timor.
Tìm kiếm những cơ hội mới ở những thị trường mới là điều đáng khích lệ, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng gửi gắm đến các doanh nghiệp hãy đi những bước chậm rãi để chắc chắn, cần tìm hiểu kỹ luật định, đường đi của nước bản địa dự định đầu tư để tránh những cú “ngã ngựa” đau đớn.
Theo VnEconomy
(vnexpress.net)