Murakami và ẩn ức bên trong “Quả trứng”
– Rốt cuộc, người đọc cũng có thể hiểu rằng, Murakami đang chiến đấu với một điều gì đó. Hệ thống, Bức tường, hay Cỗ máy – theo cách mà ông gọi ở những lần khác nhau.
Độc giả trẻ thích Murakami bởi nỗi buồn và sự mất mát từ nếp sống, sự sang trọng và u uẩn trong âm nhạc. Những tưởng ông chỉ ngồi đó, nhâm nhi thứ nghệ thuật Tây phương và chỉ có cái tên nhân vật là còn thuộc về người Nhật. Murakami như thể biểu trưng của sự lẩn tránh và bất lực trước cuộc đời, dùng ngôn từ và lối tường thuật lắt léo để kể một câu chuyện tưởng tượng, mơ hồ, không mục đích.
Thế nhưng, Murakami thực sự có mục đích. Có điều ông không dễ dàng bộc lộ.
Murakami trên tạp chí Vogue |
“Giữa một bức tường cao kiên cố và một quả trứng đập vào đấy, tôi luôn luôn chọn đứng về phía quả trứng”.
Vâng, mặc cho bức tường có lý đến thế nào đi nữa, và mặc cho quả trứng có sai lầm đến đâu đi nữa, tôi vẫn đứng về phía quả trứng. Ai khác sẽ phán định phía nào đúng, phía nào sai. Có lẽ thời gian hay lịch sử sẽ làm việc phán định đó. Chứ nếu có tiểu thuyết gia nào mà đứng về phía bức tường để viết tiểu thuyết, thì cho dù với lý do gì đi nữa, tác phẩm của họ liệu có được chút giá trị gì chăng?
Thế ẩn dụ này có ý nghĩa gì? Trong vài trường hợp, ý nghĩa đó thật đơn giản và rõ ràng. Oanh tạc cơ, xe tăng, phi đạn, bom lân tinh, là bức tường cao ấy. Còn quả trứng kia, chính là những thường dân không võ trang bị cán bẹp, bị đốt cháy, bị bắn chết. Đó là một ý nghĩa của ẩn dụ này.
Nhưng chẳng phải chỉ có thế. Ẩn dụ này còn có ý nghĩa sâu xa hơn. Xin nghĩ như thế này: Mỗi một người chúng ta, không nhiều thì ít, là quả trứng ấy. Mỗi chúng ta là một linh hồn có một không hai, không thể thay thế, được bao bọc trong một lớp vỏ dễ vỡ. Điều này đúng với bản thân tôi, và đúng với mỗi người trong quý vị nữa.” (H. Murakami)
Minh họa bài bình 1Q84 của Murakami trên tờ Telegraph |
Và đó là cách ông tiết lộ mình. “Tôi cũng là một quả trứng (như bạn), được bao bọc trong một lớp vỏ tưởng chừng như cứng cáp nhưng dễ vỡ“.
Hãy cứ nghĩ đến mỗi người (ngoài ta) như một thực thể dễ tổn thương xem? Ta có thể tức giận với ai đó vì họ xâm phạm đến lý tưởng cao đẹp của ta, cái tôi của ta. Ta tấn công lại họ bằng mọi thứ ta đang có, và rốt cục, ta xé nát cái vỏ trứng mỏng manh của họ, chà đạp con người họ. Đó là cái giá phải trả của họ khi xúc phạm lý tưởng của Ta?
Bên cạnh Cỗ máy, Hệ thống và Bức tường, Murakami còn nhận thức cái Ác, sự Không-hoàn-thiện ngay trong bản thân mỗi con người. Ông băn khoăn không biết phải giải quyết ra sao, thải loại chúng bằng trạng thái trống rỗng hay cho nhân vật của mình tự sát?
Nếu như Mạc Ngôn – người được xem như đã vượt lên Murakami để đoạt giải Nobel văn chương 2012, mà đám đông hâm mộ đang xem ông như một kẻ chiến thắng đại diện cho tình yêu và sự đau khổ của con người. Thì tôi cho rằng, cả 2 nhà văn này – đều là những người yêu con người tha thiết. Mạc Ngôn chấp nhận trầm kha, nhúng mình vào nỗi đau của họ, Murakami theo cách ngược lại – vô hình hơn. Dường như nỗi đau đó ngấm sâu vào ông – thật nặng, vô phương cứu chữa – khiến cho cái vẻ bề ngoài trở nên nhẹ bẫng và hờ hững. Đến mức ông không biết cách nào tốt hơn là trở nên hờ hững.
Ở con người cá nhân, có lẽ ông cũng mất mát và đầy ẩn ức trong tình dục như những nhân vật của mình. Murakami không thể trộn lẫn tình dục và tình yêu (khiến cho sách của ông lợn cợn và bị phủ nhận bởi những độc giả “mưu cầu hạnh phúc”). Ông ý thức mạnh về tình yêu – nhưng dường như đã không được trải nghiệm nó một cách hoàn toàn. Và ở Murakami còn có một cái gì đó như không thể tự do. Vì quá muốn tự chủ để tự do, quá để ý đến tự do… nên không thể tự do thực sự.
* Những trích đoạn dưới đây nằm trong cuốn sách 1Q84 (tập 2) của , Nhã Nam phát hành 12/2012. Bản dịch tiếng Việt do dịch giả Lục Hương chuyển ngữ từ tiếng Trung.
Vân Sam
(vietnamnet.vn)