Về cội nguồn những công nghệ mang tên Israel

27/01/13, 08:25 Tin Tổng Hợp

empty

Vì thị trường trong nước không lớn, các công nghệ của Israel ngay từ đầu đã hướng vào thị trường xuất khẩu. Hướng tiếp cận công nghệ ở đây thường không đi vào đại trà mà đi vào những khâu tạo ra giá trị gia tăng giúp người sử dụng, tiết kiệm nguồn lực, hiệu quả và tiện ích cao.

Câu cửa miệng của người Israel là: “Cái khó ló cái khôn”. Ở đất nước mà hơn 2/3 diện tích là sa mạc, người Israel đi tiên phong trong lĩnh vực tưới nhỏ giọt. Nước được đưa trực tiếp vào gốc cây theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Người ta còn trộn phân bón và dưỡng chất vào hệ thống tưới để bón thúc cho cây. Phương pháp này vừa hiệu quả kinh tế lại vừa thân thiện với môi trường.

Đoàn chúng tôi bắt đầu hành trình bằng buổi làm việc với Viện Xuất khẩu và Hợp tác Quốc tế Israel. Viện đại diện cho hơn 2.500 doanh nghiệp, chuyên giúp các công ty Israel tiếp thị công nghệ và tìm đối tác nước ngoài. Nếu bạn muốn tìm bất kỳ công nghệ nào của Israel thì đây là một địa chỉ tin cậy. Tại đây, đoàn được Viện trưởng và Viện phó tiếp, nghe giới thiệu về công nghệ nước của Israel, những thành tựu cũng như các cơ hội hợp tác trong ngành này với Việt Nam. Tiếp đến, Viện bố trí để công ty tư vấn phát triển bền vững Kayamut với các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực tư vấn và quản lí nước trình bày với đoàn về những kinh nghiệm phát triển bền vững trong lĩnh vực này.

Sáng ngày hôm sau, đoàn đến thăm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Israel. Bộ này có tên giống hệt với Bộ Nông nghiệp của ta. Đoàn được bà Bộ trưởng Orit Noked tiếp. Bà đã sang thăm Việt Nam cùng với ngài Tổng thống Israel tháng 11 năm ngoái. Tháng 5 vừa qua, bà cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát ký hiệp định về Thú y nhân chuyến thăm của Bộ trưởng sang Israel trong dịp triển lãm Nông nghiệp Agritech. Bà có cảm tình đặc biệt với Việt Nam và luôn dành thời gian để tiếp các đoàn Việt Nam sang công tác tại đây. Theo bà, hợp tác nông nghiệp giữa hai nước có rất nhiều triển vọng.

Tiếp đến, ông Trưởng Ban Công nghệ sau thu hoạch của Viện nghiên cứu Nông nghiệp Israel Volcani giới thiệu các trang thiết bị cũng như công nghệ bảo quản rau quả sau thu hoạch của Israel. Đoàn đặc biệt chú ý đến loại công nghệ bảo quản bằng túi ni lông. Trước đây, Israel vận chuyển rau quả sang châu Âu bằng đường hàng không, nhưng nay do giá nhiên liệu tăng cao, đặt ra nhu cầu vận chuyến bằng đường biển. Israel đã phát minh ra các loại túi ni lông bảo quản đặc biệt, nhìn mắt thường thì cũng không khác gì so với các túi ni lông thông thường nhưng khi soi lên kinh hiển vi, nó có các lỗ nhỏ làm giảm nồng độ ôxy và tăng nồng độ CO2. Công nghệ này giúp hoa quả tươi lâu. Cách bảo quản khoai tây cũng rất độc đáo. Để tránh khoai nảy mầm, họ dùng một loại dầu thực vật có mùi thơm như bạc hà. Loại dầu này giúp khoai tây tươi lâu, không bị nảy mầm mà không cần dùng hoá chất.

Một ví dụ ấn tượng khác: Israel trồng rất nhiều lựu. Quả lựu được sử dụng nhiều dùng để ăn, chế biến thành nước quả, mỹ phẩm. Khâu tách hạt lựu là công đoạn mất công nhất chính vì vậy mà máy tách hạt lựu ra đời. Thế nhưng việc thu hoạch lựu chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng khiến cho việc đầu tư vào máy tách hạt lựu không kinh tế. Một nhà khoa học Israel đã lai tạo giống lựu ăn quả với giống lựu làm cây cảnh của Nhật Bản để ra đời giống lựu mới mà thời gian thu hoạch kéo dài đến 8 tháng. Có thể nói, các nhà khoa học Israel luôn sát cánh cùng những người nông dân và doanh nghiệp để đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế của họ. Đó chính là bí quyết thành công trong nông nghiệp cũng như các ngành kinh tế khác của Israel.

Buổi trưa hôm đó chúng tôi được Bộ Nông nghiệp mời cơm. Các Bộ của Israel đều có nhà ăn cho nhân viên. Bữa trưa tự phục vụ, ăn theo khẩu phần. Nước uống chỉ là nước khoáng hay nước ngọt, không phục vụ rượu, bia. Người Do thái rất ít uống đồ có cồn, có chăng chỉ vào buổi tối. Họ quan niệm phải luôn giữ tỉnh táo, làm chủ chính mình trong khi làm việc cũng như đàm phán kinh doanh. Mong sao Việt Nam ta cũng dần bỏ được thói quen nhậu nhẹt quá phổ biến hiện nay.

Theo lịch trình đoàn sẽ gặp Netafim, công ty chuyên về công nghệ tưới của Israel tại kibbutz Hazerim ở Beersheva nhưng vì nơi đó ở gần dải Gaza, nơi căng thẳng đang diễn ra, nên phía bạn điều chỉnh chương trình cho chúng tôi gặp đại diện công ty Gal Yarden tại Viện Xuất khẩu. Cái tên Netafim đã rất quen thuộc trong giới thuỷ lợi ở Việt Nam. Công ty hiện có đại diện ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Lạt. Thiết bị tưới của công ty đã được áp dụng trồng hoa ở Đà lạt, mía ở Thanh Hóa, dứa, nho ở Bình Thuận

Ngay tối hôm đó, đoàn rong ruổi lên phía bắc Israel. Đoàn ngủ đêm ở Haifa. Buổi sáng đoàn tranh thủ đi dạo gần bến cảng và khu chợ hoa quả. Chúng tôi đi qua thấy một biển hiệu có tên Việt Nam “Lê văn Sỹ” . Ở Israel có một cộng đồng người Việt sinh sống, nhiều nhất ở Haifa này. Người ta kể rằng vào những năm 1975, có một đoàn thuyền nhân Việt Nam bị trôi dạt gần biển Israel và được bà Thủ tướng Israel lúc bấy giờ là bà Gold Meir đồng ý cho tị nạn ở đây. Đó chính là thế hệ người Việt đầu tiên trên đất Israel.

Đoàn bắt đầu hành trình của mình đi thăm Bermad, một công ty chuyên cung cấp các loại van điều khiển cho thuỷ lợi, cấp thoát nước và cứu hoả. Sau khi nghe giới thiệu về các sản phẩm của công ty, đoàn được đi tham quan nhà xưởng, nơi chế tạo và sản xuất các loại van điều khiển nước. Công ty đặc biệt nhấn mạnh vào khâu nghiên cứu sản phẩm, điều chỉnh theo yêu cầu thực tế của khách hàng. Khâu kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt các sản phẩm xuất xưởng để đảm bảo chất lượng của hàng hóa. Đoàn được đến thăm nơi xử lí nước thải để tưới tiêu cho nông nghiệp. Nước thải ở quanh khu vực được thu gom về đây và được xử lí tại nhà máy xử lí nước thải. Nước sau khi xử lí được bơm vào một bể chứa để lắng đọng rồi lại được bơm vào một hồ chứa lớn dung tích 8 triệu m3 trước khi được dẫn đi tưới tiêu cho các trang trại nông nghiệp. Ở Israel, trên 70% nước thải được xử lý, tái chế thành nước tưới cho nông nghiệp. Ngay tại bờ hồ chứa người ta cũng tận dụng trồng các cây ô liu, chanh xanh tốt trên mảnh đất khô cằn. Chúng tôi bứt thử mấy trái chanh, mùi vị cũng thơm ngon, chẳng ai ngờ nó được tưới bón từ nước thải đã qua xử lý. Một điều thú vị nữa là chính những trái chanh này còn giúp giải cảm cho một thành viên trong đoàn giữa đêm khuya ở vùng Biển chết.
 
Cánh đồng chuối tại Israel
Cánh đồng chuối tại Israel

Đoàn lại tiếp tục hành trình đến công ty Amiad. Trên đường đi đoàn băng qua những cánh đồng trồng chuối bát ngát. Chuối ở đây cùng được trồng trong nhà lưới. Các buồng chuối đều được bọc ni lông. Ông Yaear giải thích làm như vậy vừa ngăn côn trùng vừa giúp chuối chín nhanh. Chuối Israel được xuất sang châu Âu. Những trái chuối bày trong siêu thị thật đẹp mắt, vàng nhạt, chín đều mà không một vết xước trên quả.

Đến Bet Zera, nơi có nhà máy của Amiad, đoàn được thưởng thức một bữa ăn trong Kibbutz. Đoàn nghe giới thiệu về công ty và sản phẩm, thăm nhà máy. Amiad là nơi sản xuất các thiết bị lọc, lọc bằng nhựa và thép dạng đĩa hay sợi. Ở đây, cũng như Bermad, khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm và công tác nghiên cứu triển khai được công ty hết sức chú trọng và đầu tư. Đặc biệt công ty luôn tiếp thu những phản hồi của khách hàng và cải tiến sản phẩm để đáp ứng tốt hơn. Đó cũng chính là lý do mà các sản phẩm của Israel có độ tin cậy cao và đi tiên phong trong công nghệ.

Rời Amiad, chúng tôi tiếp tục hành trình, đi qua các trang trại trồng chuối, hồng, cam. Đâu đâu chúng tôi cũng thấy việc canh tác rất bài bản, chỉn chu. Chặng dừng chân cuối cùng ở phía Bắc Israel là công ty Ari chuyên sản xuất các loại van khí. Các van này đặc biệt giúp tối đa hoá hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng tới 70-80% so với việc không sử dụng van điều khí. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng phòng thí nghiệm so sánh các loại van khí của các nước và của ARI, thấy rõ tính hiệu quả của việc sử dụng van này. Đây cũng là nơi những sản phẩm mới được nghiên cứu và kiểm nghiệm. Công ty đóng tại cao nguyên Goland. Đến thăm phòng trưng bày sản phẩm mà chúng tôi ngỡ bước vào một phòng trưng bày nghệ thuật. Các loại van khí được giới thiệu như những tác phẩm nghệ thuật. Nhìn cảnh quan đến bày trí nơi đây chắc hẵn chủ nhân của nơi này mang tâm hồn nghệ sỹ. Chúng tôi đến thăm vào chiều muộn. Ông Pini, giám đốc bán hàng khu vực Thái Bình Dương tiễn và dẫn chúng tôi đi chụp cảnh hoàng hôn nơi đây.

Một điểm đáng ghi nhận khi thăm các nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ nước của Israel là các công ty đều chuyên sâu vào một loại thiết bị, đều chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu triển khai cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng của sản phẩm không đầu tư dàn trải. Ở ta cũng có rất ít công ty có phòng nghiên cứu và triển khai và thực sự được đầu tư hiệu quả như bên bạn.

Chúng tôi nhớ nhất câu nói của giám đốc tiếp thị ARI: “Cám ơn các bạn đã đến thăm chúng tôi vào thời gian rất đặc biệt này. Các bạn đã mang hòa bình đến cho chúng tôi”. Vào 7 giờ tối hôm đó, một thỏa ước đình chiến đã được kí giữa Israel với lãnh đạo của Hamas.
 
Một trạm bơm tại Israel
Một trạm bơm tại Israel

Kết thúc hành trình phía cực bắc của Israel, chúng tôi đi xuôi về phía nam, vùng sa mạc Arava. Trên đường đi, chúng tôi đến thăm Trung tâm nghiên cứu và triển khai Arava, ông Yoram phụ trách trung tâm nghiên cứu dẫn chúng tôi đi thăm khu thí nghiệm. Tại đây, mỗi luống rau đều được dùng để thí nghiệm một loại nhất định, có luống theo dõi khả năng hấp thụ đạm, có luống để điều chỉnh nồng độ kali bón cho cây. Đây là nơi giải quyết vướng mắc và phổ biến công nghệ cho người nông dân.

Chúng tôi ngỡ ngàng nhìn những luống lúa được trồng tại đây. Ông Yoram giải thích: “Ở đây chúng tôi không trồng lúa vì thiếu nước. Những thí nghiệm này chúng tôi phục vụ cho thị trường nước ngoài. Đây là vụ lúa thứ hai. Chúng tôi vẫn giữ nguyên gốc trồng từ vụ trước. Lúa được tưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt. Các bạn đừng ngạc nhiên nếu một ngày không xa có giống lúa của Israel tại Việt Nam”.

Ở đây nước hiếm. Ở vùng sa mạc Arava này đất cũng không thể trồng trọt được, muốn trồng được thì phải đổ cát. Cát rồi cũng không còn để khai thác. Hiện cây ở được được trồng bằng xơ dừa và than núi lửa. Đến thăm một trang trại của hai cha con một người nông dân với diện tích 15 ha. Ở đây mỗi hộ nông dân được chia 4,5 ha đến 5ha. Phần còn lại họ đi thuê của gia đình khác. Hiện ông đang trồng ớt ngọt xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nông dân ở đây thường qua các công ty xuất khẩu, cũng có những trang trại lớn xuất khẩu trực tiếp. Ông Yoram đưa chúng tôi hồ chứa và bể chứa nước cho khu này.

Trước đây nước trực tiếp bơm lến các bể chứa và từ đó bơm đi tưới cho các trang trại. Tuy nhiên điều này chưa tận dụng hết nước ngầm và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của cây trồng nên họ đã xây một hồ chứa dung tích 2,5 triệu m3. Bức xạ nhiệt ở đây rất lớn, chính vì vậy mặt hồ có phủ ny lông để ngăn nước bốc hơi. Ông Yoram giải thích: “Nước ở đây rất hiếm nên dùng quay vòng. Nước nhiễm mặn cho nên phải tưới nhiều gấp 3 mức bình thường. Phía dưới luống cây có đường ống thu nước do cây không hấp thụ hết, nước này lại được dẫn đi tưới cho cây chà là. Nước ở đây là nước giếng khoan ở độ sâu trung bình 1.000m, nơi sâu nhất đến 1.700m. Mỗi mét sâu tốn 150 USD. Đào đến đâu đi đường ống đến đó. Đường kính chỉ rộng chừng 60cm.

Chúng tôi tiếp tục hành trình, thăm khu đóng gói rau quả xuất khẩu Edom. Nông sản sau khi thu hái được trở về đây, được đưa vào dây truyền rửa tự động rồi được phân loại và đóng gói, đưa vào kho lạnh trước khi xuất khẩu. Những quả ớt ngọt vàng, đỏ nhẵn nhụi và bóng như những quả nhựa trông thật ngon mắt. Giống rau quả cũng là một trong những thế mạnh của Israel.

Buổi chiều chúng tôi được bà Hanan, giám đốc trung tâm Aicat chuyên đào tạo các tu nghiệp sinh Việt Nam theo các khoá vừa học vừa làm 11 tháng. Năm nay trung tâm đào tạo 250 sinh viên Việt nam. Các em khi bắt đầu khoá học sẽ chọn một đề tài dự án và lên kế hoạch kinh doanh. Cuối khoá, các em sẽ trình bày đề tài của mình trước thầy cô và các bạn. Một tuần các em có một buổi học lý thuyết, còn lại là làm việc giúp người nông dân, kiếm tiền để trang trải chi phí học và sinh hoạt cũng như dặt dụm một khoản tiền mang về Việt nam. Hôm chúng tôi đến thăm các em đang học về lí thuyết marketing cơ bản. Đại diện sinh viên nói với chúng tôi “Chúng em rất tâm huyết và say sưa với những gì mình học và làm ở đây. Công việc học tập và làm việc ở đây rất vất vả, nhưng bù lại chúng em lại được học các làm việc, cách tư duy, quản lý của người Israel. Chúng em rất mong khi về nước được nhà nước tạo cho chúng em một môi trường để tiếp tục làm việc”. Anh Thiên, Giám đốc Sở Nông nghiệp Khánh Hòa đã hứa sẽ nhận ngày 20 em về làm việc tại trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Tạm biệt vùng Arava, chúng tôi đi về phía Tây Israel, qua vùng Beersheva đến sa mạc Negev. Dọc đường đi chỉ thấy nắng và gió. Thỉnh thoảng có một vài cây bụi. Mọi người trong đoàn thốt lên: “Thật sung sướng chúng ta sinh ra ở Việt Nam. Quảng Bình, Quảng Trị, Quang Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận so với nơi đây vẫn còn là thiên đường”. Có lẽ chuyến thăm ấn tượng nhất chuyến đó là chuyến thăm Viện nghiên cứu của trường đại học Ben Gurion đóng tại Negev. Sa mạc Negev nằm ở phía Tây Israel. Khí hậu còn khắc nghiệt hơn cả vùng Arava. Ban ngày nắng gắt, ban đêm thì lạnh. Giữa vùng đất khô cằn sỏi đá mọc lên một tòa nhà, thiết kế hiện đại thân thiện với môi trường. Đó chính là Viện nghiên cứu Sa mạc Blaustein thuộc trường Đại học Ben Gurion. Tòa nhà lợp bằng tấm lợp thông minh, bên trong ánh sáng chan hòa. Tiếp chúng tôi là Giáo sư Eilon M. Adar. Ông hồ hởi nói với chúng tôi: “Anh trai tôi hiện đang ở Việt Nam. Ông đang cùng hợp tác với một viện Thủy sản Cần thơ để sản xuất giống tôm hùm toàn đực”. Ông giới thiệu viện này có nhận nghiên cứu sinh để đào tạo master và doctor cho các nước trên thế giới. Viện cũng có các học bổng từ 40%-60%. Có rất nhiều sinh viên từ các nước trên thế giới theo học tại đây nhưng chưa có sinh viên Việt Nam.

Khi được hỏi chính sách đãi ngộ các nhà khoa học của Israel để họ đến làm việc tại đây, Giáo sư Adar chia sẻ: “Các nhà khoa học Israel là những “sinh vật lạ”. Nơi nào có điều kiện để họ nghiên cứu và đóng góp cho khoa học là họ tìm đến. Chính họ đến với chúng tôi chứ không phải chúng tôi kêu gọi họ”. Mọi người trong đoàn ngồi lặng đi. Chắc ai cũng đều liên tưởng đến đất nước mình. Không ít các nhà khoa học của ta sau khi được đào tạo, chưa kịp cống hiến đã đòi hỏi chính sách đãi ngộ. Nhiều khi đào tạo một đằng làm việc một nẻo thật là lãng phí nguồn lực xã hội. Đó cũng là một trong những lí do tại sao họ phát triển hơn ta. Đoàn được giáo sư Adar dẫn đi thăm quan các phòng thí nghiệm. Ở đây có những phòng thí nghiệm cơ bản chỉ để soi, cân đong, đo đếm. Có phòng chuyên để làm các thí nghiệm chuyên sâu. Điều kiện học tập và làm việc ở đây rất tốt. Mỗi giảng viên và sinh viên đều có phòng ở riêng, điều kiện làm việc và trang thiết bị hiện đại. Giáo sư Adar chỉ vào hai lọ một màu hồng và một trong suốt. Ông nói: “Đây là đề tài Master của một sinh viên Trung Quốc. Đề tài nguyên cứu của cô ấy là xử lí một loại nước chất độc hại của nhà máy hóa chất và kết quả chúng tôi có chất lượng nước ở lọ thứ hai này. Cô ấy có bằng thạc sĩ còn chúng tôi có thêm một bằng sáng chế mới.”

Đặc biệt, sau khi công nghệ đã được triển khai thành công ở phòng thí nghiệm thì tại đây có khả năng áp dụng qui mô lớn hơn để các doanh nghiệp có thể hình dung được công nghệ sẽ triển khai như thế trên thực tế. Giáo sư Adar giải thích: “Chỉ làm tốt ở phòng thí nghiệm thì không đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư mà phải để cho họ thấy công nghệ đó được triển khai hiệu quả thế nào trong điều kiện và qui mô thực tiễn”. Chính đây là này cách các nhà khoa học tiếp thị sản phẩm của mình. Có thể nói Israel là thực hiện thành công nhất trong việc kết hợp bốn nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp.

Tôi xin kết thúc phóng sự của mình bằng câu nói của cựu Đại sứ Israel, Effie Ben Matityau, người có công lớn góp phần nâng tầm quan hệ hai nước: “There’s nothing wrong with the nature but the human nature” (Thiên nhiên có lỗi gì đâu, có chăng chỉ bởi con người mà thôi). Con người, không ai khác là nhân tố quyết định sự thành bại của bản thân, gia đình hay đất nước mình.

Đỗ Ngọc Lan

(dantri.com.vn)

Ad will display in 09 seconds

Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

Ad will display in 09 seconds

Tiểu đệ tử Đại Pháp

Ad will display in 09 seconds

Chiến tranh thế giới thứ 3 suýt nổ ra: Nếu không có vị anh hùng thầm lặng này

Ad will display in 09 seconds

Phỉ báng người khác, đến Đức Phật cũng phải chịu báo ứng

Ad will display in 09 seconds

Lời dạy của quỷ thần: Người đọc sách tốt, thân phủ hào quang

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là Tà đạo?

Ad will display in 09 seconds

Vì sao chén trà bạch ngọc lại khiến lão gia khổ sở?

Ad will display in 09 seconds

Thời nay ai bị coi là Tà dâm?

Ad will display in 09 seconds

Thế gian này điều gì là quý giá nhất? Luân hồi 3000 năm mới tìm thấy câu trả lời

Ad will display in 09 seconds

Bao lâu rồi bạn chưa trò chuyện với bố?

  • Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

    Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

  • Tiểu đệ tử Đại Pháp

    Tiểu đệ tử Đại Pháp

  • Chiến tranh thế giới thứ 3 suýt nổ ra: Nếu không có vị anh hùng thầm lặng này

    Chiến tranh thế giới thứ 3 suýt nổ ra: Nếu không có vị anh hùng thầm lặng này

  • Phỉ báng người khác, đến Đức Phật cũng phải chịu báo ứng

    Phỉ báng người khác, đến Đức Phật cũng phải chịu báo ứng

  • Lời dạy của quỷ thần: Người đọc sách tốt, thân phủ hào quang

    Lời dạy của quỷ thần: Người đọc sách tốt, thân phủ hào quang

  • Thế nào là Tà đạo?

    Thế nào là Tà đạo?

  • Vì sao chén trà bạch ngọc lại khiến lão gia khổ sở?

    Vì sao chén trà bạch ngọc lại khiến lão gia khổ sở?

  • Thời nay ai bị coi là Tà dâm?

    Thời nay ai bị coi là Tà dâm?

  • Thế gian này điều gì là quý giá nhất? Luân hồi 3000 năm mới tìm thấy câu trả lời

    Thế gian này điều gì là quý giá nhất? Luân hồi 3000 năm mới tìm thấy câu trả lời

  • Bao lâu rồi bạn chưa trò chuyện với bố?

    Bao lâu rồi bạn chưa trò chuyện với bố?

x