Có địa phương “giấu” thống kê tai nạn giao thông!
– “Con số thống kê TNGT toàn quốc không thể chính xác tuyệt đối mà vẫn có những sai số nhất định do cách thức thống kê mỗi năm mỗi khác. Thậm chí, có địa phương còn “giấu” để báo cáo thành tích”.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã có cuộc trao đổi với VietNamNet.
Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp. |
– Năm 2012, ATGT đã có nhiều chuyển biến tích cực mà cụ thể là năm đầu tiên tai nạn giảm sau một thập kỷ. Ông đánh giá như thế nào?
Năn ATGT 2012, hàng loạt giải pháp được triển khai quyết liệt, Ủy ban Quốc hội, Ủy ban ATGT Quốc gia, các địa phương và nhân dân đều khẳng định, năm 2012 công tác đảm bảo ATGT đã có những bước đột phá.
Sau 10 năm, số người chết giảm 10.000 người, cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết và bị thương) giảm và giảm rất sâu (số người chết giảm 1.700 người (14%), số người bị thương giảm 9.500 người).
Những con số này nói lên nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương cùng những chính sách, chủ trương được triển khai đúng hướng.
– TNGT đã giảm sâu, tuy nhiên theo các chuyên gia, ATGT bền vững tại Việt Nam vẫn là một thách thức?
Năm ATGT 2012 bước đầu đã thiết lập được trật tự kỷ cương nhưng câu chuyện làm thế nào để ATGT bền vững thì vẫn là một thách thức.
Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ TNGT cao so với thế giới. Tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng giảm, nhưng mức độ và tính chất nguy hiểm lại có chiều hướng gia tăng.
Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, ý thức của người dân tham gia giao thông còn hạn chế. Đặc biệt, sự quản lý Nhà nước còn yếu kém, hệ thống pháp luật xử lý vi phạm giao thông còn chưa nghiêm, ở một số nơi vẫn còn diễn ra tình trạng mãi lộ…
TNGT giảm nhưng chưa mang tính bền vững do tốc độ giảm chậm dần đều không duy trì tính liên tục. TNGT chỉ giảm khi lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, nhưng cũng chỉ làm được một thời gian rồi lại tái diễn.
Ủy ban ATGT đánh giá nghiêm túc những tồn tại và hạn chế này, đồng thời lấy ‘Năm ATGT 2013’ là năm “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”.
– Lý do gì Ủy ban ATGT Quốc gia lại lấy chủ đề về trách nhiệm người thực thi công vụ? Phải chăng, người thực thi công vụ vẫn chưa nghiêm và có nhiều vi phạm?
Mục tiêu lâu dài là xây dựng văn hóa giao thông trong đó nhấn mạnh văn hóa người tham gia giao thông, thực thi công vụ chính sách. Trước mắt, chúng ta sẽ làm tập trung vào 2 lực lượng này để đảm bảo ATGT.
Hiện nay, theo tôi, người đứng đầu địa phương, người thực thi công vụ mang yếu tố quyết định làm TNGT giảm.
Tuy nhiên, đối tượng thực thi công vụ vẫn chưa nghiêm và vẫn vi phạm vì thế năm 2013 này sẽ làm quyết liệt.
Ông Hiệp thừa nhận, ngoài thống kê của địa phương thì thông tin trên báo chí cũng là kênh quan trọng để Uỷ ban ATGT Quốc gia giám sát việc các địa phương thông kê tình hình tai nạn giao thông (Ảnh minh hoạ: Tiểu Long). |
– Ông có suy nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng, con số tai nạn giảm chưa chính xác, thậm chí, có địa phương chạy theo báo cáo thành tích nên đã “giấu” thống kê số người chết, số người bị thương?
Theo tôi, con số thống kê TNGT toàn quốc không thể chính xác tuyệt đối mà vẫn có những sai số nhất định do cách thức thống kê mỗi năm mỗi khác.
Cụ thể, năm 2011, số liệu thống kê ATGT của các Bộ ban ngành, địa phương được tính từ ngày 1/1 đến 30/12, nhưng năm 2012 lại từ 16 tháng trước đến 15 tháng sau.
Ngoài ra, 3 tiêu chí (số vụ, người chết, bị thương) của Ủy ban ATGT cũng được lấy từ báo cáo của Bộ Công an và qua các văn bản của Ban ATGT địa phương xác nhận số liệu đó.
Theo quy định, địa phương nào có vụ tai nạn nghiêm trọng từ 3 người chết trở lên phải báo cáo Ủy ban ATGT Quốc gia nhưng các tỉnh thành chỉ thực hiện khi Ủy ban điện xuống tra hỏi.
Tại mỗi vụ tai nạn, số người chết tại chỗ thì chính xác nhưng chưa chết mà được chuyển vào viện thì không thể thống kê được do thiếu sự đồng bộ giữa bệnh viện, địa phương, công an…
Nếu xét theo số liệu này, tôi nghĩ rằng chưa chính xác, có độ “vênh” nhưng cũng không nhiều.
Bên cạnh đó, đúng là cũng có một số địa phương “giấu” số liệu tai nạn giao thông để báo cáo thành tích.
– Vậy Uỷ ban ATGT đã có giải pháp gì để hạn chế tối đa những sai số về tổn thất từ TNGT?
Để kiểm soát sai số này, Bộ Công an đã thành lập 20 đoàn thanh kiểm tra địa phương từ xã, phường, huyện trở lên và có những nhắc nhở, điều chỉnh uốn nắn địa phương có số liệu chưa chuẩn.
– Xin cám ơn ông!
Vũ Điệp (thực hiện)
(vietnamnet.vn)