Dùng laser bắn ‘Nàng Mona Lisa’ lên Mặt trăng
Các nhà khoa học thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã sử dụng laser để bắn kiệt tác “Nàng Mona Lisa” của danh họa Leonardo da Vinci tới một tàu vũ trụ đang quay quanh quỹ đạo Mặt trăng. Đây là hoạt động thông tin liên lạc xuyên vũ trụ bằng laser đầu tiên trên thế giới.
Các tín hiệu laser được bắn đi từ một cơ sở của NASA ở bang Maryland, Mỹ. Chúng đã vượt quãng đường dài tới 384.400km trong không gian để tới “điểm nhận” là tàu thăm dò Mặt trăng LRO của NASA. Tàu LRO đã bay quanh quỹ đạo Mặt trăng kể từ năm 2009.
Các nhà khoa học NASA tuyên bố, việc “truyền” tranh “Nàng Mona Lisa” là một tiến bộ quan trọng trong việc giao tiếp bằng tia laser với tàu vũ trụ liên hành tinh.
David Smith, nhà nghiên cứu tham gia điều khiển thiết bị thu nhận laser của tàu LRO, nhận định: “Trong tương lai gần, kiểu giao tiếp đơn giản bằng tia laser này có thể đóng vai trò hỗ trợ cho dạng thông tin liên lạc vô tuyến đang sử dụng cho các vệ tinh. Trong tương lai xa hơn, nó có thể cho phép việc thông tin liên lạc với tốc độ truyền dẫn dữ liệu cao hơn so với các dạng kết nối vô tuyến hiện thời có thể cung cấp”.
Theo tiết lộ của giới chức NASA, tàu LRO là lựa chọn hàng đầu để thử nghiệm phương pháp liên lạc mới vì nó đã được trang bị bộ phận tiếp nhận laser. Trong khi hầu hết các tàu vũ trụ thám hiểm hệ Mặt trời hiện nay đều được giám sát thông qua tín hiệu vô tuyến, NASA cũng đang theo dõi tàu LRO bằng tia laser.
Tuy nhiên, thời điểm bắn tia laser “truyền” tranh đòi hỏi phải chuẩn xác. Nhóm chuyên gia của NASA đã chia tác phẩm “Nàng Mona Lisa” thành các phần có kích thước 150 x 200 pixel và sau đó truyền chúng thông qua việc bắn xung laser tới điểm nhận với tốc độ chuyển dữ liệu khoảng 300 bit/giây.
Sau khi nhận được hình ảnh truyền tới, tàu LRO đã tái dựng bức tranh, sửa chữa những chỗ bị biến dạng do việc tín hiệu laser xuyên qua bầu khí quyển Trái đất tạo thành, rồi sau đó gửi “Nàng Mona Lisa” ngược trở về Trái đất bằng dạng liên lạc thông thường: các tín hiệu vô tuyến.
Richard Vondrak, một nhà nghiên cứu khác tham gia dự án tàu LRO tiết lộ, thành công mang tính đột phá trên tạo tiền đề cho việc sử dụng chủ yếu dạng giao tiếp bằng tia laser với tốc độ truyền tải dữ liệu cao trong sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng tiếp theo của NASA vào cuối năm nay, nhằm lập bản đồ về bầu khí quyển và môi trường của Mặt trăng.
Tuấn Anh (Theo Live Science)
(vietnamnet.vn)