Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm
Khác mọi năm, cảnh nhà băng tấp nập hân hoan báo lãi khủng đã không còn mà năm nay, họ vừa báo lãi vừa lo. Lợi nhuận khối ngân hàng cổ phần giảm gần một nửa còn lãi của các “ông lớn” cũng chỉ nhỉnh hơn năm 2011 rất ít.
Hàng loạt ngân hàng sụt giảm lợi nhuận
Nhiều ngân hàng cắt thưởng Tết
Tình hình lợi nhuận ảm đạm trong 2012 đã chấm dứt những năm tháng hoàng kim lãi khủng, lương thưởng cao ngất ngưởng của ngành ngân hàng. Ngay đến “đại gia” trong ngành như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, cũng không tăng trưởng đáng kể so với năm trước. Tiếp tục giữ 3 vị trí cao nhất của toàn ngành về lợi nhuận nhưng các “ông lớn” này đều phải lỗi hẹn với kế hoạch hoành tráng lãi hàng nghìn tỷ đã đặt ra đầu năm.
Hết năm 2012, Vietinbank báo lãi trước thuế hơn 8.200 tỷ đồng – tăng khoảng 100 tỷ so với năm 2011 còn lợi nhuận BIDV chỉ tăng 16 tỷ khi lãi trước thuế gần 4.260 tỷ đồng. Vietcombank dù chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2012 nhưng theo một lãnh đạo của ngân hàng này, lợi nhuận năm nay chỉ tăng khoảng 60 tỷ so với 2011 và ước đạt 5.760 tỷ đồng. Như mọi khi, ngân hàng còn lại trong “tứ trụ” quốc doanh là Agribank vẫn muộn màng trong việc thông báo lợi nhuận. Trong thông cáo phát đi hôm qua (17/1), ngân hàng này chỉ cho biết tín dụng tăng 8,2% còn số liệu về lãi lỗ và nợ xấu vẫn không có thông tin.
Lợi nhuận toàn ngành sụt giảm gần một nửa so với năm 2011. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trao đổi với VnExpress.net, hầu hết các ngân hàng cổ phần đều nói sẽ có lãi trong năm 2012 nhưng con số lợi nhuận sụt giảm rất mạnh. Ông Nguyễn Thanh Toại – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) – cho biết dù năm 2012 trải qua nhiều biến cố nhưng nhà băng này vẫn lãi khoảng 1.200 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức lãi này thấp xa chỉ tiêu lãi 4.500 tỷ ban đầu.
Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình cho biết năm nay lãi ước đạt 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2011 lợi nhuận trước thuế của DongA Bank đạt 1.255 tỷ đồng và tăng 46,3% nếu so với năm 2010. Như vậy, lãi năm 2012 may ra chỉ ngấp nghé năm 2011, thậm chí thấp hơn.
Ông Phan Huy Khang – Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)- thì dè dặt công bố con số lãi chính thức. Tuy nhiên, ông Khang cũng thừa nhận, việc phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp qua giảm lãi suất cho vay cũng như tăng trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu đã khiến lợi nhuận các ngân hàng đi xuống.
Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) thì thở phào khi báo lãi bởi trước đó, lãnh đạo của nhà băng này chỉ dám đăng ký mục tiêu khiêm tốn là “hòa vốn” sau khi phải cáng đáng khoản lỗ nghìn tỷ từ Habubank. Một số ngân hàng trong diện yếu kém phải tái cơ cấu khác cũng đang chới với giữa khả năng lãi ít hoặc thậm chí lỗ.
Ngân hàng Quân đội là một trong hiếm hoi các nhà băng có tín dụng tăng cao (26,5%) và tăng trưởng lợi nhuận được tính theo đơn vị “nghìn tỷ” thay vì vài tỷ như các đơn vị khác. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng cho biết cơ cấu lợi nhuận nay đã thay đổi, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh trong khi từ tín dụng giảm xuống.
Một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm 2012 là 28.600 tỷ đồng, sụt giảm gần 50% so với năm 2011. Như vậy, trong khi lãi của các ông lớn quốc doanh (chưa kể Agribank) không giảm thì lợi nhuận của khối ngân hàng cổ phần ước sụt giảm một nửa. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 10, tổng tài sản của các ngân hàng cổ phần cũng đã “bốc hơi” thêm gần 21.500 tỷ đồng.
Lãi giảm khiến lương thưởng và cổ tức ngân hàng sụt giảm mạnh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Về những con số này, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần vừa tham gia tái cơ cấu trong năm 2012 tâm sự đầy cay đắng: “Cuối năm 2011, khi ngồi với nhau, nhóm lãnh đạo mấy ngân hàng đã bảo nhau năm 2012 sẽ khó khăn nhưng không ngờ lại thê thảm đến như vậy”. Vị này còn nói thẳng, cứ tình hình này, việc năm 2013 có ngân hàng đặt chỉ tiêu hòa vốn hoặc thậm chí lỗ ngay từ đầu năm như một số doanh nghiệp đã làm vừa qua là hoàn toàn có thể xảy ra.
Chẳng riêng các lãnh đạo, ở cấp dưới, nhân viên ngân hàng cũng ngấm dần chuyện những đồng lãi đã không còn nhiều trong két của nhà băng. Một nhân viên đã từng làm việc 4 năm trong ngành kể: “Đòi tăng lương thì sếp trả lời nửa đùa nửa thật nhưng tôi cũng thấy đúng: ‘Cậu còn được ngồi đây làm việc là may rồi’. Còn chuyện thưởng Tết, thì chỉ cần nhìn vào việc ngay đến suất tặng lịch đầu xuân của nhân viên năm nay cũng bị cắt đáng kể là anh em đủ hiểu”.
Lương thưởng và cổ tức – những quyền lợi sát sườn nhất của cán bộ công nhân viên và cổ đông – cũng bị ảnh hưởng nặng trong năm 2012. Khác với mọi năm, đến nay thị trường vẫn không tìm thấy nhà băng công bố mức thưởng Tết “khủng” nhiều tháng lương, thay vào đó là những lời đánh tiếng dè dặt về việc cắt thưởng Tết của hàng loạt ngân hàng. Bên cạnh đó, các ông chủ nhà băng cũng ngần ngại hơn khi nói đến chuyện chia cổ tức.
Tuy nhiên, không cần biết lãi ít hay nhiều, năm nay họ sẽ khó lòng phóng tay chi trả bởi “lệnh” cấm của Thống đốc đã ban và được hiện thực hóa qua Chỉ thị 06 – cấm nhà băng tăng lương, chia cổ tức nếu chưa trích lập đủ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Mà nợ xấu thì lại chưa thể giải quyết ngay trong một vài tháng, thậm chí một vài năm. Và như vậy, khó khăn có thể sẽ còn tiếp tục chờ đón ngành ngân hàng trong năm sau nữa.
Thanh Thanh Lan
(vnexpress.net)