Lò nhanh và tham vọng hạt nhân Trung Quốc
Trung Quốc cố gắng đưa một lò phản ứng thuộc thế hệ thứ tư vào sử dụng thương mại và có tham vọng nhanh chóng gia nhập “câu lạc bộ” xuất khẩu điện hạt nhân ra thế giới.
Một công ty năng lượng nước này vừa mới thông báo như vậy vào ngày chủ nhật 6/1/2013. Đây là động thái mới nhất chứng tỏ Trung Quốc đang tăng tốc độ phát triển điện hạt nhân.
Trung quốc thử nghiệm lò phản ứng neutron nhanh. Nguồn: News.cn. |
Đặc điểm nổi bật của lò phản ứng nơtron nhanh, hay lò thế hệ thứ tư, là hệ làm mát sử dụng khí ở nhiệt độ cao. Nhờ đó, loại lò này có tính an toàn thụ động, tức có thể tự động đóng sập lò tức thời trong trường hợp khẩn cấp nhằm bảo đảm an toàn để không gây ra tan chảy lõi lò và không làm rò rỉ chất phóng xạ ra ngoài như trường hợp xảy ra ở các nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl hay Fukushima.
Hơn nữa, với lò nơtron nhanh, hiệu suất phát điện của lò có thể được tăng lên đáng kể, từ mức 30% hiện tại với các lò phản ứng hạt nhân thuộc các thế hệ thứ hai và thứ ba cũ lên đến 40%.
Ngày 31/10/2012 vừa qua, Viện Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc thông báo, các chuyên gia Trung Quốc đang tiến hành các cuộc thử nghiệm đối với lò phản ứng nơtron nhanh. Đến cuối tháng trước, khởi công xây dựng và thời hạn phát điện được đặt ra là cuối năm 2017.
Lò mới nói trên được thiết kế và xây dựng bởi chính các chuyên gia của Trường Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.
Nếu xây dựng, khởi động và vận hành thành công, lò phản ứng nhãn hiệu “Trung Hoa” này sẽ là một lợi thế lớn cho ngành công nghiệp hạt nhân của Trung Quốc, vì có một tỷ lệ rất cao thiết bị được sản xuất trong nước thay cho nhập khẩu.
Ngoài ra, nó có thể nhanh chân trong khâu xuất khẩu sang các nước khác trong tương lai sắp tới.
Lò thế hệ mới đưa vào sử dụng này có công suất thiết kế 200 MW với giá thành 3 tỷ nhân dân tệ (tương đương 476 triệu đô-la Mỹ) và thuộc một dự án nhà máy lớn đặt ở thành phố ven biển thuộc Tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung quốc. Trong tương lai, khi hoàn thành xây dựng, nhà máy đó sẽ là lớn nhất nước.
Sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản vào năm 2011, Trung Quốc tạm dừng xây dựng các nhà máy hạt nhân mới và tiến hành đánh giá lại độ an toàn các nhà máy điện hạt nhân trên toàn quốc.
Đến tháng Mười năm 2012 nước này cho phép tiếp tục khởi động lại chương trình điện hạt nhân nhắm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đến nay, Trung Quốc có 15 cỗ máy (lò phản ứng) điện hạt nhân đang hoạt động và tạo ra công suất tổng cộng 12, 54 GW. Nhưng chỉ chiếm 1,8% tổng sản lượng điện quốc gia, thấp hơn nhiều so với trung bình thế giới là 14%.
26 cỗ máy khác hiện đang được xây dựng tiếp và khi hoàn thành sẽ bổ sung thêm 29,24 GW công suất nữa (theo sách trắng về chính sách năng lượng công bố tháng 10/2012).
Trong mối quan tâm về an toàn, chính quyền Trung quốc tuyên bố sẽ không cho phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại các khu vực nội địa, chỉ xây dọc bờ biển. Đồng thời, yêu cầu an toàn nghiêm ngặt được áp dụng cho các nhà máy mới.
Một điểm quan trọng khác là các nhà máy điện hạt nhân mới đều sử dụng các lò phản ứng chỉ thuộc thế hệ thứ 3 trở lên.
Với sự nổ lực tiến hành cộng tác, nhập công nghệ và thiết bị điện hạt nhân của các nước Pháp, Nga, Mỹ… , đồng thời phát triển công nghệ mới sử dụng lò phản ứng nơtron nhanh, Trung Quốc có tham vọng lớn, không chỉ trong phát triển điện hạt nhân sử dụng trong nước mà cả tính đến con đường nhanh chóng gia nhập “câu lạc bộ” xuất khẩu điện hạt nhân của thế giới.
Minh Trần
(vietnamnet.vn)